Tin nổi bật

Ban Quản lý các KCN Đồng Nai: Tạo quỹ đất đón nhà đầu tư

2:15 sáng | 20/07/2020

Ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Ban Quản lý (BQL) các KCN Đồng Nai chia sẽ kết quả thu hút đầu tư, giải pháp tạo quỹ đất cho nhà đầu tư. Minh Kiệt thực hiện.

Xin ông cho biết hiện trạng phát triển KCN tại Đồng Nai cùng kết quả thu hút đầu tư của tỉnh đến thời điểm hiện tại?

Hiện Đồng Nai có 32/35 KCN được thành lập, 31 KCN đang hoạt động, 01 KCN đang trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng hạ tầng, thu hút 1.820 dự án (1.339 dự án FDI với tổng vốn 25,89 tỷ USD) từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ, 481 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 63.473 tỷ đồng…Con số cho thấy vai trò quan trọng của các KCN trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế của Đồng Nai.

Các doanh nghiệp KCN đóng góp trên 50% nguồn thu ngân sách và 90% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, đưa Đồng Nai trở thành tỉnh xuất siêu từ năm 2015 (đặc biệt năm 2019, Đồng Nai xuất siêu 3,2 tỷ USD trong tổng số 9,9 tỷ USD của cả nước), các doanh nghiệp trong KCN đóng góp ngày càng lớn cho ngân sách của tỉnh (232 triệu USD năm 2009, 1.000 triệu USD năm 2019), kim ngạch xuất khẩu cũng tăng nhanh từ 6.600 triệu USD năm 2010 lên 12.659 triệu USD năm 2019, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Việc xây dựng và phát triển KCN đã tạo điều kiện huy động vốn, đặc biệt là vốn FDI, góp phần tăng trưởng kinh tế, tạo năng lực sản xuất và hàng hóa mới, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế của tỉnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ.

Với các lợi thế trên cùng vị trí địa lý thuận lơi, các tuyến giao thông (đường bộ, thuỷ) thông thoáng, hệ thống hạ tầng ngày càng được hoàn thiện… Đồng Nai sẽ thu hút được nhiều các dự án FDI chất lượng trong thời gian tới.

Hiện quỹ đất dành cho công nghiệp ngày càng thu hẹp, Đồng Nai có giải pháp nào để tạo quỹ đất thu hút đầu tư, thưa ông?

Hiện quỹ đất sẵn sàng cho nhà đầu tư thuê là không còn nhiều. Nguyên nhân là do vướng bồi thường, giải toả; thủ tục pháp lý triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện để sẵn sàng cho nhà đầu tư thuê.

Hiện chúng tôi một mặt hạn chế quỹ đất giới thiệu cho nhà đầu tư, mặt khác triển khai một số giải pháp chuẩn bị quỹ đất phát triển cho các năm tới.

Một là, hỗ trợ và đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng KCN Công nghệ cao Long Thành – Công ty CP Đô thị Amata sớm triển khai hoàn thành cơ sơ hạ tầng KCN theo quy hoạch đã được duyệt.

Hai là, tăng cường công tác bồi thường giải toả, thu hồi đất, tạo quỹ đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê từ các KCN hiện hữu.

Ba là, đẩy nhanh tiến độ thành lập và sớm đưa vào hoạt động các KCN theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt. Hiện Đồng Nai còn 3 KCN chưa thành lập (Cẩm Mỹ, Phước Bình và Gia Kiệm), 05 KCN có quy hoạch mở rộng (Định Quán, Long Đức, Amata, Tân Phú và Xuân Lộc).

Bốn là, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển KCN, hiện UBND tỉnh đã giao Sở KHĐT phối hợp với Ban quản lý và các Sở ngành lập đề án phát triển KCN để trình Thủ tướng xem xét.

Đồng Nai có giải pháp nào nhằm nâng cao chất lượng dự án đầu tư, cũng như giải quyết các vấn đề về môi trường, thưa ông?

Ngay từ 2005, chúng tôi đã sớm nhận thức được rằng sự phát triển nhanh về công nghiệp sẽ ảnh hưởng đến môi trường, nên đã điều chỉnh chủ trương thu hút đầu tư theo giai đoạn.

Chẳng hạn, năm 2005, tỉnh đã hạn chế thu hút các dự án sử dụng nhiều lao động vào các KCN nhằm giảm áp lực lao động cho đô thị. Năm 2014, tỉnh ưu tiên dự án sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất vật liệu mới, tiết kiệm năng lượng… hạn chế các dự án có khả năng gây ô nhiễm môi trường (một số dự án phải đáp ứng các điều kiện nhất định mới được xem xét cấp phép).

Trong giai đoạn sắp tới, chủ trương của chúng tôi là tiếp tục phát triển thêm một số KCN để thu hút đầu tư với một số tiêu chí cụ thể.

Ưu tiên thu hút dự án sử dung công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến, sản phẩm thân thiện môi trường, ít thâm dụng tài nguyên, sử dụng ít lao động, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chủ lực có lợi thế của tỉnh, sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ (đặc biệt là nguyên liệu từ nông nghiệp).

Đặc biệt, tỉnh không thu hút các dự án sử dụng nhiều lao động vào các KCN trong đô thị, hạn chế các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; tập trung dự án công nghiệp hỗ trợ, bố trí các dự án đúng tích chất của KCN.

Ngoài ra, trong quá trình phát triển, tỉnh sẽ có sự điều chỉnh về mặt định hướng để phù hợp với tình hình và xu thế phát triển chung.

BQL các KCN Đồng Nai có những nỗ lực nào nhằm đưa chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến doanh nghiệp để giúp họ vượt qua khó khăn sau đại dịch COVID-19, thưa ông?

Chúng tôi luôn xác định vai trò đầu mối của BQL các KCN nhằm hỗ trợ giải quyết khó khăn cho cả doanh nghiệp và người lao động trong thời gian ảnh hưởng của COVID-19.

Ngay trong tháng 3/2020, chúng tôi đã tổ chức khảo sát và nhận được 518 phản hồi từ doanh nghiệp, tất cả đều bị ảnh hưởng và sẽ bị thiệt hại lớn nếu dịch kéo dài đến tháng 6/2020. BQL đã báo cáo và kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp lên Tỉnh uỷ và UBND tỉnh.

BQL cũng đã thông tin về chính sách hỗ trợ đến các doanh nghiệp thông qua nhiều kênh như phát hành văn bản, tạo mục riêng về COVID-19 trên trang web, gửi email, điện thoại, trao đổi trực tiếp…

Cụ thể, BQL là đơn vị tiếp nhận và kiểm tra số lao động bị ngừng việc, chuyển qua cơ quan Bảo hiểm giải quyết việc dừng đóng BHXH trong vòng 7 ngày, hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp và người lao động, tiến hành các TTHC có liên quan để doanh nghiệp khắc phục khó khăn tạm thời (thủ tục cho chuyên gia, lao động nước ngoài, thủ tục xuất nhập khẩu…)

Hiện chúng tôi đang tiếp tục công tác khảo sát lần 2 liên quan đến gói hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp, chúng tôi sẽ tổng hợp và báo cáo cho các cơ quan có thẩm quyền để sớm giải quyết chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động.

Xin ông chia sẽ thêm về nỗ lực của BQL các KCN Đồng Nai trong việc cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp?

Trong những năm gần đây, BQL đã tích cực cải cách TTHC kết hợp với áp dụng quy trình ISO để tạo điều kiện cho doanh nghiệp khi thực hiện TTHC như giảm thời gian xử lý hồ sơ, thực hiện cơ chế liên thông trong giải quyết TTHC, đơn giản hoá hồ sơ các thủ tục lĩnh vực xây dựng, thực hiện song song 02 thủ tục thẩm định, đánh giá tác động môi trường và thủ tục cấ phép xây dựng…

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã kiến nghị và đề xuất lên các Bộ Ngành như: kiến nghị Bộ Công thương hướng dẫn cụ thế về thủ tục cấp phép cho doanh nghiệp trong và ngoài các KCN, KCX; kiến nghị Bộ KHĐT có hướng dẫn cụ thể về quy chế phối hợp trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp, kiến nghị Bộ KHĐT nghiên cứu quy định BQL các KCN là cơ quan đầu mối xử lý hồ sơ doanh nghiệp trong KCN; kiến nghị bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép quy hoạch cho dự án trong các KCN; kiến nghị bãi bỏ giấy khám sức khoẻ trong hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép lao động; đề xuất bổ sung đối tượng được miễn giấy phép xây dựng đối với dự án đầu tư hạ tầng KCN…

Trong thời gian tới, BQL các KCN tiếp tục cải cách TTHC theo hướng điện tử hóa các thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC liên quan. UBND tỉnh cũng đã có chủ trương triển khai Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử trên tất cả các ngành, lĩnh vực. BQL các KCN sẽ bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh để nhanh chóng triển khai thực hiện trong thời gian tới.

PV