Cần Thơ

Cần Thơ: Nông nghiệp Đô thị: Hướng đi tất yếu của Cần Thơ

2:13 sáng | 14/06/2019

Với quỹ đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do tốc độ đô thị hoá nhanh, Cần Thơ xác định phát triển nông nghiệp đô thị là hướng đi tất yếu.

 

Lan toả mô hình nông nghiệp đô thị

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cần Thơ, thành phố Cần Thơ khuyến khích phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao gắn với quy hoạch vành đai xanh. Hiện Cần Thơ có 6 hợp tác xã sản xuất và kinh doanh hoa kiểng (102 hộ), vùng trồng hoa với diện 12 ha.

 

Thành phố cũng đã phát triển vùng sản xuất rau không cần đất bằng hình thức thuỷ canh, nhà lưới; mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới theo công nghệ Israel… góp phần tạo sản phẩm an toàn và tăng thu nhập cho nông dân; mô hình trồng nấm trong nhà (nấm bào ngư, nấm rơm, nấm linh chi…) với nhãn hiệu “nấm bào ngư Thới An Đông”; liên kết tiêu thụ sản phẩm siêu thị với sản lượng 15-20kg/ngày.

Ngoài ra, Cần Thơ đã khôi phục phong trào nuôi cá cảnh với một số tổ hợp tác và trang trại nuôi cá cảnh đã được hình thành như tổ hợp tác nuôi cá kiểng P. Long Tuyền, Q. Bình Thủy; trang trại cá chép Koi Q. Cái Răng; sản xuất cá kiểng tại Giai Xuân, Mỹ Khánh, thị trấn Phong Điền, H. Phong Điền.

Một số mô hình tiêu biểu có thể kể đến như nông trại sạch Cần Thơ, chuyên canh tác rau xà lách theo hướng thuỷ canh và hữu cơ; dự án trồng dưa lưới, dưa leo và cà chua trong nhà kính; trang trại nuôi heo rừng trên đệm lót sinh học, không sử dụng chất cấm với thức ăn chủ yếu từ đậu nành, chuối cây nên chất lượng thịt săn chắc…Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư trồng rau thuỷ canh, nấm rơm sạch trong nhà lưới, trồng hoa kiểng…với công nghệ hiện đại (Israel, châu Âu) giúp tăng thu nhập cho nhiều hộ dân trên địa bàn thành phố.

Hướng đi tất yếu

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, hiện tốc độ đô thị hoá tại Cần Thơ diễn ra rất nhanh dẫn đến quỹ đất sản xuất nông nghiệp dần bị thu hẹp. Vì thế, phát triển nông nghiệp đô thị, tận dụng diện tích đất nhỏ, công nghệ quản lý dịch bệnh tốt… là hướng đi tất yếu của thành phố nhằm gia tăng giá trị kinh tế và tạo diện mạo mới cho vùng ven đô…

Sản xuất nông nghiệp của Cần Thơ đã có sự chuyển biến khá theo hướng nông nghiệp đô thị với cơ cấu giảm diện tích đất lúa, tăng diện tích cây ăn trái, hoa kiểng, rau, màu, vật nuôi; hình thành các khu vực sản xuất nông nghiệp chất lượng cao (rau màu, hoa kiểng, cây ăn trái…)

Theo kế hoạch, Cần Thơ sẽ phát triển mạnh các ngành hàng có lợi thế cạnh tranh và có thị trường tiêu thụ theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, tạo giống, các loại hình dịch vụ kỹ thuật … Ngoài ra, thành phố sẽ hình thành các mô hình liên kết sản xuất sinh vật cảnh theo hướng nông nghiệp đô thị phục vụ thị trường tiêu thụ tại địa phương; tạo ngành nghề mới cho nông dân nội thị có diện tích sản xuất nhỏ nhằm tăng thu nhập cho gia đình và tạo cảnh quan môi trường tham quan du lịch; hình thành các “Làng nghề trồng hoa-kiểng ven đô thị”, góp phần bảo vệ môi trường tạo cảnh quan sạch đẹp cho thành phố.

Tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng mô hình khuyến nông

Để khuyến khích, thúc đẩy phát triển nông nghiệp đô thị, Cần Thơ tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng mô hình khuyến nông phát triển nông nghiệp đô thị, quy hoạch vành đai xanh nông nghiệp nhằm cung ứng các sản phẩm nông sản cho khu vực đô thị.

Theo kế hoạch số 116/KH-UBND ngày 9 tháng 8 năm 2017 về Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020, Cần Thơ đặt mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa; xây dựng ngành hàng hóa chủ lực, vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao, thực hiện liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ.

Kế hoạch số 05/KH-UBND ngày 11 tháng 1 năm 2018 triển khai thí điểm các mô hình nông nghiệp đô thị gắn với du lịch tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, giai đoạn 2018-2020. Theo đó sẽ có 5 mô hình gồm hoa kiểng, cá kiểng, nuôi lươn không bùn, nấm và trồng rau trong nhà lưới. Bước đầu sẽ hình thành ít nhất 3 nhóm liên kết sản xuất mỗi nhóm từ 5 – 10 hộ tham gia, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và tạo thành điểm nhấn thu hút du lịch. Tổng kinh phí dự kiến thực hiện mô hình trên trong 3 năm là hơn 7,6 tỉ đồng, trong đó Nhà nước sẽ hỗ trợ hơn 4,8 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của người dân.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình UBND thành phố phê duyệt kế hoạch thực hiện thí điểm mô hình nông nghiệp đô thị tại 4 quận thuộc thành phố Cần Thơ giai đoạn 2018-2020; 72 mô hình sản xuất (mô hình trồng nấm, rau ăn lá, rau ăn trái trong nhà màn và mô hình trồng hoa), 24 mô hình/năm tại phường Phú Thứ – quận Cái Răng; phường Thốt Nốt – quận Thốt Nốt; phường Châu Văn Liêm – quận Ô Môn và phường An Khánh – quận Ninh Kiều, với tổng kinh phí 10,4 tỉ đồng.

                                                                                           Minh Châu