VHDN – Sáng nay, ngày 27/7/2022, tại Thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại Phiên họp thứ ba Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC(gọi tắt là ABAC), với sự tham dự của 150 đại biểu đại diện 17 nền kinh tế thành viên APEC.
Phiên họp thứ ba Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự tham gia đông đảo của các thành viên Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC III) sẽ mang đến những phản chiếu sống động thực tế kinh doanh, cùng với nhiều kiến nghị mới để giúp các lãnh đạo APEC họp vào tháng 11/2022 để có những quyết sách mạnh mẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư.
Trong bối cảnh thế giới và khu vực APEC đang phải đối mặt với những biến động khó lường của dịch bệnh, cạnh tranh địa chính trị, những đứt gẫy của các chuỗi cung ứng và chao đảo của thị trường tài chính… Những khó khăn đó đang thử thách bản lĩnh, sự gắn kết hợp tác của các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó đặc biệt chú trọng tới sự chống chịu của các doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Chủ tịch Nước cho rằng: Kỳ họp lần này của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC chính là để thúc đẩy hợp tác trong khối doanh nghiệp tư nhân APEC, cùng nhau tìm cách phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thương mại, đầu tư và kết nối lại các chuỗi cung ứng, và hướng tới phát triển sáng tạo, bền vững và bao trùm trong khu vực.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tại Phiên khai mạc Kỳ họp III ABAC hôm nay, tôi muốn khẳng định quan điểm của Nhà nước Việt Nam là luôn ủng hộ và thúc đẩy triển khai mạnh mẽ Kế hoạch Aotearoa về tầm nhìn APEC 2040 và phát huy Tuyên bố chung APEC 2017 (Việt Nam) về “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” với việc thực hiện các hành động hợp tác hiệu quả về ứng phó đại dịch, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số sáng tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bao trùm…”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
“Tôi mong muốn ABAC sẽ đưa ra nhiều đề xuất sáng kiến và giải pháp mới, hiệu quả về việc tăng cường thương mại và đầu tư trong APEC với vai trò trung tâm của hệ thống WTO; kết nối những chuỗi cung ứng đang bị đứt gãy, kết nối nguồn nhân lực; hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nền tảng kinh tế số, xanh hóa sản xuất với các công nghệ xanh và nông nghiệp xanh; và thúc đẩy hợp tác phát triển nặng lượng sạch, năng lượng tái tạo, giảm thải khí nhà kính trong khu vực…Việt Nam và các nền kinh tế APEC, luôn đánh giá cao, ủng hộ những sáng kiến, khuyến nghị của cộng đồng ABAC báo cáo lên các hội nghị Đối thoại giữa Lãnh đạo APEC với ABAC” – Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.
Với thị trường lớn, tăng trưởng nhanh, sức mua tăng và những chính sách, cam kết cải cách hội nhập mạnh mẽ, phát triển năng động, Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định FTA bao gồm cả những FTA thế hệ mới với những tiêu chuẩn cao, toàn diện, ưu đãi thị trường rộng mở như hiệp định CPTPP với 11 nước Châu Á Thái Bình Dương, Hiệp định EVFTA với 27 nước của EU…
Hiện nay, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp hàng đầu và đang có gần 35.000 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn đầu tư trên 430 tỷ USD của hàng vạn doanh nghiệp đến từ 140 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo báo cáo tháng 7/2021 của Liên hợp quốc, Việt Nam thuộc top 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới.
Toàn cảnh hội nghị
Trong bài phát biểu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Việt Nam là quốc gia thân thiện, an toàn và có môi trường đầu tư hấp dẫn. Sự có mặt của các vị đại biểu và các nhà doanh nghiệp ABAC mang đến thông điệp khích lệ Việt Nam, coi Việt Nam là điểm đến hấp dẫn và là cơ hội tốt của các nhà đầu tư APEC”.
Ánh Nguyệt