Tin nổi bật

Xứ thơ Hà Tiên rực rỡ với Lễ hội Tao đàn Chiêu Anh Các

8:35 chiều | 30/03/2023

VHDN – Lễ hội kỷ niệm 287 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các năm nay, thành phố vùng biên giới Hà Tiên (Kiên Giang) đón hơn 50 ngàn lượt khách về tham dự, vui chơi và thưởng ngoạn danh lam, thắng cảnh. Xứ thơ Hà Tiên những ngày này rực rỡ sắc màu, rộn ràng không khí lễ hội.

Lễ hội kỷ niệm 287 năm thành lập Tao đàn Chiêu Anh Các (1736-2023) tại TP Hà Tiên diễn ra vào các ngày 13, 14, 15 tháng Giêng, đúng dịp Ngày thơ Việt Nam và Tết Nguyên tiêu Quý Mão. Lễ hội là sự kết hợp hài hòa giữa 3 yếu tố lịch sử, văn hóa, tâm linh, mang đậm nét đặc sắc của văn hóa dân tộc. Đây là dịp để người dân Hà Tiên, các văn nghệ sĩ trong và ngoài tỉnh, du khách tề tựu cùng nhau xướng họa, đề thơ, hòa mình vào không khí tưng bừng của những ngày hội.

Diễu hành xe hoa trên đường phố chào mừng Lễ hội Tao Đàn Chiêu Anh Các tại thành phố Hà Tiên

Bà Nguyễn Thị Mộng Quyên – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch Hà Tiên chia sẻ: “Đây là lễ hội thường niên vào dịp Xuân về và là một trong chuỗi các sự kiện lễ hội quan trọng của tỉnh Kiên Giang, được TP. Hà Tiên duy trì tổ chức nhiều năm qua. Lễ hội nhằm nhắc nhở, động viên nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của quê hương, của dân tộc Việt Nam”.

Thông qua các hoạt động của lễ hội, TP. Hà Tiên mong muốn tiếp tục giới thiệu những hình ảnh, nét đặc trưng, truyền thống lịch sử, văn hóa của đất nước và con người Hà Tiên đến với du khách gần xa. Lễ hội còn là dịp để các nhà đầu tư gặp gỡ, giao lưu và tìm kiếm cơ hội kinh doanh và cùng với địa phương khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất này.

Trong lễ hội lần này, du khách cùng hòa mình vào không gian xứ thơ với nhiều hoạt động phong phú như: Triển lãm ảnh, trưng bày hiện vật Hà Tiên xưa và nay; tìm hiểu các quyển sách viết về Hà Tiên, Kiên Giang và sách của các nhà xuất bản; phố ông đồ biểu diễn viết thư pháp và tặng chữ thư pháp; giới thiệu các sản phẩm thương mại và quảng bá du lịch, các hoạt động đường phố; trưng bày các sản phẩm OCOP; giao lưu giữa các văn nghệ sĩ đến từ các tỉnh Ðồng Tháp, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh và TP. Cần Thơ…

Ông Mai Văn Huỳnh (thứ 3, từ phải sang) – Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Nguyễn Thanh Nhàn (thứ 2, từ trái sang) – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang trao bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với Nhà lưu niệm thi nhân Đông Hồ, Lãnh đạo TP. Hà Tiên đón nhận.

Dịp này, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP. Hà Tiên vui mừng đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đối với Nhà lưu niệm thi nhân Đông Hồ. Đây không chỉ là nơi lưu giữ những hình ảnh, di bút, sách báo về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp của nhà thơ Đông Hồ – Mộng Tuyết mà từng là nơi nhà thơ Đông Hồ sáng lập “Trí Đức học xá” – được xem là trường tư thục đầu tiên dạy chữ quốc ngữ của tỉnh Kiên Giang, góp phần xây dựng tương lai cho “Tiếng Việt huy hoàng”.

Ông Nguyễn Đức Chín – Tỉnh ủy viên, Bí thư thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Hà Tiên cho biết: “Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP. Hà Tiên sẽ tập trung quản lý, khai thác, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Nhà thơ Đông Hồ – Mộng Tuyết. Trước mắt, thành phố đã đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để sửa chữa, trùng tu nhà lưu niệm thi nhân Đông Hồ và phục dựng Trí Đức học xá với kinh phí 15 tỷ đồng, dự kiến công trình sẽ thực hiện trong năm nay. Bên cạnh đó, thành phố tập trung chỉ đạo các giải pháp cụ thể để bảo tồn và phát huy các di tích trên địa bàn, kết hợp với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân chung tay bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, phấn đấu hoàn thành Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đề ra là xây dựng TP. Hà Tiên đạt đô thị loại II và tầm nhìn đến 2040 là xây dựng Hà Tiên trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch văn hóa – di sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Du khách háo hức tham gia Hội hoa đăng trên đầm Đông Hồ TP. Hà Tiên

Tại lễ hội, TP. Hà Tiên đã thả 2 triệu con tôm giống, 20.000 con cua giống, 25kg ghẹ mang trứng, 12.000 con cá giống các loại về tự nhiên, góp phần tái tạo nguồn thủy sản trong tự nhiên. Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Loan (du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh) vô cùng thích thú những món ăn đặc trưng văn hóa của ba dân tộc Kinh, Hoa và Khmer ở đây. Chị Loan chia sẻ: “Các con của tôi rất thích thú khi lần đầu tiên được thưởng thức những món ăn như: Gà đốt, bánh thốt nốt, bún kèn, xôi xiêm… Nơi đây rất đặc biệt. Ngoài tham dự lễ hội, gia đình tôi còn đi tham quan, tìm hiểu về Hà Tiên thập cảnh đã đi vào thơ ca như: Bãi biển Mũi Nai, Thạch Động, núi Đá Dựng…”

Đặc biệt, nhiều du khách háo hức tham gia Hội hoa đăng. Thả đèn hoa đăng còn mang một giá trị tinh thần vô cùng sâu sắc đối với cả người dân và du khách thập phương. Ánh trăng đêm rằm tháng giêng chiếu sáng mặt đầm Đông Hồ. Các ghe, tàu chở những đóa hoa đăng lớn di chuyển chầm chậm quanh khu vực thả hoa đăng. Hàng ngàn người dân, du khách gởi những ước nguyện đầu năm mới theo những đóa hoa đăng lung linh. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một không gian lãng mạn, lung linh, huyền ảo.

Tại đêm Nguyên tiêu, ông Nguyễn Đức Chín đã khai bút đầu xuân với 4 chữ “HÀ TIÊN THỊNH VƯỢNG”, mang đến một thông điệp: Với tiềm năng và tiềm lực sẵn có của địa phương, cùng định hướng đúng đắn, khát vọng phát triển mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP. Hà Tiên quyết tâm xây dựng thành phố ngày càng phát triển và thịnh vượng.

Bài và ảnh: KIỀU DIỄM – TRƯƠNG VŨ