Thương hiệu nổi tiếng

Chân dung doanh nhân: Chuyện của người làm bột…!

2:16 sáng | 01/11/2019

Khi còn nhỏ tôi đã thấy mẹ cực khổ, suốt ngày cứ vớt bột cho nên tay lúc nào cũng có mùi chua, mà ngộ cái là mùi bột chua này bám dai lắm. Cho nên tôi nói với mẹ là sau này cực khổ kiểu gì thì con cũng không làm nghề bột. Vậy mà giờ đây tôi lại rất mê nó, gắn bó với nghề làm bột này như cái nghiệp và sẽ làm đến khi nào sức khỏe còn cho phép…”. Câu chuyện của cô Đàm Thị Vân – Giám đốc Công ty TNHH SX và TM Hòa Hưng đã cho thấy được không ít thăng trầm và đổi thay của nghề làm bột ở Sa Đéc này.

Không ai biết chính xác thời điểm làng bột ra đời là từ lúc nào, chỉ biết rằng từ xa xưa, với sẵn nguồn nguyên liệu lúa gạo dồi dào, trong lúc nông nhàn, những nông dân Sa Đéc đã sáng tạo ra cách làm bột, để từ đó làm thành các loại bánh, sợi cho phong phú bữa ăn. Xóm bột đầu tiên ra đời ở Sa Đéc nằm tại xã Tân Phú Đông, về sau lan ra các xã Tân Quy Đông, Tân Khánh Đông, Tân Quy Tây, phường 2,… Có những gia đình đã trải qua 3-4 đời làm nghề bột.

Theo cô Đàm Thị Vân, từ thời cố cụ của cô đã gắn với nghề bột, ban đầu thì làm bún, phở, hủ tiếu theo kiểu hộ gia đình chủ yếu làm để ăn và rồi lâu dần thành nghề gia truyền. Tuy nhiên, làm bột thời điểm đó rất vất vả, “khi còn nhỏ tôi đã thấy mẹ cực khổ, suốt ngày cứ vớt bột cho nên tay lúc nào cũng có mùi chua, mà ngộ cái là mùi bột chua này bám dai lắm. Cho nên tôi nói với mẹ là sau này cực khổ kiểu gì thì con cũng không làm nghề bột”, cô Vân nhớ lại.

Lớn lên trong giai đoạn đất nước vừa mới được giải phóng, cô Vân và chồng khởi đầu bằng nghề làm lò đường, cơ sở hoạt động khá thuận lợi “ăn nên làm ra” và “có tiếng” ở xứ Sa Đéc lúc bấy giờ. Nhưng biến cố đã đến với gia đình khi nhà máy xảy ra hỏa hoạn, tài sản thiệt hại khá nhiều. Cô và chồng cũng cố gắng duy trì nghề này nhưng đến đầu những năm 90, tình trạng đường nhập khẩu ngày càng nhiều, giá cả bấp bênh, ai nhập càng nhiều thì càng lỗ nhiều. Nhận thấy nghề lò đường hết thời không thể nào vực dậy được, trong hoàn cảnh nợ nần, con đông lại còn quá nhỏ, vợ chồng cô ngậm ngùi quay về với nghề truyền thống của gia đình – nghề làm bột.

Khởi đầu nào cũng có những khó khăn, cô Vân kể: “thời đó nghèo quá, vừa làm bột vừa tận dụng cặn bột để nuôi heo, con thì còn nhỏ cho nên phải làm để có chén cơm nuôi con. Lúc đó tôi đi bán bột khô cho các tiểu thương ở Sa Đéc. Từ bé gia đình cha mẹ chúng tôi nuôi sống chúng tôi đến năm 1978 sản xuất bột bán cho các lò hủ tiếu, người ta chê bột không đạt do vậy làm hủ tiếu không dai. Mình rút kinh nghiệm từ những lời góp ý đó, nhớ lại cách bà và mẹ làm ngày xưa, so sánh với cách mình đang làm, từ từ mới có kinh nghiệm chuẩn hơn”.

Tận dụng cái nghề truyền thống của ông bà hơn 100 năm qua cộng với kinh nghiệm tích luỹ được, từ một cơ sở kinh tế hộ gia đình ban đầu chỉ bỏ mối tại chỗ, đến năm 1998 cô Đàm Thị Vân thành lập doanh nghiệp cơ sở Hòa Hưng từ sản xuất bột cô Vân chuyển sang làm sản phẩm chế biến từ bột như Hủ tiếu, phở ăn liền chay, mặn , Hủ tiếu, phở, bún qua trụng để xào nấu, các công ty thành phố Hồ Chí Minh tìm đến cơ sở của cô để mua hàng sản lượng ngày càng tăng. Hệ thống máy móc, thiết bị sản xuất cũng được cải tiến đầu tư theo công nghệ mới như máy tráng bánh hầm sấy bánh và máy đóng gia vị được đưa vào hoạt động để đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu dùng ngày càng mở rộng. Nhờ đó mà các loại sản phẩm bún, hủ tiếu, phở sấy khô mang đặc trưng của địa phương được đưa đến rộng rãi người tiêu dùng.

Nhận thấy thị trường càng chú trọng chất lượng, yêu cầu các sản phẩm sau bột vừa phải ngon lại đảm bảo dinh dưỡng bên trong, nếu cứ vẫn làm bột theo cách ngày xưa thì không còn phù hợp nữa. Trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay nếu không cải tiến được nghề thì rất dễ bị đào thải. Để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, ngoài kinh nghiệm thì phải kết hợp khoa học vào trong sản xuất. Năm 2003, Doanh nghiệp Hoà Hưng đã thành lập Công ty TNHH SX và TM Hòa Hưng. Nhà xưởng được lắp đặt máy móc dây chuyền sản xuất hiện đại (hệ thống sấy dẻo) đảm bảo chất lượng, sản lượng theo tiêu chuẩn HACCP, ISO 9001:2008. Thông qua hệ thống băng chuyền sẽ tránh được việc tiếp xúc của môi trường bên ngoài, hạn chế được vấn đề nhiễm vi sinh. “Lúc ban đầu thì khách hàng cũng phàn nàn nhiều về chất lượng sản phẩm, cũng bị trả hàng do chỉ số vi sinh, lý hóa không đạt. Theo hợp đồng của sản phẩm xuất khẩu chỉ số nghiêm ngặt hơn tiêu chí của Việt Nam, mình quyết tâm khắc phục nhược điểm này thì trong những năm trở lại đây tình trạng trả hàng không còn xảy ra nữa. Hiện tại 100% quy trình sản xuất sản phẩm của công ty đều áp dụng máy móc, vừa đảm bảo chất lượng lại đáp ứng được sản lượng cho khách hàng. Trong đó, gia công cho xuất khẩu chiếm 80%, phần còn lại thị trường nội địa” Cô Vân chia sẻ.

Bên cạnh đó, công ty chú trọng nguyên liệu đầu vào bằng cách thu mua gạo của các nhà máy đạt chuẩn ISO, HACCP để đảm bảo được truy xuất nguồn gốc và chất lượng ổn định với giá cả hợp lý, cạnh tranh trên thị trường. Các sản phẩm của Công ty Hòa Hưng có ưu điểm như nguyên liệu chọn lọc, tinh khiết hương vị thơm ngon tự nhiên; Hủ tiếu, phở, bún dai không chua; Ðảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; Không dùng hàng the, formon và hoá chất độc hại. Các mặt hàng bún, phở, hủ tiếu đa đạng với nhiều loại kích cỡ và trọng lượng khác nhau được tiêu thụ khắp các khu vực ĐBSCL, vùng sâu, vùng xa và TP. Hồ Chí Minh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Mặt khác, hiểu được sản xuất bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường, công ty TNHH SX và TM Hòa Hưng chú trọng xây dựng ao vi sinh, ao sinh học để xử lý, đảm bảo nước thải ra đạt tiêu chuẩn cột A đúng như quy định, đảm bảo an toàn môi trường xung quanh. Vừa qua, Công ty TNHH SX và TM Hòa Hưng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Giải thưởng Chất lượng quốc gia 2018.

Gắn bó với nghề Phở, Bún, Hủ tiếu – sản phẩm sau bột cũng đã 25 năm, cô Vân chia sẻ, nghề này để thành công thì phải chuẩn 5 yếu tố: gạo, tay nghề, công thức, thiết bị, đội ngũ lao động tốt nếu thiếu 1 trong 5 yếu tố này thì khó mà thành công được. “Nghề này liên quan đến sức khỏe nhiều người do vậy mình phải có tâm, nếu vì giá thành mà chất lượng giảm đi thì không bền lâu được. Kinh doanh phải có tâm, vạn sự đều hòa thuận thì mới hưng thịnh, phát triển được. Bản thân mình làm không chỉ vì gia đình mà còn vì người lao động. Làm sao cố gắng đảm bảo công việc kinh doanh ổn định, để 250 người lao động tại Hòa Hưng có công ăn việc làm” cô Đàm Thị Vân tâm niệm.

Người lao động ngoài mức lương 5 triệu đồng/tháng thì hằng năm, công ty đều dành một khoản chi phí hỗ trợ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, con em của người lao động có học lực giỏi, có con đi học từ nhà trẻ đến Đại học (số tiền từ 600.000đ – 3.500.000đ/người). Được biết công ty hiện có hơn một nửa số người lao động có thâm niên trên 15 năm làm việc tại đây. Ngoài ra công ty quan tâm đến công tác xã hội ở địa phương và ngoài tỉnh như ủng hộ xây làm cầu đường khoảng trên 100 triệu/năm, mua BHYT cho người nghèo 200 triệu – 250 triệu/năm, quà tết cho người nghèo các địa phương thông qua Mặt trận Tổ Quốc thành phố Sa Đéc….

Trong suốt quá trình phát triển, cô Đàm Thị Vân vẫn canh cánh một nỗi lo làm sao để nghề bột này phát triển bền vững, bởi rất cần người có kinh nghiệm và tâm huyết thì mới làm được. “Thời gian qua, công ty chủ yếu làm gia công cho các công ty lớn. Mình không mở rộng làm lớn vì xét về nhân lực và vật lực thì công ty còn hạn chế nhiều thứ, lớn tuổi rồi sức khỏe không cho phép. Sức mình đến đâu làm đến đó, còn giai đoạn sau phát triển như thế nào thì chắc phải chờ thế hệ sau tiếp tục công việc này. Trước mắt cố gắng cải tiến bao bì, đẩy mạnh thương hiệu Hòa Hưng đến người tiêu dùng. Làm gì làm cũng phải đảm bảo công việc cho người lao động trước tiên”.

Những trải nghiệm của người phụ nữ 64 tuổi này đã phần nào cho thấy rằng nghề làm bột ở Sa Đéc đã góp phần tạo nên uy tín, danh tiếng, đóng góp cho sự phồn thịnh của quê hương, đồng thời nâng cao đời sống của nhiều gia đình và sự thành đạt của nhiều thế hệ. Dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, hơn một thế kỉ qua, con người nơi đây bằng tâm huyết và sức lực của mình, đã tạo nên sản phẩm bột gạo mang những giá trị riêng, khó có nơi nào sánh kịp, góp phần lưu giữ và phát huy một làng nghề truyền thống nổi tiếng nhất vùng./.