Các đồng chí: Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối và Trần Hồng Hà, Phó Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương chủ trì hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Quang Dương phát biểu khai mạc hội thảo – (Ảnh: HM)

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cho biết: Cách đây 52 năm, khi bước sang tuổi 75, Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn đúng dịp ngày sinh của mình, ngày 19/5/1965, để khởi thảo Di chúc thiêng liêng của Người và ngày nay đã trở thành Bảo vật quốc gia. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền, là tác phẩm bàn về xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, là phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới ở nước ta.

Đại hội XII của Đảng xác định: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài”. Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng nêu rõ “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu”.

Hơn mười năm qua, kể từ khi tái thành lập, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương đã triển khai thực hiện nghiêm túc việc học tập và làm theo gương Bác với những cách làm phong phú, sáng tạo, đạt được nhiều kết quả thiết thực, cụ thể. Thời gian tới, việc thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở Đảng bộ Khối cần có những quy định, giải pháp mới phù hợp hơn. Một trong những giải pháp đó là Đảng ủy Khối sớm ban hành khung chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên các cơ quan Trung ương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh làm cơ sở, mục tiêu xây dựng Đảng về đạo đức trong toàn Đảng bộ.

Đồng chí Nguyễn Quang Dương cho biết: Hội thảo là diễn đàn khoa học chính trị để tiếp tục nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất những chủ trương, giải pháp thiết thực, đưa ra được luận cứ khoa học làm cơ sở để Ban Chấp hành Đảng bộ Khối ban hành khung chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên các cơ quan Trung ương làm theo Di chúc và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, đáp ứng yêu cầu xây dựng Đảng trong tình hình mới.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được nhiều bài tham luận rất sâu sắc, trí tuệ, chất lượng của các chuyên gia, các nhà khoa học, những người có nhiều kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Dưới nhiều góc độ, từ nhiều cách tiếp cận, các đại biểu đã tập trung phân tích giá trị tư tưởng, những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng Đảng về đạo đức theo Di chúc và tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh được nêu trong Di chúc và một số tác phẩm khác của Bác, cụ thể là về vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất trong Đảng; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; giáo dục, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và một số nội dung khác được nêu trong Di chúc của Bác. 

 

Các đại biểu tham dự hội thảo – Ảnh: HM

Nhiều tham luận đã tập trung phân tích, đề ra những giải pháp toàn diện nhằm đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng về đạo đức, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nội dung các tham luận có những đóng góp quan trọng, rất đáng ghi nhận về mặt lý luận và tổ chức thực tiễn trong Đảng bộ.

Trên cơ sở phân tích những nội dung nêu trên, các đại biểu đã đưa ra những kiến nghị, đề xuất những nội dung, phương pháp thực hiện công tác xây dựng Đảng về đạo đức ở Đảng bộ Khối, trọng tâm là việc xây dựng khung chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên các cơ quan Trung ương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Theo đồng chí Nguyễn Lam, Phó ban Dân vận Trung ương, học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh về gần dân, sát dân, học dân, hiểu dân, lắng nghe của cán bộ, đảng viên các cơ quan Trung ương phải thật dân chủ, nêu gương, nêu cao trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cơ quan Trung ương.

Để làm được việc đó, mỗi cán bộ, đảng viên học tập phong cách Hồ Chí Minh, thể hiện trong công việc hằng ngày, suốt đời phấn đấu chung về lợi ích của Tổ quốc, của dân tộc; tận tụy phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, luôn dựa vào sức mạnh của nhân dân, đi đúng đường lối quần chúng, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh.

Tham luận tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú đặc biệt nhấn mạnh tới việc xây dựng đạo đức trong cán bộ, đảng viên. Theo đồng chí Phùng Hữu Phú, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương là đảng bộ có vai trò, vị trí quan trọng, bao gồm các tổ chức đảng trong các cơ quan tham mưu chiến lược, quản lý ở tầm vĩ mô của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, các cơ quan báo chí, xuất bản, các viện nghiên cứu khoa học lớn của đất nước, nên việc xây dựng đạo đức của người đảng viên trong toàn Đảng bộ càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Trong những năm qua, thực hiện Chỉ thị số 03 và nay là Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị khóa XI, XII về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, hầu hết các cơ quan Trung ương đã bước đầu xây dựng, thực hiện các tiêu chí, chuẩn mực đạo đức. Có nhiều cách xây dựng tiêu chí, chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, dù theo cách nào thì cũng đều xuất phát từ 3 căn cứ có tính nguyên tắc, đó là: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cơ quan; căn cứ vào yêu cầu, đòi hỏi khách quan của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới mà cơ quan đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có trách nhiệm; quán triệt, vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức, tấm gương thực hành đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với yêu cầu, đặc điểm, điều kiện thực tế của cơ quan.

Đồng chí Phùng Hữu Phú cho rằng, soi rọi và vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động các cơ quan Trung ương trong hoàn cảnh, điều kiện yêu cầu xây dựng, bảo vệ đất nước hiện nay, bước đầu có thể định hướng 5 chuẩn mực đạo đức chung là: Trung thành; tận tụy; trung thực; sáng tạo; nêu gương. Năm chuẩn mực này không cao xa, trừu tượng mà gần gũi, có tính khả thi, phù hợp với yêu cầu công việc của cán bộ, đảng viên, công chức các cơ quan Trung ương hiện nay. Từ những chuẩn mực này, có thể bổ sung, điều chỉnh một số tiêu chí cụ thể cho phù hợp với các loại hình cán bộ, đảng viên, công chức ở các lĩnh vực, vị trí khác nhau.

Ngay sau Hội thảo này, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối sẽ tập hợp, hệ thống các ý kiến để hoàn thiện và ban hành khung chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên các cơ quan Trung ương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giúp các cấp ủy và mỗi đảng viên lấy đó làm cơ sở để xây dựng tiêu chí học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao./.