DIENDANDOANHNGHIEP.VN Theo ông Đặng Thế Lưỡng – Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Quận Hải An, Hải Phòng, văn hoá doanh nghiệp là thứ để tạo nên sự khác biệt giữa doanh nghiệp này doanh nghiệp khác…
– Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vai trò của VCCI trong việc xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân Việt Nam?
Ông Đặng Thế Lưỡng – Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Quận Hải An, Hải Phòng.
Theo tôi, văn hoá doanh nghiệp là toàn bộ giá trị văn hoá được gây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, và từ đó trở thành quy tắc, tập quán, và phương cách hoạt động của doanh nghiệp đó. Ngoài ra, văn hoá doanh nghiệp cũng là thứ để tạo nên sự khác biệt giữa một doanh nghiệp này doanh nghiệp khác.
Trên thực tế, VCCI từ lâu đã rất quan tâm và chú trọng đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Thực chất, văn hóa doanh nghiệp là tinh thần, là phần hồn của doanh nghiệp là giá trị cốt lõi là nền tảng của quản trị doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt và bao dung chứ không phải chỉ là ăn theo yếu tố kinh tế, công nghệ, theo kiểu “phú quý mới sinh lễ nghĩa”. Bài học thực tế trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp cho thấy không thể xây dựng một thương hiệu mạnh và bền vững nếu thiếu một nền tảng quản trị và văn hóa doanh nghiệp mạnh.
Mặc dù vai trò chính của VCCI là một tổ chức liên kết, tập hợp các doanh nghiệp, đứng ra đại diện cho quyền lợi của công đồng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và phát triển của mình. Nhưng, có một đóng góp không nhỏ của VCCI là tuyên truyền, vận động doanh nghiệp gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao trách nhiệm xã hội, xây dựng văn hóa kinh doanh…
Chính vì vậy, thời điểm này VCCI đang cho thấy vai trò là một cầu nối quan trọng giữa nhà nước và doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp với quốc tế và giữa các doanh nghiệp với nhau.
– Trong thời gian tới, liệu VCCI có nên chú trọng xây dựng, khuyến khích và thực hiện các quy ước chuẩn mực đạo đức kinh doanh, văn hóa ứng xử của doanh nhân, doanh nghiệp?
Theo tôi, đây là điều cực kỳ cần thiết trong thời điểm tới. Các doanh nghiệp hiện tại đang bắt đầu chú trọng nhiều hơn tới vấn đề văn hóa doanh nghiệp, cuộc sống ngày càng đòi hỏi những văn hóa ứng xử tốt hơn giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Cuộc sống ngày càng đòi hỏi những văn hóa ứng xử tốt hơn trong doanh nghiệp.
Chính vì vậy, trong thời điểm tới đây, VCCI nên có một bộ ứng xử quy tắc cho doanh nhân để đưa ra những quy định ràng buộc các doanh nghiệp theo một quy định chuẩn chỉ hơn nữa.
Theo đó, bộ quy tắc ứng xử sẽ đưa cho các doanh nghiệp những chuẩn mực cần thiết trong ứng xử, thí dụ như việc các cơ quan công quyền đến doanh nghiệp thì sẽ được tiếp đón ra sao, các doanh nghiệp gặp gỡ, hợp tác làm ăn sẽ phải ứng xử như thế nào, nói chung là tất cả sẽ cần một quy tắc “ứng xử với nhau theo một cách chuẩn mực nhất có thể”.
– Những đóng góp đó theo ông có tác dụng như thế nào?
Từ trước đến nay uy tín của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam là rất lớn, những đóng góp trong suốt quá trình phát triển của mình với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp đã được giới doanh nhân Việt Nam ghi nhận hàng bao nhiêu năm qua.
Bên cạnh đó, những đóng góp của VCCI trong vấn đề phát triển văn hóa doanh nghiệp là một điều đã được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Đây có lẽ là việc “hữu xạ tự nhiên hương”, một khi anh đã làm tốt công tác kết nối, thúc đẩy hợp tác, phát triển kinh tế, xây dựng bản sắc văn hóa doanh nghiệp thì tự nhiên anh sẽ được công đồng doanh nghiệp tin tưởng và giao phó trách nhiệm.
– Ông có đóng góp gì thêm không?
–Tuy rằng, vai trò của VCCI trong việc phát triển công đồng doanh nghiệp Việt Nam là rất lớn. Việc VCCI được coi là “bà đỡ” của các hiệp hội tại Việt Nam là không thể phủ nhận. Nhưng có vẻ như hiện tại, vai trò của các hiệp hội trên cả nước nói chung và TP. Hải Phòng nói riêng đang khá mờ nhạt, nhiều hiệp hội thành lập ra để đó, không có hoạt động gì nhiều ngoài việc giao lưu.
Đơn cử như trường hợp của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Phòng đã bốn năm nay không đại hội, trong khi đó doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam đang chiếm đến hơn 90%. Nếu một tổ chức đại diện như hiệp hội lại không có sự đổi mới, thúc đẩy kết nối, tập hợp và đại diện ý kiến thì làm sao doanh nghiệp có thể tìm thấy sự an tâm trong sản xuất kinh doanh.
Chính vì lẽ đó, VCCI nên chú trọng đến việc đôn đốc, kiểm tra, đẩy mạnh các phong trào hiệp hội hơn nữa để tăng cường sự phát triển kinh tế. Các hiệp hội mạnh thì doanh nghiệp sẽ vững tâm hơn trong việc sản xuất kinh doanh và các hiệp hội mạnh thì vai trò của VCCI cũng sẽ mạnh hơn nữa.
Bên cạnh đó, tôi cũng muốn VCCI có thêm một tổ chức có thể gọi là “Trung tâm quan sát kinh tế địa phương” tại mỗi tỉnh thành. Đây là những tổ chức đã xuất hiện từ lâu tại nước ngoài, thí dụ như Pháp chẳng hạn. Vai trò của Trung tâm này sẽ đem đến cho các doanh nghiệp một cái nhìn tổng quan trong quá trình phát triển doanh nghiệp của mình.
– Xin cảm ơn ông!