VHDN – Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy Erling Rimestad thăm chính thức Việt Nam từ ngày 28/2-1/372023.
Ngày 28/2, tại khách sạn Sofitel Legend Metropole, Hà Nội, Đại sứ quán Na Uy phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (“Bộ NN&PTNT”) tổ chức Hội thảo “Việt Nam – Na Uy: Cơ hội hợp tác trong nuôi trồng và xuất khẩu thủy hải sản”. Hội thảo được tổ chức nhân chuyến thăm Việt Nam của Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy Erling Rimestad từ ngày 28/2-1/3/2023.
Hội thảo có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy, Ông Erling Rimestad, Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Hilde Solbakken, Giám đốc cơ quan Thương vụ Inovation Norway, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội Ông Arne-Kjetil Lian; Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hội đồng hải sản Na uy (NSC) Ông Asbjørn Warvik Rørtveit, cùng đại diện của các Bộ ngành Việt Nam như Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). Đặc biệt, một số công ty Na Uy và các nhà nhập khẩu Việt Nam cũng có mặt tại Hội thảo để chia sẻ kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản, cũng như thảo luận về tiềm năng hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nuôi trồng, chế biến và xuất nhập khẩu các sản phẩm thủy hải sản.
Quốc vụ khanh Na Uy Erling Rimestad.
Hội thảo nhằm mục đích tăng cường hơn nữa hợp tác song phương giữa Na Uy và Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản và là diễn đàn để các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và các bên liên quan của hai nước gặp gỡ, tìm hiểu và thúc đẩy các giải pháp và cơ hội thiết thực nhằm đẩy mạnh hợp tác nhất là trong bối cảnh xu thế phát triển xanh hơn và bền vững hơn trên toàn thế giới, trong đó các giải pháp khoa học công nghệ đóng vai trò then chốt.
Tại hội thảo, Hội đồng Hải sản Na Uy (“NSC”) cũng công bố một kế hoạch mới nhằm quảng bá tiếp thị các sản phẩm hải sản đến từ Na Uy tại thị trường Việt Nam.
Tại hội thảo, Quốc vụ khanh Erling Rimestad đánh giá cao mối quan hệ song phương giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là sự phối hợp hiệu quả trong lĩnh vực thủy sản. Ông nói: “Na Uy và Việt Nam cùng quan tâm tới phát triển công bằng và bền vững nghề cá và ngành thủy sản trong bối cảnh các thách thức toàn cầu đang gia tăng, đặc biệt là biến đổi khí hậu. Đổi mới công nghệ sẽ đóng vai trò phần quan trọng để đảm bảo thành công. Nhiều cơ hội mới cũng mở ra từ đây để làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác truyền thống của chúng ta”.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, hội thảo lần này là cơ hội để hai Bên làm sâu sắc hơn quan hệ song phương trong lĩnh vực nuôi biển công nghiệp và thúc đẩy thương mại thủy sản, hiện thực hóa các lĩnh vực hợp tác nêu trong Ý định thư mà hai Bên đã ký vào tháng 5/2021, Ông Phùng Đức Tiến cũng đã cập nhật những thông tin về thành tựu trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm vừa qua; đồng thời chia sẻ những chính sách, chiến lược, định hướng phát triển ngành thủy sản Việt Nam nhằm phát triển hiệu quả, bền vững ngành công nghiệp nuôi biển trong những thập kỷ tới.
Thứ trưởng BNNPTNT Phùng Đức Tiến.
Chia sẻ các lĩnh vực ưu tiên của ngành nuôi biển Việt Nam trong thời gian tới, nhất là việc chuyển đổi từ mô hình nuôi trồng thủy sản truyền thống sang nuôi trồng thủy sản theo quy mô công nghiệp, chú trọng đến chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường, Tổng cục trưởng Tổng Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, Ông Trần Đình Luân khẳng định “Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng về công nghệ, kỹ thuật nuôi biển và giờ đang chuyển mình sang nuôi biển quy mô công nghiệp bền vững cả về kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và nguồn lợi tự nhiên, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường tiêu thụ”. Tổng cục trưởng Trần Đình Luân bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều cơ hội học hỏi kinh nghiệm của Na Uy trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm nuôi biển công nghiệp của Việt Nam từ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu cá hồi của Na Uy.
Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2021 cũng đã đặt ra một số mục tiêu cho ngành thủy sản của Việt Nam trong đó có giảm dần cường lực khai thác nguồn lợi tự nhiên và tăng cường nuôi trồng thủy sản tại các khu vực phù hợp. Việt Nam cũng đang có lợi thế tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và quyết tâm khai thác tiềm năng, sử dụng có trách nhiệm và bền vững các nguồn tài nguyên biển. Na Uy có nhiều bài học hữu ích trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành để chia sẻ với Việt Nam nhằm giúp các hoạt động nuôi trồng thủy sản bền vững hơn và phát thải carbon thấp hơn. Thông qua việc hợp tác cùng nhau, chúng ta có thể phát triển các thực tiễn xanh hơn và bền vững cho ngành thủy sản Việt Nam, qua đó tiếp tục truyền cảm hứng cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong ngành, và để Na Uy và Việt nam trở thành các quốc gia thủy sản vừa thành công vừa có trách nhiệm.
Duy Khang