Với tiềm năng phát triển lớn, các nhà sản xuất máy móc, thiết bị ngành nhựa và cao su nước ngoài tiếp tục tìm đến Việt Nam.
Ngày 3-10-2019, triển lãm quốc tế ngành công nghiệp nhựa và cao su 2019 (VietnamPlas 2019) – do Vinexad, công ty dịch vụ thương mại và tiếp thị Yorkers phối hợp cùng Hiệp hội nhựa Việt Nam (VPA) tổ chức – đã khai mạc tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), Q.7, Tp.HCM.
580 nhà cung cấp từ 18 quốc gia và khu vực mang đến hàng loạt thương hiệu máy móc chất lượng cao từ máy đùn, máy thổi chai, thiết bị thổi màng, máy ép phun cao cấp đến máy tái chế…Ngoài các thương hiệu máy móc hàng đầu thế giới, các đơn vị triển lãm còn mang đến nhiều loại nguyên phụ liệu khác nhau như hạt nhựa màu, phụ gia PVC, polymer kỹ thuật cùng các hợp chất khác.
Theo ban tổ chức, sức hút từ thị trường nhựa và cao su Việt Nam tiếp tục tăng mạnh do tiềm năng còn rất lớn. Minh chứng cho điều này là ngày càng có nhiều đơn vị nước ngoài trong hai lĩnh vực này tham gia VietnamPlas hàng năm.
Sức hút của VietnamPlas không chỉ đến từ các thương hiệu lớn quốc tế, mà còn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các hiệp hội thương mại trong và ngoài nước bao gồm Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu nhựa Ấn Độ (Plexconcil), Hiệp hội công nghiệp máy móc Đài Loan (TAMI), Hiệp hội công nghiệp khuôn mẫu Đài Loan (TMDIA), Hiệp hội công nghiệp nhựa Đài Loan (TTPIA), Hiệp hội cao su Việt Nam (VRA), Hiệp hội các nhà sản xuất Cao su Nhựa Tp.HCM (RUPA), Hiệp hội công nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI). Các hiệp hội này luôn dẫn đầu các thành viên tham dự VietnamPlas hàng năm và giúp tạo vị thế VietnamPlas như một nền tảng B2B hàng đầu cho những ai tìm kiếm máy móc, thiết bị hiệu suất cao.
Sự tham gia đông đảo của các hiệp hội và doanh nghiệp quốc tế đã đưa VietnamPlas trở thành nền tảng vững chắc cho những ai có ý định đầu tư tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng – nơi có thể tìm kiếm không chỉ máy móc, nguyên liệu mà cả các giải pháp sản xuất thông minh cùng các tiến bộ công nghệ mới nhất.
Ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) cho biết trong 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu nhựa tăng trưởng trên 12%, tăng gần 5% so với cùng kỳ. Đây là năm có giá trị xuất khẩu mạnh so với các năm trước. Tuy nhiên, theo ông Lam, ngành nhựa hiện đối mặt một số khó khăn như công tác phòng vệ thương mại tại các nước đang tăng mạnh, sự dịch chuyển các nhà cung cấp sang Việt Nam để có xuất xứ từ Việt Nam để xuất khẩu. Việc này đòi hỏi Việt Nam phải có biện pháp để minh bạch hoá sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Ông Lam ghi nhận một khó khăn khác là sự biến động nguồn nguyên liệu trên thế giới cộng thêm sự thay đổi chính sách thuế về nguồn nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam trong thời gian tới. Theo ông, sự dịch chuyển của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải đầu tư thiết bị và công nghệ mới.
Đến với VietnamPlas, khách tham quan không những tìm thấy những máy móc, thiết bị, công nghệ, giải pháp…mà còn có cơ hội cập nhật các kiến thức mới nhất, chuyên sâu nhất trong ngành công nghiệp nhựa và cao su thông qua các hội thảo chuyên đề. VietnamPlas 2019 mang đến một số các hội thảo chuyên đề như “thông minh và bền vững: hướng dẫn nâng cấp công nghiệp”, “Bước đầu tiên tiến tới Nhựa 4.0, công nghệ và tương lai cao su”, kinh tế tuần hoàn”.
Sau 18 lần tổ chức, có thể khẳng định rằng VietnamPlas đã tạo được tiếng vang trong ngành công nghiệp nhựa và cao su trên toàn cầu, VietnamPlas đã, đang và sẽ tiếp tục đồng hành cùng ngành công nghiệp nhựa và cao su Việt Nam trong những năm tới. Một mặt mang đến các cơ hội kinh doanh mới, mặt khác góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành nhựa và cao su Việt Nam.
LP