Nhân vật

Chúc mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3: Thạc sĩ Nguyễn Thị Phú Châu – Văn hóa là để phát triển toàn diện con người

12:07 chiều | 04/03/2022

(VHDN) – Trải qua 22 năm gắn bó và cống hiến cho ngành giáo dục mầm non, Thạc sĩ, cô giáo Nguyễn Thị Phú Châu đã cùng những cộng sự của mình tạo nên những thành tích đáng tự hào cho tập thể và cá nhân trong suốt những năm công tác. Nét văn hóa riêng của ngôi trường Mầm Non Sóc Nâu – Quận Gò Vấp với những giá trị giáo dục và giá trị con người chuẩn mực đã thể hiện nên điều đó.

               Thạc sĩ Nguyễn Thị Phú Châu – Hiệu trưởng Trường Mầm non Sóc Nâu.

 Từng chứng kiến cảnh người ta mang con đi cho vì nghèo khó nên khát khao được chăm sóc trẻ thơ, mang tình yêu trọn vẹn đến cho các em, cô giáo Phú Châu đã trải qua rất nhiều nỗ lực và khó khăn để đứng vững với nghề. Cô đã đến với môi trường giáo dục mầm non tại Trường Cao Đẳng Sư Phạm TW3, rồi tiếp tục học Đại học và Thạc sĩ. Đã có những lúc vì nghèo khó mà cô có suy nghĩ phải bỏ dạy để tìm công việc khác, nhưng nhìn người mẹ tảo tần sớm hôm, vất vả một mình nuôi cô ăn học, một động lực lớn khiến cô tiếp tục vượt khó, chăm chỉ hơn với nghề từ dạy thêm, nhận đưa đón các bé bằng xe đạp, làm phụ thêm ngoài giờ dịp cuối tuần… Và những nỗ lực ấy đã giúp cô đứng vững với nghề trong suốt 22 năm qua.

Từng bước cô đã gặt hái được những thành tựu cho mình với thành tích Giáo viên dạy giỏi; Chiến sĩ thi đua cấp Quận, cấp Thành phố; được nhận Bằng khen của Thành phố; là Khối trưởng, Bí thư chi Đoàn, Phó hiệu trưởng. Hiện nay, cô đang là Hiệu trưởng của Trường Mầm non Sóc Nâu (Phường 12, Quận Gò Vấp). Khi cô mới tiếp quản, trường đang xây dang dở với rất nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất thiếu thốn, giáo viên còn mới mẻ và thiếu kinh nghiệm… Nhưng chỉ trong 1 tháng, cô đã cùng hai Phó Hiệu trưởng và các cộng sự khánh thành ngôi trường mới khang trang với đầy đủ cơ sở vật chất, sạch, đẹp và an toàn để đón các bé. Đến nay, trường đã được nhận quyết định của Sở GD&ĐT đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 3, liên tiếp 03 năm liền đạt cờ thi đua và đạt Bằng khen cấp Thành phố… Sắp tới sẽ nhận quyết định trường chuẩn quốc gia dự kiến mức độ 2.

Chia sẻ với Văn hóa Doanh nhân, cô Châu đưa ra quan điểm: “Văn hóa trong giáo dục là nhằm phát triển toàn diện con người với 5 lĩnh lực: thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm – kỹ năng xã hội, thẩm mỹ với sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa gia đình, nhà trường và xã hội, hoàn thiện nhân cách con người nhằm xây dựng một đất nước văn minh, giàu mạnh”. Cô cùng tập thể giáo viên và nhân viên của nhà trường đã xây dựng nên môi trường học tập cho các bé một cách hiệu quả, chất lượng về thể chất lẫn tinh thần. Các bé đón nhận được những tình yêu thương, giúp các con có những bài học đầu đời được phát triển một cách toàn diện.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Phú Châu cho rằng, văn hóa kinh doanh không tách rời môi trường kinh doanh. Môi trường giáo dục cũng vậy, không nằm ngoài là hệ thống văn hóa các giá trị, các chuẩn mực, các quan niệm và hành vi do nhà trường tạo ra trong quá trình dạy và học của trẻ, được thể hiện trong cách ứng xử của đội ngũ giáo viên nhà trường với các yếu tố của xã hội, môi trường tự nhiên.

Theo cô, các nhân tố cấu thành văn hóa kinh doanh gồm: triết lí kinh doanh, văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh và ứng xử kinh doanh. Thì đối với nhà trường, đó chính là sự giao kết giữa nhà trường và gia đình, nhà trường và xã hội, nhân cách và đạo đức của người làm giáo dục. Điều đó tạo nên một nét truyền thống văn hóa riêng của nhà trường được thể hiện trong cách nuôi dạy trẻ, tư duy trong các nội dung bài giảng của đội ngũ giáo viên nhà trường để đảm bảo cho trẻ phát triển toàn diện trong giai đoạn đầu đời – giai đoạn quan trọng nhất để hình thành nhân cách của trẻ.

Rồi COVID-19 đã biến Sài Gòn sống trong những ngày tang thương và ảm đạm, cô giáo Châu đã cùng tập thể nhà trường tích cực đóng góp trong công tác chống dịch. Các bé khi không được đến trường, không được học bằng những giáo cụ và đồ chơi… nhà trường đã rất nỗ lực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin phối hợp với phụ huynh dạy trẻ tại nhà qua các phần mềm Goole Meet bằng máy tính, smartphone, truyền tải thông tin của nhà trường qua trang web, facebook, zalo group… của trường, đặc biệt vừa qua nhà trường đã thực hiện Ngân hàng giáo dục với 7 nội dung vô cùng hữu ích nhằm phối hợp với cha mẹ dạy trẻ, tương tác với trẻ tại nhà, trong đó có rất nhiều nội dung hướng dẫn các con học tập, vui chơi theo từng giai đoạn, thời gian, lứa tuổi qua những đoạn clip của giáo viên được xây dựng rất phong phú, đa dạng, hữu ích…phối hợp theo dõi sức khỏe tại nhà cho trẻ.

Bên cạnh đó, nhà trường rất tích cực trong công tác hỗ trợ tuyến đầu chống dịch như: tham gia nấu ăn cho các y bác sĩ, công an, bộ đội, những lực lượng trực chốt là 300 xuất ăn/ngày trong thời gian giãn cách xã hội; làm điểm xét nghiệm và phát tiền hỗ trợ cho một số khu phố trên địa bàn phường 12, điểm cư trú cho các cán bộ công an, bộ đội trong khi làm nhiệm vụ. Hỗ trợ các điểm tiêm lưu động và phối hợp với phụ huynh cung cấp 31 chiếc xe đạp cho tuyến đầu thuận tiện di chuyển. Không chỉ tiên phong trong các hoạt động tập thể mà cá nhân chị đã tự nguyện hỗ trợ một phần kinh phí cá nhân, phối hợp với 02 Phó Hiệu trưởng, một số giáo viên, nhân viên nhà trường, phụ huynh, bạn bè phát nhu yếu phẩm, tặng quà… trên địa bàn phường, và khu vực lân cận.

Dịch đã đi qua, những giọt nước mắt hạnh phúc của các cô khi được trở lại trường và đón nhận các em thơ. Trẻ chưa được tiêm phòng vaccine, đây là điều đáng lo ngại nhất. Nhưng nhà trường đã tích cực chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác phòng chống dịch, vệ sinh an toàn, đầy đủ trang thiết bị vật tư y tế theo quy định và xây dựng phương án ứng phó trong tình hình mới. Cùng với đó, nhà trường phải trang bị khẩu trang, đồ bảo hộ khi xử lý tình huống, máy oxi, nước xịt khuẩn tay, xà phòng, nước tẩy, cloramin B, máy đo độ, máy phun khữ khuẩn trường, lớp, que test… kinh phí cho công tác này thường xuyên là rất lớn.

Khi được hỏi về mục tiêu trong thời gian tới, cô Châu cho biết, được sự động viên và quan tâm kịp thời của các cấp lãnh đạo, nhà trường sẽ tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý và trang thiết bị thiết yếu. “Cá nhân tôi với vai trò là người lãnh đạo, sẽ luôn chủ động năm bắt các văn bản mới, hướng dẫn và chỉ đạo từ các cấp để triển khai kịp thời. Nghiêm túc thực hiện 5K, đồng thời vẫn duy trì hiệu quả công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tốt, thay đổi phương pháp, hình thức giáo dục phù hợp với tình hình dịch bệnh. Kịp thời động viên đội ngũ GV-CB-NV nhà trường bình tĩnh, lạc quan, chủ động với những tình huống phức tạp có thể xảy ra.” – Cô giáo Phú Châu chia sẻ.

                                                                                                                  Như Quân