Cà Mau

Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau: Hướng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp

1:55 sáng | 24/12/2017

Những năm qua, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử các cấp luôn được Đảng và Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Để góp phần thực hiện nhiệm vụ này, hiện tỉnh Cà Mau đang tập trung xây dựng Chính quyền điện tử, hướng đến xây dựng Chính quyền số trong tương lai nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, phục vụ hiệu quả sự nghiệp CNH – HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế của tỉnh nhà.

 

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã triển khai xong các ứng dụng công nghệ thông tin chính trong hệ thống thông tin phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước trong tỉnh như: Thư điện tử, hệ thống phần mềm Quản lý văn bản điều hành (VIC), Hệ thống phần mềm một cửa điện tử (hay Dịch vụ công trực tuyến)…; qua đó góp phần thúc đẩy cải cách, công khai minh bạch các thủ tục hành chính; xử lý công việc ngày càng nhanh chóng và hiệu quả; đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên Giám đốc Sở Thông tin&Truyền thông Ông Võ Quốc Việt cho biết trong tầm nhìn dài hạn, lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã nhìn thấy xu hướng các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh sẽ ngày càng nhiều và càng phức tạp. “Phức tạp vì có phạm vi chồng lên nhau, có yêu cầu phải kết nối tích hợp, chia sẻ dữ liệu từ các đầu mối khác nhau trong phạm vi tỉnh, phạm vi quốc gia” – ông Việt lý giải.

Chính vì vậy khi có văn bản của Bộ Thông tin&Truyền thông ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử, biết Tp.Đà Nẵng đã xây dựng và triển khai kiến trúc Chính phủ điện tử, tỉnh Cà Mau đã tổ chức tiếp cận và tìm hiểu khung kiến trúc này. Sau khi ký kết tiếp nhận chuyển giao nền tảng kiến trúc Chính quyền điện tử Tp.Đà Nẵng, tỉnh Cà Mau đã lựa chọn tư vấn để xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Cà Mau; nhận chuyển giao nền tảng kiến trúc Chính quyền điện tử Tp.Đà Nẵng và hiện đội ngũ cán bộ kỹ thuật của tỉnh đang nghiên cứu, khai thác mô hình ưu việt này.

Theo nhận xét của vị lãnh đạo Sở Thông tin&Truyền thông tỉnh Cà Mau, việc tiếp nhận, làm chủ nền tảng kiến trúc Chính quyền điện tử được chuyển giao thật sự là một thách thức đối với đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Sở. Tuy nhiên kết quả này đã giúp Sở đánh giá được về hai hệ thống phần mềm chính của Chính quyền điện tử của tỉnh phù hợp như thế nào với nền tảng kiến trúc Chính quyền điện tử hiện nay và sau này của tỉnh”. Hiện tại hệ thống VIC được triển khai trên một nền tảng khá độc lập rất khó khăn để tích hợp vào kiến trúc Chính quyền điện tử. Tuy nhiên đây là một hệ thống tương đối độc lập nên trước mắt tỉnh Cà Mau vẫn tập trung khai thác tốt và sẽ triển khai hệ thống khác để thay thế vào thời điểm thích hợp.

Riêng hệ thống phần mềm Một cửa điện tử được triển khai trên các thành phần giống như các thành phần của nền tảng Chính quyền điện tử Tp.Đà Nẵng. Hệ thống này có khả năng tích hợp vào kiến trúc Chính quyền điện tử một cách thuận lợi nhất. Xuất phát từ hệ thống phần mềm này sẽ hoàn thiện dần theo kiến trúc Chính quyền điện tử và phát triển thêm các tính năng liên quan để tích hợp thông tin, chia sẻ dữ liệu giúp nâng cao năng lực xử lý công việc cho cán bộ, công chức; giúp cung cấp thêm dịch vụ tiện ích cho công dân điện tử.

Hiện Chính quyền điện tử Cà Mau đang được đầu tư theo đúng tiến độ Đề án xây dựng Chính quyền điện tử giai đoạn 2016 – 2018 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1384/QÐ-UBND của UBND tỉnh Cà Mau. Mục tiêu của Đề án là thiết lập hạ tầng kỹ thuật, phát triển ứng dụng để chính quyền mở rộng khả năng phục vụ người dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử thông qua Internet và nhiều kênh trao đổi thông tin phổ biến hiện nay. Thông qua phương thức đó, Chính quyền điện tử minh bạch hóa hoạt động của chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh; cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời; cung cấp dịch vụ công và tương tác với người dân mọi lúc, mọi nơi một cách nhanh chóng, thuận tiện nhất.    

Chia sẻ về lợi ích của mô hình ưu việt này, ông Việt cho biết Chính quyền điện tử chỉ là phương tiện để chính quyền các cấp hiện diện trên môi trường điện tử, sẵn sàng phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi. Thông qua Chính quyền điện tử sẽ giúp giải quyết công việc của dân và doanh nghiệp một cách nhanh gọn nhất; người dân và doanh nghiệp sẽ không phải chờ đợi để giao dịch trực tiếp với chính quyền trong một khoảng thời gian hạn chế; không phải đi lại và hiện diện trong một không gian ít tiện nghi để tương tác. Tuy nhiên hiện nay hai lợi ích này vẫn chưa được người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm đúng mức; chính vì vậy công tác tuyên truyền, phổ biến về những ưu điểm của Chính quyền điện tử sẽ tiếp tục được tỉnh Cà Mau đẩy mạnh trong thời gian tới.

“Nút thắt” hiện nay là hệ thống Chính quyền điện tử của tỉnh Cà Mau hiện được thiết lập trên nền hạ tầng còn hạn chế; năng lực xử lý của các máy chủ đã được huy động hết; dung lượng của hệ thống lưu trữ đã sử dụng gần cạn; máy tính cho cán bộ, công chức dùng giải quyết công việc chỉ ở mức 0.8 máy/ một công chức (trong cơ quan nhà nước; các đơn vị sự nghiệp công còn thấp hơn)….Trong khi đó yêu cầu vận hành, khai thác hệ thống Một cửa điện tử ngày càng cao; các tính năng liên quan đến hệ thống này liên tục phát sinh. Chính vì vậy trong lộ trình sắp tới, tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu tập trung củng cố kết quả đạt được trong hiện tại để làm cơ sở vững chắc cho sự phát triển sâu rộng của Chính quyền điện tử về sau này. Cụ thể tỉnh sẽ đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật; nâng cao hiệu quả khai thác các ứng dụng chính của hệ thống Chính quyền điện tử, phối hợp triển khai các ứng dụng quy mô quốc gia theo tiến độ chung. “Để đạt được mục tiêu này phải thực hiện nhiều việc liên quan khác cũng dài hơi và khó khăn không kém như: chuẩn bị nguồn nhân lực; bảo đảm an toàn thông tin; rà soát thủ tục hành chính; hoàn thiện quy định, quy chế xử lý công việc…Chính vì vậy Sở Thông tin&Truyền thông không thể tự thực hiện tất cả các công việc để vận hành, phát triển Chính quyền điện tử mà rất cần sự phối hợp của tất cả các ngành, các cấp trong tỉnh”– ông Việt nhấn mạnh.

                                                                                                Minh Kiệt