Tin nổi bật

Xây dựng văn hóa kinh doanh đáp ứng xu hướng tiêu dùng mới

9:25 sáng | 10/06/2024

VHDN– Đây là nhận định của các chuyên gia tại Diễn đàn “Văn hóa kinh doanh với xu hướng tiêu dùng mới”, vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Diễn đàn được tổ chức nhằm mục tiêu giúp doanh nghiệp xây dựng văn hóa kinh doanh trong tình hình mới, với xu hướng tiêu dùng mới. Điều này tạo thuận lợi cho hoạt động tìm kiếm đối tác kinh doanh bền vững lâu dài, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ… bảo đảm phát triển bền vững, bắt kịp với xu thế của thế giới.

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong nền kinh tế hội nhập ngày nay, văn hóa kinh doanh là yếu tố gắn liền với hoạt động sản xuất và tiêu dùng, đó là những giá trị kinh tế đi đôi với giá trị nhân văn và ý nghĩa xã hội. Văn hóa kinh doanh giúp doanh nghiệp, doanh nhân đạt được những lợi thế cạnh tranh trên cơ sở khả năng đổi mới và thích ứng nhanh chóng với xu hướng tiêu dùng mới, xu hướng tiêu dùng hiện đại, mà rộng hơn là với môi trường kinh doanh quốc tế.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng phát biểu khai mạc Diễn đàn

Văn hóa kinh doanh là yếu tố giúp doanh nghiệp tạo sự khác biệt trong hoạt động kinh doanh. Xu hướng tiêu dùng mới đang ngày càng phổ biến và trở thành nét văn hóa trong kinh doanh mà các doanh nghiệp đã và đang hướng tới bởi những lợi ích mà nó mang lại. Ở mỗi thời kỳ, có những xu hướng đặc trưng xuất hiện và định hình quyết định của người tiêu dùng.

Trước sự thay đổi về xu hướng tiêu dùng đó, doanh nghiệp phải kịp thời nắm bắt và phải khẳng định được dấu ấn văn hóa khác biệt của doanh nghiệp mình trong chiến lược kinh doanh, tạo ra cơ hội phát triển nhanh chóng.

Tuy nhiên, việc này cũng gặp phải nhiều khó khăn, cần có chiến lược và mục tiêu cụ thể. Ông Hoàng Quang Phòng khuyên các doanh nghiệp cần kịp thời nắm bắt và khẳng định được dấu ấn văn hóa khác biệt của mình trong định hướng, cũng như chiến lược kinh doanh vì ở mỗi giai đoạn, thời kỳ cụ thể, thường có những xu hướng đặc trưng xuất hiện, định hình hành vi và tác động đến quyết định của người tiêu dùng.

“Người tiêu dùng ngày càng có thêm nhiều sự lựa chọn và tiện ích để phục vụ cho cuộc sống của mình. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc đã hình thành nên một xu hướng tiêu dùng mới hiện đại và tiện ích hơn. Đây là những biến động quan trọng mà doanh nghiệp và những người làm tiếp thị cần theo dõi để hiểu rõ nguyện vọng và nhu cầu của thị trường, từ đó điều chỉnh chiến lược kinh doanh và tiếp cận khách hàng”, Phó Chủ tịch Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Một số diễn giả cũng đã chia sẻ với các khách mời về các chủ đề liên quan như: Xu hướng tiêu dùng và sở thích mua sắm; Nâng cao giá trị hàng Việt trong văn hóa kinh doanh; Xây dựng văn hoá doanh nghiệp dựa trên ESG (bộ tiêu chuẩn để đo lường các yếu tố liên quan đến phát triển bền vững và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng) hướng tới người tiêu dùng thông minh mới; Văn hóa kinh doanh trong thương mại điện tử kỷ nguyên công nghệ số; Áp dụng trí tuệ nhân tạo và nền tảng công nghệ số trong kinh doanh…

AHLĐ Phạm Thị Huân, CTHĐQT Công ty Cổ phần Ba Huân trả lời phỏng vấn tại Diễn đàn

Thực hành đạo đức doanh nhân trong bối cảnh mới

Việc thực hành đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh đã được Đảng, Nhà nước luôn quan tâm được thể hiện qua nhiều Nghị quyết, Chỉ thị. Điển hình là Nghị quyết số 41-NQ/TW, về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, đã đề ra mục tiêu tổng quát: “Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước”.

Thực hiện quan điểm, chủ trương của Đảng, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, VCCI cũng đã xác định xây dựng văn hoá kinh doanh, đạo đức doanh nhân là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá chiến lược của nhiệm kỳ 2021-2026.

Đại biểu tham dự Diễn đàn, từ phải qua trái: Ông Nguyễn Ngọc Quang, CT HH DN nhỏ và vừa Ngành nghề Nông thôn Việt Nam; Bà Trần Thị Huấn, TGĐ Công ty Nhôm Nam Sung.

VCCI đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động như: Phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam; Phối hợp với với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức các hội thảo khoa học quốc gia về văn hóa kinh doanh, đạo đức doanh nhân Việt Nam; Triển khai thực hiện đề án “Thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển đến năm 2045”…

VHDN