Nhân vật

Chủ tịch Golden Gate Đào Thế Vinh: Ông chủ chuỗi nhà hàng lớn nhất Việt Nam với văn hóa kinh doanh “Nhân viên hạnh phúc thì khách hàng sẽ hài lòng”

3:31 sáng | 16/01/2022

VHDN.VN  Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) được thành lập từ năm 2005, Golden Gate Restaurant Group tiên phong áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng và cam kết mang đến khách hàng những trải nghiệm tốt nhất nhờ món ăn ngon và chất lượng dịch vụ. Golden Gate hiện sở hữu 19 thương hiệu, hơn 150 nhà hàng đa phong cách trên toàn quốc và vẫn đang tiếp tục không ngừng mở rộng. Sự lớn mạnh của Golden Gate phải kể đến sự điều hành của doanh nhân Đào Thế Vinh – một trong ba cổ đông sáng lập, hiện đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của công ty này. Cổng Vàng là công ty nhà hàng lẩu nấm tiên phong và dẫn đầu tại Việt Nam dưới thương hiệu Ashima.

Khởi nghiệp kinh doanh bắt nguồn từ sở thích “ăn ngon” và khám phá những miền đất mới

Ông Đào Thế Vinh – Tổng Giám đốc Golden Gate

Thành công ở lĩnh vực kinh doanh nhà hàng ẩm thực nhưng doanh nhân sinh năm 1972 Đào Thế Vinh lại học và đạt học bổng ở chuyên ngành Dự báo mô hình số trị, Trường ĐH Quốc gia Khí tượng thủy văn, Thành phố Saint Peterburg, CHLB Nga năm 1989. Sau khi tốt nghiệp về nước ông làm Phó Giám đốc phụ trách Marketing sau đó là CEO của Công ty Cổ phần Eco – Product, chuyên đóng gói và phân phối trà túi lọc Cozy. Ông đến với ngành ẩm thực vô cùng ngẫu nhiên, chỉ đơn thuần bắt nguồn từ sở thích đam mê khám phá các vùng đất mới và thưởng thức những món ăn ngon, lạ ở khắp nơi trên thế giới.

Một lần đặt chân đến Shangrila, Trung Quốc. Tại đây, ông được thưởng thức món lẩu nấm đặc sản của xứ sở có truyền thuyết cổ về tình yêu chung thủy này. Hương vị của món đặc sản đã gây ấn tượng mạnh đối với ông. Đó là vị ngọt thanh nhẹ của nước dùng hòa quyện với sự đa dạng của các loại nấm bổ dưỡng tạo thành nét đặc trưng riêng của vùng đất này. Trở về từ chuyến đi đó, doanh nhân Đào Thế Vinh đã cho ra đời nhà hàng lẩu nấm có cơ sở tại Hà Nội với tên là Ashima. Và chỉ sau một năm, đã mở rộng thêm một cơ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Golden Gate chỉ thực sự tăng trưởng nhanh khi ra mắt hai thương hiệu là lẩu băng chuyền Kichi – Kichi và SumoBBQ. Sau đó, công ty đã phát triển nhanh chóng và nâng số nhà hàng hiện nay lên gần 400 với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Gogi House, Hutong, Manwah… và được mệnh danh là “ông trùm” trong lĩnh vực kinh doanh chuỗi nhà hàng ở Việt Nam.

Tuy là người sáng lập trong lĩnh vực nhà hàng ẩm thực nhưng doanh nhân Đào Thế Vinh chỉ tham gia với vai trò là quản trị công ty. Còn việc quản lý nhà hàng và chất lượng món ăn nhà sáng lập Golden Gate để những người chuyên nghiệp đảm trách. Trong một lần trả lời báo giới, ông cho biết: “Mình cần phải bán sản phẩm được mọi người ưa thích chứ không thể bán sản phẩm để thỏa mãn ý thích của cá nhân. Nếu làm được điều đó, chuyện biến sở thích cá nhân thành mô hình kinh doanh sẽ không còn mạo hiểm nữa”.

Từ một nhà hàng lẩu nấm thiên nhiên Ashima đầu tiên trên con phố Phan Đình Phùng, đến nay, Golden Gate đã sở hữu hơn 20 thương hiệu với gần 400 nhà hàng, có mặt tại 45 tỉnh thành trên toàn quốc phục vụ được hơn 18 triệu thực khách. Golden Gate là đơn vị tiên phong áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng tại Việt Nam, với 5 phong cách ẩm thực chính, bao gồm: Lẩu, Nướng, Á, Âu và quán cà phê. Kết thúc năm 2019, Công ty ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 4.776 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ nhờ mở rộng mạng lưới cũng như tăng doanh thu từ các cửa hàng được mở trong năm 2018.

Là thành viên thứ 9 của HĐQT tại Thế Giới Di Động

Doanh nhân Đào Thế Vinh được đề cử vào hội đồng quản trị Thế Giới Di Động.

Năm 2019, ông Đào Thế Vinh – Chủ tịch HĐQT Golden Gate được đề cử làm thành viên HĐQT độc lập của Thế Giới Di Động nhiệm kỳ 2019-2020. Theo nghị quyết HĐQT ngày 21/05/2021, ông được bổ nhiệm vị trí Thành viên Ủy ban Kiểm toán.

Mặc dù không nắm giữ bất cứ chức vụ nào, cũng như không có cổ đông tại Thế Giới Di Động nhưng doanh nhân Đào Thế Vinh lại được Công ty tín nhiệm và đề bạt là thành viên thứ 9 trong đội ngũ HĐQT của Công ty. Điều này chứng tỏ được rằng ông có sức ảnh hưởng lớn, bề dày thành tích cũng như có nhiều điểm tương đồng trong quá trình điều hành công ty trên con đường kinh doanh mới có đủ “sức hút” mạnh mẽ đối với một công ty bán lẻ công nghệ hàng đầu hiện nay như Thế Giới Di Động.

Vượt cú sốc Covid-19 nhờ văn hoá lấy khách hàng làm trung tâm – Nhân viên hạnh phúc thì khách hàng sẽ hài lòngGolden Gate cho rằng nhân viên hạnh phúc thì mới có thể làm khách hàng hài lòng.

Năm 2020, chịu tác động bởi Covid-19, doanh thu Golden Gate lần đầu sụt giảm mạnh, tương ứng lãi sau thuế giảm đến 80% chỉ còn 64,9 tỷ đồng – quay về mốc bắt đầu 10 năm trước. Dù vậy, Công ty vẫn tranh thủ mở rộng mạng lưới hoạt động với 386 nhà hàng tính đến cuối năm 2020, tăng 29 nhà hàng so với thời điểm đầu năm.

Lấy khách hàng là trung tâm và coi đó là chiến lược mang lại kết quả cao sẽ giúp doanh nghiệp phát triển lâu bền. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn phải làm là xây dựng nền tảng văn hoá nội bộ – nơi tạo ra dịch vụ khách hàng – song song với nhiều việc khác để gia tăng trải nghiệm cho khách.

Đây cũng chính là cách làm của Tập đoàn Golden Gate để vừa sống sót qua đại dịch mà vừa thu hút được khách hàng trong bối cảnh bình thường mới.

Ban lãnh đạo Golden Gate nhận thấy trong khó khăn luôn có cơ hội. Sau một thời gian, Covid-19 đã trở thành phép thử khốc liệt cho các doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ, hàng loạt cái tên trong ngành F&B đã không trụ vững. Ban lãnh đạo Golden Gate xác định phải nắm bắt cơ hội để trở thành người anh cả, dẫn đầu ngành F&B. Một uỷ ban với sự tham gia của tất cả những người đầu ngành của Golden Gate có kinh nghiệm được thành lập để đưa ra các quyết sách đúng đắn. Hai đối tượng đầu tiên mà ban lãnh đạo Golden Gate nghĩ đến là khách hàng và nhân viên. Cụ thể, doanh nghiệp tìm cách để đảm bảo cho khách hàng và nhân viên được an tâm, xây dựng cho họ niềm tin trong mùa dịch.

Ngay khi có thông tin về dịch bệnh, Golden Gate đã đưa ra bộ quy định để đảm bảo an toàn cho nhân viên và khách hàng trong quá trình tiếp xúc. Cụ thể, toàn bộ nhân viên phải đeo khẩu trang. Hãng này cũng đặt làm khẩu trang riêng của mình để thay thế cho khẩu trang y tế. Toàn bộ nhân viên được đo nhiệt độ, khử khuẩn và khai báo y tế trước khi vào làm. Các cửa hàng đảm bảo khâu sát khuẩn, đặc biệt đối với các vị trí có nhiều người tiếp xúc như bàn ghế, cửa, dụng cụ…

Các chuỗi cửa hàng của Golden Gate cũng đẩy mạnh áp dụng công nghệ để giảm thiểu việc tiếp xúc giữa nhân viên và khách hàng. Chẳng hạn, thay vì gọi món qua thực đơn bằng giấy, mỗi bàn sẽ có một máy tính bảng để khách hàng chọn món. Khâu thanh toán cũng được khuyến khích thực hiện bằng phương thức trực tuyến. Các chuỗi cửa hàng lấy liên lạc của khách để đảm bảo liên lạc nhanh nhất khi có vấn đề xảy ra.

Đó là những bước đầu tiên mà Golden Gate đã làm khi dịch bệnh xuất hiện ở Việt Nam để khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm. Các quy định này đến nay vẫn được duy trì mặc dù có những thời điểm Việt Nam được cho là đã bước sang giai đoạn hậu đại dịch.

“Việc đưa ra các quyết sách có liên kết thông tin chung với toàn xã hội rất quan trọng”, lãnh đạo Golden Gate nhận định trong chương trình “CX FIRECHAT 01: F&B và CX – Sự chuyển mình trong một bình thường mới”.

Giải bài toán kinh doanh

Khách hàng chọn món và thanh toán bằng công nghệ tại Kiosk của nhà hàng.

Trong một sự kiện về trải nghiệm khách hàng diễn ra hồi năm ngoái, ông Đào Thế Vinh, Chủ tịch Golden Gate từng chia sẻ, dịch bệnh là cơ hội để doanh nghiệp tập trung phát triển công nghệ cho mảng trực tuyến vốn đã bị trì hoãn trong thời gian dài.

Đại dịch Covid-19 đã khiến xu hướng mua hàng trực tuyến tăng mạnh. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, Golden Gate đã đẩy mạnh các dịch vụ giao hàng tới tận tay khách hàng.

Chỉ trong mười ngày, hãng này đã xây dựng và vận hành được trang web bán hàng trực tuyến như Siêu thị nướng, Siêu thị lẩu, GDelivery, ICook…

Trong đó, Siêu thị lẩu chuyên dành cho các tín đồ ẩm thực yêu lẩu với các thương hiệu như Manwah, Kichi, Hutong, Ashima. G-Delivery là hình thức giao hàng các món ăn được chế biến sẵn đúng chuẩn hương vị và tiêu chuẩn nhà hàng của GoGi, Cowboy Jack’s, iSushi, Daruma, Yutang… Còn Icook là dòng sản phẩm sơ chế, cấp đông và đóng gói của chuỗi nhà hàng Sumo Yakiniku, Kichi Kichi, Ashima, GoGi,..

Nhân viên được đào tạo để thích ứng với sự chuyển đổi này, đảm bảo mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách. Khi sản phẩm được giao đến khách hàng, một chiếc thank you note (mẩu giấy nhỏ ghi lời cảm ơn) được nhân viên chuẩn bị để gửi tới khách hàng. Nhiều khách hàng đã cảm thấy hài lòng và có những bình luận rất tích cực.

Theo ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc khối vận hành của Tập đoàn Golden Gate, chính sự thay đổi này đã giúp các chuỗi cửa hàng của Golden Gate có được doanh số để duy trì hoạt động trong thời Covid khi doanh thu của nhiều doanh nghiệp khác đã về con số 0.

Dòng sản phẩm của các chuỗi cửa hàng Golden Gate được khách hàng đón nhận do có thể mua tích trữ lâu dài tại nhà, hạn chế tối đa số lần phải ra ngoài mua đồ ăn trong những thời điểm nhạy cảm.

Nền tảng giao hàng G-Delivery là giải pháp công nghệ phục vụ kinh doanh trực tuyến của Golden Gate.

Golden Gate áp dụng chính sách trả tiền cho khách trong vòng 2 tiếng nếu giao hàng chậm, sản phẩm không như mong muốn… cho dù khách đặt trực tiếp qua hãng hay qua các đơn vị giao hàng đối tác. Mặc dù có những thời điểm gặp khó khăn rất lớn về mặt tài chính nhưng Golden Gate vẫn cho các đơn vị giao hàng ứng tiền để có thể lập tức trả tiền cho khách nếu có vấn đề phát sinh.

Bên cạnh G-Delivery, Icook là sản phẩm của Golden Gate đóng gói và phân phối rộng rãi trên các hệ thống siêu thị như Big C, VinMart. Đây là dòng sản phẩm sơ chế, cấp đông và đóng gói của chuỗi nhà hàng Sumo Yakiniku, Kichi Kichi, Ashima, GoGi House,..

Với mạng lưới phân phối toàn miền Bắc, khách hàng có thể mua sản phẩm tại các hệ thống siêu thị như Vinmart+, Vinmart và đặt hàng dễ dàng trên các sàn TMĐT Tiki, VinID, ShopeeFood, GrabMart, Lazada.

“Càng khó khăn thì càng lấy khách hàng làm trung tâm. Một khách hàng lúc khó bằng hàng ngàn khách lúc bình thường”, ông Vinh chia sẻ.

Ông Hoàng Quốc Khánh, Giám đốc khối vận hành của Tập đoàn Golden Gate.

Vào cuối tháng 12/2020, Golden Gate là thương hiệu duy nhất trong ngành dịch vụ F&B lọt nhóm 50 thương hiệu dẫn đầu năm 2020 do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn. Năm 2020 đi qua với những tác động nặng nề tới mô hình nhà hàng truyền thống, nhưng gián tiếp tạo ra cơ hội để Golden Gate nhìn lại và tập trung vào những giá trị cốt lõi.

Doanh thu nửa đầu năm 2021 của Golden Gate tăng 12%. Lãnh đạo Golden Gate cho biết vẫn đang tiếp tục đầu tư đồng bộ cả về quy mô nhân sự, chiến lược kinh doanh, bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa vận hành.