Cần Thơ

Cần Thơ: Khẳng định vai trò trung tâm ĐBSCL

3:23 sáng | 13/06/2019

Chủ tịch UBND Tp. Cần Thơ Võ Thành Thống chia s với Tạp chí VHDN về thành tựu trên mọi lĩnh vực của Cần Thơ sau 15 năm thành lập và chiến lược hướng tới đô thị thông minh.

 

Xin ông cho biết những nét đổi mới và sức bậc kinh tế của Cần Thơ sau 15 năm mang tên thành phố trực thuộc Trung ương?

Là thành phố đầu tiên của vùng ĐBSCL trực thuộc Trung ương, sau 15 năm thành lập (2004-2019), Cần Thơ đã hiện thực hoá được tầm nhìn chiến lược về một “thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong, trung tâm công nghiệp-thương mại-dịch vụ, du lịch, giáo dục, khoa học, văn hoá, y tế…cùng vùng ĐBSCL và cả nước”.

Sau 15 năm nỗ lực, Cần Thơ đã tạo được những dấu ấn đậm nét, tạo sự chuyển biến về vị thế, tiềm lực kinh tế-xã hội, khẳng định được vai trò trung tâm của vùng ĐBSCL, tạo động lực

thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), góp phần quan trọng vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập với khu vực và thế giới.

Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng trung bình 14,15%/năm (giai đoạn 2004-2014) và 7,56% giai đoạn 2015-2018), tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người tăng từ 10,32 triệu đồng năm 2004 lên 80,48 triệu đồng năm 2018, gấp 7,8 lần so với năm 2004. Cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng giảm tỷ tọng nông-lâm nghiệp-thuỷ sản, tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng-dịch vụ, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến và các ngành dịch vụ như: vận tải – kho bãi, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thương nghiệp, du lịch… vẫn giữ mức tăng trưởng cao.

Công nghiệp, đóng góp trên 27% tổng sản phẩm trên địa bàn, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2018 tăng 8,15% so với cùng kỳ, tổng số dự án đầu tư vào khu công nghiệp đến năm 2018 đạt 240 dự án, tăng 142 dự án so với năm 2004 với tổng vốn 1.680 triệu US (tăng 1.490 triệu USD so năm 2004).

Nông nghiệp, phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị và nông nghiệp sạch. Ngành nông nghiệp đã ứng dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường trên quy mô lớn. Riêng thuỷ sản đã áp dụng các tiêu chuẩn: GlobalGAP, ASC, SQF, BMP, Metro GAP…sản lượng duy trì trên 200.000 tấn/năm. 

Thương mại-dịch vụ: tỉnh đã làm tốt vai trò đầu mối, gắn kết với thị trường kinh tế trọng điểm phía Nam, cả nước và các nước trong khu vực. Cần Thơ đã hình thành nhiều loại hình kinh doanh mới (siêu thị, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện lợi). Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng từ 8.344 tỷ đồng năm 2004 lên 120.510 tỷ đồng (ước năm 2018), gấp 14,4 lần so với năm 2004, tăng bình quân 21,0%/năm.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ năm 2018 đạt 2.070 triệu USD, gấp 6,5 lần so với năm 2004; giai đoạn 2004-2018, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ thực hiện 16.974 triệu USD, tăng bình quân 14,3%/năm.

Công tác đầu tư hạ tầng du lịch được Cần Thơ tập trung thực hiện như thế nào để xứng danh với vai trò của mình trong khu vực, thưa ông?

Chúng tôi đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào cơ sở hạ tầng và kinh doanh dịch vụ du lịch. Thành phố hiện có 270 cơ sở lưu trú du lịch, 32 vườn du lịch sinh thánh, 19 homestay.

Nhiều điểm đến hấp dẫn du khách đã được đầu tư như Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam, cầu đi bộ, cải tạo nâng cấp hạ tầng chợ nổi Cái Răng, Đền thờ Châu Văn Liêm, Khu tưởng niệm cố soạn giả Mộc quán Nguyễn Trọng Quyền, Trùng tu di tích lịch sử Khám lớn Cần Thơ. Thành phố đã phát triển loại hình du lịch sông nước-miệt vườn gắn với các di tích lịch sử.

Lượng khách du lịch đến Cần Thơ tăng bình quân 15%/năm. Doanh thu du lịch năm 2018 đạt 3.785 tỷ Đồng, gấp 22 lần so với năm 2004 (tăng bình quân 24,8%/năm).

Xin ông cho biết thêm về định hướng chiến lược xây dựng Cần Thơ trở thành đô thị thông minh và là động lực thúc đẩy sự phát triển của vùng ĐBSCL?

Về định hướng xây dựng Cần Thơ trở thành thành phố đô thị thông minh, đô thị hạt nhân thúc đẩy phát triển vùng, chúng tôi đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Phục vụ người dân thông qua công nghệ thông tin (thu thập và xử lý dữ liệu), khuyến khích cộng đồng tham gia vào quá trình xây dựng và quản lý đô thị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu ngành, nâng cao chất lượng mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh, phát triển kinh tế tri thức…

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tăng cường liên kết với các địa phương khác, phát huy vai trò thành viên của 05 thành phố lớn, thí điểm các mô hình liên kết, nâng cao hiệu quả thu hút và xã hội hoá đầu tư. Họat động này được kết hợp với việc mở rộng liên kết phát triển du lịch trong và ngoài nước, phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù.

Thành phố cũng tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững, thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp dựa trên công nghệ hiện đại, khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông (cảng, sân bay, tuyến liên tỉnh) nhằm thúc đẩy giao thương trong và ngoài nước, tạo quỹ.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là tăng cường xúc tiến kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp, quy hoạch các cụm công nghiệp thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thông, xây dựng nông thôn mới, tiến tới xã hội hoá giáo dục, tạo điều kiện mở trường quốc tế đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế.

Về khoa học công nghệ, chúng tôi sẽ tăng cường hợp tác với các trường ĐH, viện nghiên cứu trong và ngoài nước, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nhằm nâng chất lượng tăng trưởng nền kinh tế.

Về y tế, Cần Thơ sẽ mở rộng liên kết và ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị, đào tạo chuyển giao công nghệ y khoa, đưa Cần Thơ trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của vùng…

                                                                                                  Bảo Trân