Kết nối doanh nghiệp

Cánh cửa lớn để phát triển nguồn nhân lực logistics Việt Nam

7:02 sáng | 22/06/2022

(VHDN) – Phát triển ngành logistics là một trong những xu hướng và sự quan tâm của toàn cầu. Trong nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, logistics nhanh chóng chuyên môn hóa và trở thành một ngành dịch vụ mang tầm quan trọng nhất thiết. Vai trò của logistics đối với nền kinh tế Việt Nam là vô cùng quan trọng, bởi kim ngạch xuất khẩu và thương mại nội địa liên tục tăng trưởng. Sự canh tranh của các doanh nghiệp hoạt động logistics là rất lớn.

Các đại biểu tham dự Toạ đàm Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics thông qua đào tạo gắn với trải nghiệm thực tiễn được tổ chức tại Thái Nguyên ngày 28.5

Trên thị trường Việt Nam, không chỉ riêng các doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực logitics mà còn có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn logistics của nước ngoài có mặt tại Việt Nam. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp Việt phải có giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, mở rộng hoạt động đồng thời còn tạo sự liên kết, đồng nhất và hiệu quả giữa các đơn vị liên quan thì mới có sức cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Trong đó, nguồn nhân lực là một trong những nhân tố phát triển logistics một cách hiệu quả và chủ động. Nhu cầu nhân lực cho ngành này không chỉ tăng mạnh về số lượng mà còn có những đòi hỏi phải nâng cao về chất lượng ngay ở từng địa phương.

Theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2021 của Bộ Công Thương đã chỉ ra, để góp phần quan trọng vào nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế nói chung và hoạt động thương mại nói riêng, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cần chú trọng tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như 3PLvà 4PL, dịch vụ vận tải đa phương thức quốc tế, dịch vụ logistics xuyên biên giới…

Trong thời gian qua, Hiệp hội phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) đã và đang triển khai rất nhiều các hoạt động nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực logistics chất lượng cao, trong đó việc đào tạo và hỗ trợ các doanh nghiệp về mọi mặt trong lĩnh vực logistics cũng được ưu tiên thực hiện. Các khóa đào tạo của VALOMA luôn đảm bảo mọi yêu cầu, đáp ứng cho một nguồn nhân lực có kỹ năng và trình độ quản lý tốt nhất.

Phát biểu tại Toạ đàm “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics thông qua đào tạo gắn với trải nghiệm thực tiễn” được tổ chức tại Thái Nguyên ngày 28/5, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch danh dự VALOMA, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19, các doanh nghiệp logistic Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đào tạo nhân lực cho ngành logistics cũng luôn được sự quan tâm từ Chính phủ, cơ quan nhà nước, bên cạnh đó còn được các trường Đại học mở thêm chuyên ngành đào tạo như trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh. “Ban đầu có thể sinh viên còn khiêm tốn, nhưng đây là bước đi quan trọng để trong tương lai phát triển đội ngũ nhân lực, phục vụ cho ngành dịch vụ logistics đầy hứa hẹn”, Chủ tịch danh dự VALOMA nhấn mạnh.

Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch danh dự VALOMA

“Học” đi đôi với “hành” là sự cần thiết để việc đào tạo đạt được kết quả cao nhất. Ngay từ khi sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường, việc kết nối giữa nhà trường và các doanh nghiệp logistics là vô cùng quan trọng nhằm giúp các bạn trẻ hình dung rõ hơn về công việc và có những trải nghiệm thực tiễn, biết rõ quy trình hoạt và biết xử lý các tình huống có thể xảy ra trong quá trình hoạt động. Có được những trải nghiệm đó, sau khi tốt nghiệp, các bạn trẻ có thể bắt tay vào công việc mà không vấp phải sự bỡ ngỡ nào. Điều đó tọa nên hiệu quả cao cho các doanh nghiệp khi sử dụng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản. Trong tương lai, nếu đẩy mạnh được công tác đào tạo thì sẽ ổn định được nguồn nhân lực phục vụ cho ngành, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng.

Nguồn nhân lực được bắt đầu từ ngay trong các trường đại học. Mới đây, các Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa trường Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên với các doanh nghiệp logistics Atalink, Kargo365 và Dolphin Sea Air được ký kết nhằm cung cấp và trao đổi, hỗ trợ nguồn nhân lực cho ngành Logistics, hướng đến mục tiêu phát triển chung cho các em sinh viên theo đuổi ngành này. Các bên cam kết đáp ứng được những thỏa thuận đem lại sự phát triển bền vững, tạo điều kiện và tiếp nhận sinh viên được đào tạo về thực tập. Hướng dẫn thực hành, đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng cho học viên của bên A các chuyên ngành trong lĩnh vực hoạt động của mình; hướng nghiệp và tiếp cận công nghệ mới, nâng cao kiến thức chuyên môn…

Trước những đòi hỏi thực tế của ngành này, VALOMA đã tổ chức Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng trẻ logistics Việt Nam”. Đây là cuộc thi thường niên được đánh giá cao trong cộng đồng sinh viên toàn quốc. Bên cạnh đó, năm nay Hiệp hội sẽ tổ chức VALOMA Confest 2022 – Dự án đánh dấu sự phát triển của Hiệp hội trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, hoạt động cộng đồng…

Để logistics phát triển, bên cạnh việc đạo tạo, tạo nguồn nhân lực chủ động và chất lượng thì việc đầu tư công nghệ, phát triển hạ tầng, liên kết tạo thành mạng lưới các doanh nghiệp logistics lớn là vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới để thúc đẩy lĩnh vực này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cả nước.

Phạm Liệu – Vũ Đào