Tin nổi bật

Xây dựng những doanh nghiệp dân tộc là động lực để phát triển kinh tế

4:18 sáng | 11/03/2024

VHDN – Trong những năm qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển đội ngũ doanh nhân, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, trong đó có Nghị quyết 41-NQ/TW ban hành ngày 10/10/2023. Nghị quyết 41 gửi gắm rất nhiều kỳ vọng của Đảng và Nhà nước, trong đó đề ra yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nhân dân tộc. Nhờ đó, nhận thức về vai trò của đội ngũ doanh nhân có chuyển biến tích cực, nhiều cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm đến sự phát triển của doanh nhân, hướng hoạt động của doanh nhân, doanh nghiệp vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt đại biểu các doanh nghiệp gia đình Việt Nam tiêu biểu

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: “Để phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc thì rất cần phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có đạo đức, văn hóa kinh doanh mang bản sắc dân tộc, có trách nhiệm xã hội thông qua việc hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp trong các gia đình doanh nhân”, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị có rất nhiều đổi mới về nội dung và cũng gửi gắm rất nhiều kỳ vọng của Đảng và Nhà nước, trong đó đề ra yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc.

Nhìn ra thế giới, lịch sử kinh tế châu Á, đằng sau những tập đoàn kinh tế luôn là các gia đình doanh nhân. Hàn Quốc là nền kinh tế phát triển thành công trong khu vực và vẫn đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ với mô hình xây dựng các trụ cột là các tập đoàn kinh tế đa ngành lớn – các doanh nghiệp dân tộc Chaebol như Samsung, SK, Hyundai, LG… Doanh nghiệp gia đình nhưng năng lực, trình độ quản trị phải mang tầm quốc gia. Muốn phát triển nhanh, bền vững, ra thế giới, phải có năng lực quản trị quốc tế.

Tại Việt Nam, thời gian qua có những doanh nghiệp gia đình đã lớn mạnh, trở thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có tinh thần dân tộc, có tầm ảnh hưởng không chỉ trong nước, mà còn trên thế giới như: Thaco, Đồng Tâm, TH Truemilk, Vingroup, Sungroup, Novaland, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), Tập đoàn BRG, Tập đoàn Thành Thành Công, T&T Group, Masan, Biti’s, Tân Hiệp Phát, Hòa Phát….

Văn hoá gia đình, văn hóa kinh doanh không chỉ là phúc lợi tinh thần, có quan hệ hữu cơ với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đằng sau thành công của một doanh nhân là một gia đình văn hóa. Lúc đó văn hoá gia đình trở thành tài sản đặc trưng của doanh nghiệp gia đình. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp gia đình là mục tiêu chiến lược, phù hợp yêu cầu trong tình hình hiện nay.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh: Sau 37 năm đổi mới, nước ta đã hình thành đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp hùng hậu, với số lượng trên 900 nghìn doanh nghiệp, trên 20 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp này đã góp phần quan trọng trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, góp phần đưa nước ta từ một quốc gia kém phát triển, lạc hậu thành nền kinh tế lớn thứ 37 của thế giới, nằm trong TOP 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới. doanh nghiệp gia đình là một bộ phận quan trọng, chưa kể trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể có thể coi là các doanh nghiệp gia đình siêu nhỏ. Việc tăng cường xây dựng văn hóa doanh nghiệp gia đình sẽ góp phần thúc đẩy văn hóa kinh doanh tạo nền tảng cho việc phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vững mạnh xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Năm 2014, VCCI đã thành lập Hội đồng Doanh nghiệp (DN) gia đình Việt Nam và suốt 10 năm qua đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực để phát triển các doanh nghiệp gia đình. Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị mới ban hành ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã đề ra yêu cầu phát triển đội ngũ doanh nhân dân tộc, một nội dung rất quan trọng để bảo đảm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”.

Hội thảo “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp gia đình Việt Nam, do VCCI tổ chức

Căn cứ định hướng này của Nghị quyết, có thể thấy việc phát triển các doanh nghiệp gia đình là rất quan trọng, vì đây chính là một nguồn để hình thành đội ngũ doanh nhân dân tộc lớn mạnh, vì vậy có thể hiểu các doanh nghiệp gia đình chính là một bộ phận quan trọng của đội ngũ doanh nhân dân tộc.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Gia đình Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái khẳng định: “Doanh nhân Việt cùng với gia đình của mình có đủ bản lĩnh, tâm, tài, trí để phát triển và đã sẵn sàng gánh vác sứ mệnh tiên phong phát triển kinh tế, với tinh thần tự cường, tự tôn dân tộc và khát vọng nâng cao vị thế của đất nước trở thành một quốc gia độc lập hùng cường và thịnh vượng. Tại Việt Nam, trong tương lai, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ vì tiềm năng còn rất lớn. Trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, doanh nghiệp gia đình ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cũng trân trọng sự quan tâm của Đảng, Quốc hội đối với việc xây dựng doanh nghiệp gia đình, doanh nghiệp dân tộc, các định hướng chuẩn bị cho thế hệ kế cận tại các doanh nghiệp, mong chờ Quốc hội sẽ tiếp tục phê chuẩn các luật, bộ luật tiên tiến để kinh tế Việt Nam ngày càng phát triển.

Đại diện cho thế hệ kế nghiệp của các gia đình doanh nhân, CEO Bitis Vưu Lệ Quyên cho biết Bitis với 41 năm hình thành và phát triển đã trở thành thương hiệu có mặt tại 40 quốc gia, mang tới những sản phẩm mang dấu ấn Việt Nam, mong muốn tiếp tục phát triển Bitis trở thành doanh nghiệp tầm cỡ khu vực, thế giới, khẳng định tên tuổi doanh nghiệp Việt. Tiếp tối truyền thống gia đình, bà Lê Nữ Thuỳ Dương, Phó Chủ tịch Tập đoàn KN Holdings khẳng định không chỉ mong muốn đóng góp cho đất nước qua các hoạt động kinh doanh mà còn tham gia đóng góp vào các hoạt động phát triển cộng đồng, hỗ trợ các chương trình y tế, giáo dục, công tác từ thiện ý nghĩa…

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo người đứng đầu tập đoàn Sovico có hơn 30 năm phát triển cùng đất nước với 2 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán là Vietjet Air và HDBank chia sẻ: “Tại tập đoàn Sovico, chúng tôi có định hướng đầu tư và cung cấp các sản phẩm dịch vụ mới, những giá trị mới tốt đẹp cho nền kinh tế, phục vụ cho đông đảo hàng triệu người dân Việt Nam và các nước, góp phần cho người dân một cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn.”

Nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á khẳng định tinh thần, khát vọng, khí phách của doanh nhân Việt Nam, luôn nỗ lực vượt khó cùng triết lý kinh doanh lương thiện. Sovico hiện là đối tác của UNESCO, Liên Hợp Quốc trong các hoạt động vì trẻ em, phụ nữ, phát triển kinh tế trên nền tảng giá trị văn hoá, lịch sử truyền thống Việt Nam và tinh thần sáng tạo của thời đại mới.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tằng quà lưu niệm cho các đại biểu doanh nghiệp gia đình

Sovico là tập đoàn kinh tế đa ngành đóng góp vào hoạt động kinh tế xã hội trong các lĩnh vực như tài chính ngân hàng, hàng không, phát triển đô thị, công nghệ – chuyển đổi số… với hơn 40.000 cán bộ công nhân viên. Trong đó, sau 33 năm hình thành, sau 10 năm đổi mới, năm 2022 tổng tài sản của HDBank đạt trên 420 ngàn tỷ đồng, tăng 8 lần so với năm 2012. Lợi nhuận trước thuế 10.200 tỷ đồng, tăng 12 lần, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, nằm trong nhóm thấp nhất toàn ngành. HDBank và Công ty tài chính tiêu dùng phục vụ hơn 13 triệu khách hàng tiểu thương, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên 63 tỉnh thành cả nước, với nguồn vốn ưu tiên chuỗi cung ứng xanh, đặc biệt khu vực nông nghiệp nông thôn.

Vietjet hiện có hơn 100 tàu bay mới, hiện đại, mang theo biểu tượng du lịch Việt Nam, hơn 100 đường bay khắp Việt Nam và quốc tế, đã vận chuyển hơn 180 triệu lượt khách. Vietjet mang đến cơ hội bay cho hàng triệu người chưa từng đi máy bay, thúc đẩy ngành hàng không đổi mới, từ kỹ thuật, xăng dầu, điều hành bay, đánh thức hàng chục sân bay địa phương, thu hút đầu tư nước ngoài vào đào tạo, công nghệ, sản xuất linh kiện…, góp phần mang thương hiệu Việt tới khách hàng quốc tế, thành lập hãng hàng không Vietjet Thái Lan với 20 tàu bay, thuộc những hãng dẫn đầu tại Thái Lan.

Có thể khẳng định, năng lực, sáng kiến của các doanh nhân, các Tập đoàn tư nhân dân tộc Việt Nam là không giới hạn. Với tinh thần dấn thân, đóng góp vô điều kiện, các doanh nhân đã bằng trí tuệ, nguồn lực, chi phí của mình các doanh nghiệp dân tộc được chờ đợi sẽ trở thành đầu tàu phát triển kinh tế của đất nước trong giai đoạn 2030 – 2045, lớn mạnh để trở thành các tập đoàn kinh tế tầm vóc khu vực và thế giới. VCCI ngày càng phát huy những kết quả đã đạt được, nỗ lực hơn nữa trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp gia đình Việt Nam, hình thành những doanh nghiệp dân tộc đóng góp vì một Việt Nam hùng cường.

 VHDN