Tin nổi bật

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, làm việc với VCCI và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam nhân Kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10

1:10 chiều | 07/10/2021

VHDN.VN Chiều 7/10, tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, làm việc với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam và kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ngày càng phát triển vững mạnh, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp gỡ VCCI và đại diện giới doanh nhân.

Chia sẻ lý do để tổ chức buổi gặp gỡ hôm nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, cách đây 17 năm, Thủ tướng Phan Văn Khải đã quyết định lấy 13/10 là ngày doanh nhân Việt Nam.

“Chỉ còn ít ngày nữa là tới ngày quan trọng này. Trên thực tế, đội ngũ doanh nhân Việt Nam luôn là đội ngũ xung kích và đi đầu trong công cuộc phát triển đất nước, đây là nhiệm vụ quan trọng của đội ngũ doanh nhân.

Cách đây 10 năm, Bộ Chính trị đã ban hành nghị quyết 09 ngày 9/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và VCCI.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, hiện nay Bộ Chính trị yêu cầu tổng kết nghị quyết quan trọng này. “Chúng ta tổng kết để tìm ra các quyết sách mới để trình Bộ Chính trị để có thể ban hành một Nghị quyết mới hoặc là một quyết sách mới để có thể có thể tiếp tục thực hiện Nghị quyết quan trọng này về đội ngũ doanh nhân Việt Nam”.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, Hội nghị Trung ương lần 4 vừa mới kết thúc sáng nay với 2 nhóm nhiệm vụ quan trọng là phát triển kinh tế xã hội năm nay và kế hoạch cho 3 năm tới với nhiều quyết sách quan trọng.

Quốc hội cũng đang chuẩn bị cho kỳ họp thứ 2 được dự kiến sẽ được khai mạc vào ngày 20/11 năm nay. Tuần sau, Quốc hội cũng sẽ có phiên họp thứ ba để chuẩn bị cho kỳ họp quan trọng này.

Trong bối cảnh đó, theo Chủ tịch Quốc hội hiện nay còn một số việc lớn liên quan đến phát triển kinh tế xã hội.

Theo đó, ở kỳ họp Quốc hội lần tới, Quốc hội sẽ xem xét nhiều dự án luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp như Dự thảo Luật Điện ảnh, Dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm.

Cũng tại kỳ họp lần này, Quốc hội cũng lắng nghe các quyết sách lớn về kinh tế xã hội trong đó có việc đánh gúa tác động của COVID-19 tới việc làm sinh kế người dân và tình hình hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.

“Những vấn đề quan trọng đó rất cần tới tiếng nói, sự góp ý của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Trong thực tế, ở lần sửa các đạo luật quan trọng này, chúng ta đã rất lắng nghe rất nhiều ý kiến doanh nghiệp và trong mọi quyết sách của Quốc hội, Quốc hội luôn đặt người dân và doanh nghiệp vào vị trí trung tâm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, để chuẩn bị cho kỳ họp cuối năm, tuần tới Quốc hội sẽ có buổi làm việc quan trọng với Uỷ ban Tài chính, Uỷ ban Ngân sách ngân sách của Quốc hội để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. “Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam là đơn vị sẽ được đặt hàng nhiều ý kiến quan trọng cho các vấn đề này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

VCCI là tổ chức đại diện quốc gia của cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam. Thời gian qua, VCCI đã có nhiều hoạt động hỗ trợ phát triển cộng đồng doanh nghiệp và góp phần xây dựng môi trường kinh doanh; tham gia trực tiếp vào việc soạn thảo, góp ý xây dựng và hoàn thiện nhiều dự thảo văn bản pháp luật; đồng thời, tổ chức hàng trăm hội nghị, hội thảo về xây dựng pháp luật, chính sách.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh: cần lấy COVID-19 làm động lực thực hiện đột phá trong xây dựng và hoàn thiện thể chế phù hợp với điều kiện “bình thường mới”.

Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng thông tin về thực trạng phát triển doanh nghiệp, chất lượng tăng trưởng doanh nghiệp Việt Nam; tình hình doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 và những khó khăn, vướng mắc…

Tính đến thời điểm 31/12/2020, cả nước có 811.538 doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế. Trong bối cảnh dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do: vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất bị gián đoạn; chi phí đầu vào, phí vận chuyển tăng cao dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, đội chi phí giá thành sản xuất; khó khăn về lao động và nhập cảnh cho chuyên gia; dòng tiền của doanh nghiệp bị thiếu hụt nghiêm trọng…

Trong giai đoạn hiện nay, VCCI đã tập trung nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch. Vừa qua, VCCI đã thành lập Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp ứng phó COVID-19 để kết nối các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cùng hợp sức trong cuộc chiến chống COVID-19.

Tham gia thảo luận tại buổi gặp mặt, đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp các tỉnh, thành phố đã nêu lên một số khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; đề xuất các kiến nghị liên quan đến môi trường chính sách, pháp luật nhằm tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, bày tỏ quyết tâm cao sẽ nỗ lực vượt khó, chung sức đưa kinh tế đất nước phát triển trong thời gian tới.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động kinh doanh của BIDV cũng đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại những khu vực thực hiện giãn cách xã hội, cũng như phải triển khai các hoạt động phòng chống dịch, vừa đảm bảo an toàn, sức khỏe đời sống của người lao động, song song với việc duy trì kinh doanh liên tục để đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV khẳng định: để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều biện pháp cụ thể, thiết thực.

Mặc dù vậy, để tiếp tục nâng cao các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và ngành ngân hàng nói riêng có thể nhanh chóng quay lại hoạt động kinh doanh, ông Lâm đã kiến nghị Quốc hội xem xét, chỉnh sửa, bổ sung Luật giao dịch điện tử, để bổ sung thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005. Ông Lâm cho biết, qua thực tiễn hơn 15 năm thực hiện Luật Giao dịch điện tử đã cho thấy tồn tại một số bất cập cần sửa đổi bổ sung, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0 và xu hướng số hóa mạnh mẽ của các ngân hàng, doanh nghiệp hiện nay còn nhiều điểm chưa phù hợp.

Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may 29/3 (Đà Nẵng) cho biết, từ hơn 2 tháng nay, Công ty đã triển khai phương án sản xuất “3 tại chỗ” nhằm bảo đảm tiến độ đơn hàng cho các đối tác quan trọng ở Mỹ và châu Âu.

“Hiện nay, nhu cầu về các sản phẩm đồ bảo hộ y tế, áo quần thể thao từ các thị trường Mỹ, châu Âu tăng mạnh. Chúng tôi duy trì hoạt động sản xuất trong thời điểm này không chỉ vì doanh thu, mà còn vì uy tín của doanh nghiệp trên thương trường”, ông Chính nói.

Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dệt may 29-3 (Đà Nẵng).

Theo ông Chính, nếu vì dịch bệnh mà dừng sản xuất, doanh nghiệp sẽ mất bạn hàng vào tay đối tác khác và sẽ bị đánh bật khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu mà doanh nghiệp đã rất nỗ lực để tham gia.

Cũng theo quan điểm của ông Chính, hiện tại doanh nghiệp đang rất khó khăn trong việc thực hiện 3 tại chỗ. Để doanh nghiệp được tiếp tục an toàn sản xuất trong bối cảnh hiện tại, ông Chính đề xuất để các công nhân làm việc tại các nhà máy được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch thường trực hội đồng ngân hàng TMCP Đông Nam Á Seabank cho biết, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, vì vậy nền kinh tế cần có một hệ thống ngân hàng vững mạnh, cung cấp đầy đủ nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, vừa phải thu hút nguồn lực khác như nhận tiền gửi từ người dân, tổ chức và cũng vừa cung cấp vốn cho doanh nghiệp hoạt động, song phải cân bằng đảm bảo dự phòng bắt buộc, để kiểm soát rủi ro trong hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó chủ tịch thường trực hội đồng ngân hàng TMCP Đông Nam Á Seabank.

Theo bà Nguyễn Thị Nga, trong giai đoạn phục hồi sau COVID-19, các chính sách hành lang pháp lý sẽ cần có những điều chỉnh, để phù hợp với tình hình thực tại. Vì vậy, nữ doanh nhân cũng đã đề xuất một số kiến nghị liên quan đến hoàn thiện môi trường pháp lý, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực tài chính ngân hàng như:

Thứ nhất, việc nghiên cứu xây dựng luật giao dịch điện tử thay thế hoặc sửa đổi bổ sung luật giao dịch điện tử từ năm 2005, để tạo cơ sở pháp lý cho các Bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan là công tác cần được quan tâm và đẩy nhanh tiến độ. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiến hành ra soát, sửa đổi bổ sung việc chấp nhận phương thức giao dịch điện tử, trong các Thông tư liên quan đến nghiệp vụ ngân hàng nói chung, từ đó xây dựng hành lang pháp lý 1uan trọng giúp các ngân hàng hoàn thiện mục tiêu chuyển đổi số định hướng đến năm 2030.

Thứ hai, về quản lý ngoại hối, cần nghiên cứu điều chỉnh pháp lệnh ngoại hối liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài, theo hướng không phân biệt đầu tư gián tiếp và trực tiếp như quy định tại luật đầu tư. Đồng thời định hướng quản lý phù hợp với các giao dịch ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

Thứ ba, về hoạt động xử lý nợ xấu thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về xử lý nợ xấu, qua đó đã tạo được hành lang pháp lý trong việc xử lý nợ, nhằm hỗ trợ cả ngân hàng và khách hàng. Tuy nhiên, Nghị quyết 42 năm 2017 sẽ hết hiệu lực vào ngày 15/8/2022, vì vậy cần nghiên cứu ban hành văn bản gia hạn.

Thứ tư, về phạm vi hoạt động của tổ chức tín dụng, đề xuất bổ sung vào luật các tổ chức tín dụng hoặc có văn bản hướng dẫn chi tiết, để mở rộng hoạt động như nghiệp vụ đại lý có liên quan đến hoạt động ngân hàng, đại lý quản lý tài sản, hoạt động tư vấn hồ sơ phát hành trái phiếu doanh nghiệp,..

Thứ năm, hỗ trợ chính phát triển chính sách tiền tệ ổn định trong và sau giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo sát sao cùng những chính sách kịp thời của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã tích cực tham gia hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần giữ vững ổn định thị trường tài chính. Tuy nhiên, rất mong Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đưa ra chính sách định hướng cho các tổ chức tín dụng, để hỗ trợ đúng, đủ các đối tượng thực sự bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Thứ sáu, về hoạt động kinh doanh bất động sản, đặc thù cần có hành lang pháp lý cho việc quản lý các bất động sản từ chủ đầu tư dự án, để các tổ chức tín dụng có cơ sở cấp tín dụng với các dự án này. Bên cạnh đó, có cơ sở nhận được các tài sản làm tài sản đảm bảo.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho biết, Hiệp hội rất tán thành đề nghị của Chính phủ đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội:

“Luật Đất đai 2013 đã giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhưng sau 07 năm thực hiện cũng đã bộc lộ các hạn chế, “bất cập” cần được xem xét sửa đổi, do có những vấn đề “mới” phát sinh từ thực tiễn của nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự quản lý của Nhà nước, đồng thời do yêu cầu phải đáp ứng các “chuẩn mực” quốc tế trong điều kiện nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu”, ông Châu nhấn mạnh.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại diện các doanh nghiệp và nêu rõ, trong nhiều năm qua, doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhanh về số lượng, tăng về quy mô, nhiều doanh nghiệp đã tạo dựng được thương hiệu và uy tín; đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân luôn là lực lượng chủ chốt, đóng vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH.

Chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các doanh nghiệp đã thực hiện tốt mục tiêu kép, “chiến đấu” kiên cường với dịch COVID-19 để duy trì sản xuất, kinh doanh.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội luôn tạo mọi điều kiện, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để doanh nghiệp phát triển và có cơ hội bứt phá.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp thích ứng an toàn với dịch bệnh, khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh.

VCCI tổng hợp đầy đủ ý kiến góp ý của các doanh nghiệp để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bộ, ngành liên quan xem xét; hiến kế về chiến lược phát triển doanh nghiệp và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế nói chung, đặc biệt là chính sách về tài khoá, tiền tệ; nghiên cứu về xu hướng kinh doanh thời hậu COVID-19, cách tận dụng cơ hội trong bối cảnh dịch bệnh…

Nhân kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, Chủ tịch Quốc hội gửi tới cộng đồng doanh nhân lời chúc mừng tốt đẹp nhất và gửi gắm kỳ vọng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ngày càng phát triển vững mạnh, đóng góp nhiều hơn vào sự nghiệp phát triển đất nước.

                                                                    HOÀI NGUYÊN