Kinh tế thị trường

Chiến sự Nga – Ukraine tác động như thế nào đến thị trường tài chính Việt Nam

8:32 sáng | 18/05/2022

(VHDN)Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nhằm vào Ukraine đã xảy ra khi Ukraine muốn gia nhập tổ chức quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong khi nước khác trong vùng Đông Âu đã lần lượt gia nhập NATO. Ukraine là một nước có chung đường biên giới, sắc tộc, Nga thấy đây là một đe dọa lớn nên đã khởi động một chiến dịch xâm lược Ukraine với mục đích thay đổi chính quyền tại Ukraine và thiết lập 1 chính quyền thân Nga để có thể điều khiển theo ý muốn. Chiến sự xảy ra làm ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế toàn thế giới nó đang tác động như thế nào đến kinh tế của thế giới cũng như Việt Nam? Đến thị trường chứng khoán, vàng, bất động sản, hối đoái…tài chính của Việt Nam? Đây cũng chính là điều quan tâm của rất nhiều doanh nhân lúc này. Sau đây là chia sẻ của chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu với bạn đọc Diễn đàn doanh nghiệp:

Cuộc chiến Nga – Ukraina rất tốn kém và nguy hiểm, không ai có thể lường trước được cuộc chiến này sẽ dừng lại ở Ukraine hay lan sang các nơi khác. Nên nền kinh tế của Thế giới và Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động mạnh mẽ. Trước nhất là nền kinh tế của thế giới. Ngay sau khi Nga tấn công Ukraine, giá vàng thế giới đã nhảy dựng đến gần 2.000 USD/ouce, giá vàng trong nước cũng có lúc bị đẩy lên mức 75 triệu một lượng, và đang trong xu hướng tăng cao hơn nữa. Giá dầu, từ 70 USD/thùng trước chiến sự  đã tăng tới 140 USD/thùng dầu. Về chứng khoán, tất cả thị trường trên thế giới đều rớt điểm rất mạnh, đẩy giá vàng lên cao. Tình hình thế giới đang bị biến động rất lớn bởi cuộc khủng hoảng và trong những tuần lễ sắp tới, nếu chiến sự trở nên tồi tệ căng thẳng hơn, tình hình kinh tế thế giới sẽ có những biến chuyển khó lường, nhất là liên quan đến giá dầu.

Xung đột Nga-Ukraine gây tăng giá xăng dầu, thiết bị y tế đến tiêu dùng. Ảnh internet

Chúng ta biết rằng Nga là một quốc gia cung cấp dầu, khí đốt, lương thực, phân bón hàng đầu cho thế giới. Khi chiến sự xảy ra, Mỹ và Phương Tây cùng các nước đồng minh đã đồng loạt cấm vận Nga trên mọi phương diện, ngăn chặn tất cả những giao dịch về tài chính, kinh tế trong đó có dầu, khí đốt. Và Nga đã dùng dầu, khí đốt, lương thực như một công cụ để chiếm ưu thế trong lĩnh vực kinh tế, chính trị. Vì thế, giá năng lượng và lương thực trên thế giới đã tăng giá và còn tăng hơn nữa. Việt Nam cũng không tránh khỏi những hệ lụy do cuộc chiến này gây ra. Giá xăng dầu trong nước cũng sẽ còn biến động mạnh.

Với tình hình chính trị, kinh tế, vị trí nền kinh tế của Mỹ vẫn là số 1 toàn cầu. Bên cạnh việc phải đối phó với khủng khoảng tại Ukraine, ngay trong nội bộ Mỹ cũng đang gặp phải nhiều vấn đề. Lạm phát cũng như những bất ổn trong đảng Dân chủ và Cộng hòa. Trong 12 tháng, lạm phát đã tăng 7.5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất kể từ 40 năm qua. Hiện tại, tất cả hàng hóa, đặc biệt là xăng dầu, tiền thuê nhà, bất động sản, chi phí giao thông, thực phẩm…tăng rất mạnh. Buộc Chính phủ Mỹ thông qua Cục dự trữ liên bang FED (Federal Reserve Bank of the United States), ngày 17/3 vừa qua, lần đầu tiên kể từ năm 2018 đã tăng lãi suất từ 0,25% – 0,5%. Kinh tế Mỹ đã phục hồi nhanh sau đại dịch, tất cả các hoạt động trở lại bình thường. Dịch bệnh ở Mỹ trong xu thế giảm dần và có thể đến giữa năm  kiểm soát được hoàn toàn, nhưng không có nghĩa dịch bệnh sẽ không trở lại, ngoài biến thể Delta, Omicron còn có thể có những biến thể khác nữa.

Với tất cả khó khăn như thế, tình hình chính trị và kinh tế của Mỹ chưa gọi là ổn định và sẽ có nhiều diễn phức tạp. Không chỉ Mỹ tăng lãi suất mà rất nhiều quốc gia khác cũng phải tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Vấn đề lạm phát xảy ra ở Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác xuất phát từ nhiều khía cạnh.

Thứ nhất, để ứng phó với đại dịch, Chính Phủ các nước trên thế giới đã đổ ra những gói giải cứu kinh tế với lượng tiền rất lớn, riêng Mỹ là 5.000 tỷ USD. Lượng tiền đó đã góp phần đẩy lạm phát lên cao. Ở Việt Nam, chuỗi cung cấp nguyên vật liệu cho sản xuất bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, hàng hóa trở nên thiếu hụt, giá cả bị đẩy lên. Nền kinh tế vừa mới ra khỏi tình trạng khó khăn trong quá trình hồi phục thì hiện tại lại gặp một biến cố lớn trên thế giới, đó là cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Năm 2021, kinh tế của Việt Nam bị tác động rất mạnh mẽ bởi dịch bệnh, GDP chỉ tăng trưởng ở mức 2,58%, thấp hơn cả năm 2020 là 2,91%, thấp hơn nhiều so với những năm trước đó. Năm 2022, Chính phủ dự kiến nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục mạnh và GDP sẽ tăng trở lại ở mức 5%. Để đạt mức tăng trưởng đó, cả nền kinh tế phải cố gắng rất nhiều.

Bên cạnh vấn đề tăng trưởng kinh tế, Việt Nam luôn phải lo lắng về vấn đề lạm phát. Năm 2021, theo Tổng cục Thống kê CPI (chỉ số đo lường lạm phát) chỉ tăng ở mức 1,94%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội đề ra dưới 4%, đó là điểm sáng tích cực, chúng ta đã kiểm soát được lạm phát. Năm 2022, những tháng đầu năm GDP tiếp tục tăng trưởng dù ở mức thấp. Tuy nhiên, lạm phát có xu hướng tăng trong những tháng gần đây. Ở năm 2021, điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam là xuất nhập khẩu cả hai chiều tăng lên 670 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2020. Trong những tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam có dấu hiệu tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, chiến sự tại Ukraina, không những xuất khẩu của chúng ta đến những nước đó bị ảnh hưởng mà thị trường xuất khẩu trên toàn thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trong các thị trường xuất khẩu của Việt Nam, Mỹ là lớn nhất. Khi chiến sự xảy ra người dân Mỹ sẽ tìm cách tiết kiệm nhiều hơn, xu thế tiêu dùng giảm, tỷ lệ lạm phát tăng buộc Cục dự trữ liên bang Mỹ phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Khi tăng lãi suất cũng ảnh hưởng tới các nền kinh tế khác, đặc biệt với Việt Nam. Các quốc gia giao dịch bằng đôla cũng sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam. Nếu lạm phát của Mỹ tăng, Việt Nam mua hàng của Mỹ thì Việt Nam nhập khẩu lạm phát, từ đó cũng làm cho lạm phát tăng ở Việt Nam. Nên trong năm 2022 sẽ tiếp tục bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài, trong đó có lạm phát của thế giới và của Mỹ đối với Việt Nam. Năm nay chúng ta kiểm soát được dịch bệnh, hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục rất nhanh và Việt Nam vẫn có thể kiểm soát được lạm phát dù sẽ bị tác động nhiều hơn từ những yếu tố bên ngoài. Việc giữ lạm phát ở mức 4% cần phải sự nỗ lực  rất nhiều.

TTCK Việt Nam sẽ vẫn tăng tiến lên cùng với đà tăng trưởng của thị trường thế giới. Ảnh minh họa internet

Về xuất nhập khẩu, Việt Nam tiếp tục tăng cường được xuất khẩu vì khi thế giới lâm vào khủng hoảng, sản xuất kinh doanh trên thế giới cũng chậm lại, từ đó nhu cầu cho hàng hóa Việt Nam lại tăng cao. Bên cạnh đó, tỷ giá của chúng ta cũng sẽ hỗ trợ cho xuất khẩu. Việc FED tăng lãi suất tại Mỹ sẽ làm giá trị đồng đôla tăng lên, bởi khi lãi suất tăng, rất nhiều nhà đầu tư tìm cách trú ẩn vào những tài sản được tính bằng đôla trong đó có chứng khoán. Khi giá trị đồng đôla tăng lên thì giá trị của tiền đồng so với đồng đôla sẽ giảm xuống, tỷ giá sẽ được đẩy lên, có lợi cho xuất khẩu. Tuy nhiên, ở mặt nhập khẩu lại không có lợi cho các nhà nhập khẩu. Nếu mà đôla tăng thì các nhà nhập khẩu phải mua nhiều hơn lấy nhiều hơn tiền đồng để mua đôla và nhập khẩu. Từ đó giá hàng nhập khẩu tính ra tiền đồng sẽ tăng lên, hàng hóa nhập khẩu sẽ đắt hơn. Khi tỷ giá biến động như thế sẽ ảnh hưởng có lợi tới xuất khẩu nhưng có hại cho nhập khẩu. Xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng sẽ tiếp tục được phát triển, năm ngoái xuất siêu là 2 tỷ đôla trên tổng số xuất nhập khẩu cả hai chiều là 670 tỷ đôla. Liệu năm nay chúng ta có  giữ được mức xuất siêu như năm ngoái?

Nền kinh tế Việt Nam phục hồi rất nhanh sau đại dịch và kiểm soát được lạm phát, GDP cũng sẽ tăng trưởng trong năm 2022.  5 thị trường truyền thống của Việt Nam là chứng khoán, vàng,  bất động sản, ngoại hối sẽ bị tác động như thế nào trước tình hình thế giới hiện nay?

Thứ nhất là thị trường chứng khoán, trong những ngày vừa qua chứng khoán rớt điểm rất mạnh và hiện tại Vnindex đang dừng ở 1.445 điểm, mức giảm sâu từ 1.500 điểm. Chứng khoán thế giới chao đảo nên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng khó tránh khỏi bị ảnh hưởng. Nếu chiến sự tại Ukraina trở lên tồi tệ hơn thì thị trường chứng khoán thế giới sẽ rớt điểm mạnh hơn, trong đó có cả chứng khoán Việt Nam. Các nhà đầu tư nên cẩn thận, duy trì chứng khoán của những doanh nghiệp, nhà phát hành có tên tuổi, báo cáo kiểm toán rõ ràng, tăng trưởng tốt, ổn định. Không nên đầu tư vào những chứng khoán mang tính mạo hiểm hay các doanh nghiệp mới lên sàn vì tình hình hiện tại sẽ có những biến động rất nhanh và khó lường. Thị trường vàng, ngày càng đẩy lên cao, trên thế giới đã lên mức 1.950 usd/ouce và sẽ tiếp tục lên đến mức 2.000 usd/ouce. Giá vàng trong nước hiện tại 67 triệu/lượng, sắp tới có thể lên đến mức trên 70 triệu đồng/lượng. Với các nhà đầu tư, dĩ nhiên một thị trường đang lên như thế thì rất phấn khích. Tuy nhiên, thị trường vàng có rất nhiều biến động khôn lường, việc đổ tiền mua vàng tại thời điểm này là rất nguy hiểm. Vì vàng có thể lên rất cao nhưng khi tình hình chiến sự được giải quyết,  giá vàng sẽ rơi xuống rất sâu, mọi rủi ro đều bị đẩy về phía người mua. Hơn nữa, chúng ta nên đa dạng đầu tư, không đổ tất cả quả trứng vào một rổ, không đổ tất cả tiền tiết kiệm, tài sản để mua vàng. Và một nguyên tắc nữa là không bao giờ đi vay tiền mua vàng bởi khi vàng rớt giá thiệt hại phải chịu gấp đôi do lỗ do chênh lệch giá mua vào bán ra và lãi đã vay để mua vàng.

Thứ ba là thị trường bất động sản. Nếu chiến sự sớm chấm dứt, nền kinh tế của Việt Nam tiếp tục được phục hồi, đặc biệt từ nửa năm sau tỷ giá bất động sản sẽ vẫn giữ được mức ổn định, duy trì được mức cao. Ở hiện tại, thị trường bất động sản có một sự ổn định tốt hơn tất cả những thị trường khác. Việt Nam có dân số trẻ với 100 triệu người, thị trường bất động sản cần đến hàng trăm nghìn căn nhà để đáp ứng nhu cầu nhà ở của toàn xã hội. Do đó, thị trường bất động sản vẫn luôn là một thị trường có tiềm năng lớn, phát triển mạnh với nhiều phân khúc: cao cấp, trung bình, người thu nhập thấp, nhà ở xã hội, bất động sản du lịch, công nghiệp…Thị trường nhà ở vẫn luôn là thị trường có tính ổn định rất cao, đặc biệt nhà ở cho người có thu nhập thấp và thu nhập trung bình.

Giá vàng trong nước không ngừng biến động. Ảnh minh họa internet

  Năm 2021, tiền đồng giữ được sự ổn định rất tốt do chính sách phù hợp của ngân hàng nhà nước đối với tiền đồng, lạm phát thấp, nhà nước có đầy đủ dự trữ quốc gia để có thể can thiệp ngay, giảm sự biến động của thị trường ngoại hối. Năm 2022, với tất cả những biến động trên thế giới cũng sẽ tác động đến thị trường xuất khẩu, thị trường ngoại hối sẽ có những biến động. Việc tăng lãi suất làm tăng giá trị của đồng đôla, giảm giá trị của tiền đồng, từ đó đẩy tỷ giá lên.

Cuối cùng là tiền gửi ngân hàng, liệu năm nay gửi ngân hàng có lợi hay không? Theo tôi, chúng ta luôn cần đến ngân hàng, cần có tiền trong tài khoản để thanh toán cũng như gửi tiết kiệm. Tình hình lãi suất huy động trong năm nay có nhiều yếu tố tác động vào tiền tệ, chính sách tiền tệ, lạm phát sẽ tăng. Vì vậy, lãi suất huy động sẽ tăng. Khi kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp, cá nhân đi vay nhiều hơn, ngân hàng cho vay nhiều hơn. Vì thế, ngân hàng cũng phải huy động vốn nhiều hơn bằng cách tăng lãi suất. Lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay sẽ tăng dù Ngân hàng Nhà nước luôn luôn muốn duy trì sự ổn định. Hiện tại Chính phủ đang có một gói lên đến 291.000 tỉ đồng để hỗ trợ nền kinh tế, trong đó có một phần hỗ trợ 2% lãi suất cho những doanh nghiệp vay vốn bị tác động bởi dịch bệnh, đó là phần hỗ trợ rất lớn và kịp thời của Chính phủ tới doanh nghiệp.

 Đây là toàn bộ nhận định của tôi về nền kinh tế của Việt Nam và thế giới trong năm qua, hiện tại và tương lai. Do dịch bệnh và chiến sự tại Ukraina, kinh tế thế giới đang đi vào khủng hoảng, trong khi nền kinh tế của Việt Nam vẫn duy trì được sự ổn định. Việt Nam cũng sẽ bị tác động gián tiếp bởi những khủng hoảng trên thế giới. Sự cẩn trọng trong các hoạt động đầu tư tại thời điểm này cũng như mỗi quyết định kinh doanh của doanh nhân, doanh nghiệp lúc này là hết sức cần thiết, nên được cân nhắc tỉ mỉ và tính toán một cách cẩn trọng và kỹ lưỡng.

 Chúc các doanh nhân, doanh nghiệp có một năm kinh doanh phát đạt và thành công!

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu: Sinh năm 1947, Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh – Đại học Ludwig Maximilians (Đức).

Hiện là thành viên thường trực và độc lập Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại CP An Bình. Ông là người lập ngân hàng Việt đầu tiên ở Mỹ năm 2005- ngân hàng First Vietnamese-American Bank (FVAB) với vốn ban đầu là 15 triệu USD và cũng là một trong những chuyên gia có nhiều ý kiến đóng góp tích cực cho việc phát triển ngành tài chính, ngân hàng Việt Nam.

Ngoài là Tiến sĩ ngành tài chính, kinh tế với 40 năm kinh nghiệm ông còn là một giáo sư môn Aikido tại Mỹ.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu