Nằm ở đồng bằng ven biển, đầm phá với tự nhiên 28.031 ha và 20 xã thị trấn, (trong đó có 13 xã, thị trấn ven biển, đầm phá và 7 xã trọng điểm nông nghiệp), huyện Phú Vang có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và nuôi trồng đánh bắt thuỷ -hải sản. Trong những năm qua, Phú Vang đã nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng, chia sẻ tiềm năng và tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án.
Tiềm năng lớn
Phú Vang có bờ biển dài trên 35 km với cửa biển Thuận An và nhiều đầm phá như đầm Sam, đầm Chuồng, đầm Thanh Lam, đầm Hà Trung, đầm Thủy Tú với diện tích trên 6.800 ha mặt nước, đặc biệt có cảng biển Thuận An, là tiềm năng lớn để phát triển đánh bắt và nuôi trồng thủy sản.
Phú Vang có danh thắng, di tích như: bãi biển Thuận An, Phú Thuận, Vinh Thanh; Phá Tam Giang rộng lớn cùng một số di tích lịch sử, văn hoá như nhà lưu niệm Bác Hồ, nhà lưu niệm Nguyễn Chí Diễu, tháp Chăm Phú Diên cùng các lễ hội dân gian trên địa bàn … là tiềm năng to lớn đối với ngành du lịch. Trên địa bàn huyện còn có quốc lộ 49A, 49B, tỉnh lộ 10A, 10B, 10C, 10D và các tuyến trục ngang nối các tỉnh lộ với quốc lộ tạo thành một hệ thống giao thông hợp lý, thuận lợi cho giao lưu phát triển kinh tế xã hội.
Nhằm phát huy những tiềm năng và thế mạnh, huyện đã tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế biển và đầm phá và đạt được những kết quả tích cực. Hoạt động dịch vụ, du lịch phát triển cả về quy mô lẫn chất lượng, thu hút được các thành phần kinh tế tham gia. Nhiều khu du lịch như: Ana Mandara, resort Tam Giang; các bãi tắm như: Thuận An, Phú Thuận, Phú Diên, Vinh Thanh được đầu tư, tạo đà cho cho du lịch biển phát triển. Việc thực hiện thành công các kỳ “Festival Thuận An biển gọi” trong thời gian qua đã giúp nâng cao vị thế của bãi tắm Thuận An và Phú Thuận.
Phú Vang còn tích cực vận động ngư dân đầu tư đóng mới tàu thuyền có công suất 90 CV trở lên, mua sắm phương tiện, ngư lưới cụ, cải tiến ngành nghề. Việc nuôi trồng thủy sản được phát triển bền vững, đa dạng các đối tượng nuôi, giảm diện tích nuôi chuyên canh, tăng diện tích nuôi xen ghép thân thiện với môi trường. Hàng năm, sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ở Phú Vang đạt trên 27.000 tấn, trong đó sản lượng đánh bắt đạt 24.000 tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 3.500 tấn. Huyện đang tập trung phát triển toàn diện vùng ven biển, đầm phá, phấn đấu đến năm 2020, kinh tế vùng ven biển – đầm phá của huyện Phú Vang đạt mức khá của tỉnh.
Tạo thuận lợi cho nhà đầu tư
Thời gian qua, huyện Phú Vang đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư như: môi trường đầu tư luôn được cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch; hỗ trợ nhà đầu tư một cách hiệu quả trong việc cung cấp thông tin liên quan đến dự án đầu tư, hướng dẫn thủ tục đầu tư, xây dựng và triển khai dự án; hỗ trợ tốt nhà đầu tư trong việc giải phóng mặt bằng, giải quyết các vướng mắc liên quan.
Cho đến nay, Khu công nghiệp Phú Đa đã được quy hoạch chi tiết và có 7 doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Cụm công nghiệp Thuận An đã được thành lập với quy mô 14,5 ha, đang được triển khai quy hoạch chi tiết để kêu gọi các nhà đầu tư đến xây dựng hạ tầng.
Huyện đã tập trung đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng hoạt động dịch vụ để kêu gọi các nhà đầu tư. Hiện có một số nhà đầu tư đến đầu tư xây dựng như: Khu dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp Anamandra ở Thuận An; Khu nghỉ dưỡng Tam Giang;…
Hiện trên địa bàn huyện, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Mỹ An tại xã Phú Dương do Công ty Cổ phần Du lịch Mỹ An (thuộc Tập đoàn Bitexco) làm chủ đầu tư; đang xúc tiến để triển khai đầu tư dự án Hue Amusement & Beach Park do Tập đoàn PSH, Tây Ban Nha làm chủ đầu tư và Dự án Khu nghỉ dưỡng và sân golf Vinh Thanh – Vinh Xuân do Tập đoàn BRG làm chủ đầu tư.
Để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án sản xuất kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, Phú Vang đã và đang thực hiện nhiều hướng đi và giải pháp, trong đó trọng tâm gồm:
Thứ nhất, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển: phấn đấu tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm trên 11,45%, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ-tiểu thủ công nghiệp, khai thác tiềm năng thế mạnh của các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp.
Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực một cách toàn diện, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành du lịch, tiểu thủ công nghiệp và thuỷ sản.
Thứ ba, phát triển khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường: ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, quản lý kinh tế, xã hội; gắn phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ và cải thiện môi trường tự nhiên;
Thứ tư, thực hiện chính sách an sinh xã hội và công tác xoá đói giảm nghèo.
Thứ năm, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước: tiếp tục thực hiện đồng bộ cải cách hành, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, xem đây là bước đột phá quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.