VHDN – Đây chính là điểm nhấn của sự kiện “Chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa, tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA – VOIEF 2020”. Sự kiện do Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đồng tổ chức sáng 28/7 diễn ra tại Hà Nội.
Theo Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã triển khai thương mại điện tử nhằm hỗ trợ xuất nhập khẩu theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C). Xét trên phạm vi toàn cầu, thương mại điện tử xuyên biên giới tăng trưởng rất nhanh và trở thành xu thế nổi bật của thương mại điện tử trong những năm gần đây.
Sự kiện VOIEF-2020 là hoạt động thiết thực nhằm thực hiện Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 và Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngay trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua.
Gần 500 doanh nghiệp tham dự sự kiện và hàng chục ngàn người tham dự trực tuyến để nắm bắt giải pháp chuyển đổi số với xuất nhập khẩu
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – EU (EVFTA) đã chính thức được ký kết, mở ra cánh cửa mới và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng. Theo đó, EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực đối với hàng hóa của Việt Nam thuộc 85,6% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
“Trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin từ rất sớm để cải cách thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Quá trình chuyển đổi số hay điện tử hoá trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đã góp phần làm giảm khối lượng công việc và hồ sơ giấy phải lưu tại cơ quan, tổ chức xử lý thủ tục hành chính. Nhờ vậy, góp phần tăng chất lượng dịch vụ công và thời gian để giải quyết các hồ sơ của các thủ tục hành chính. Lợi ích to lớn của chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào hoạt động thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức,từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại Diễn đàn
Theo đó, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Vai trò chính trong chuyển đổi số đối với việc tận dụng cơ hội mà EVFTA mang lại, chính là việc cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam một nền tảng số để có thể tiếp cận thị trường EU một cách hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây”.
Giữa đà tăng trưởng mạnh mẽ đó, đại dịch Covid-19 đã và đang tác động nặng nề tới kinh tế – xã hội toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Trước diễn biến tình hình mới còn nhiều phức tạp nhưng Việt Nam nổi lên là một trong những nước hàng đầu phòng chống dịch hiệu quả và nhanh chóng khôi phục sản xuất kinh doanh. Cụ thể, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 238 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2020 ước tính thặng dư hơn 4 tỷ USD.
Cũng tại Diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI đã có bài phát biểu và khẳng định: “Chuyển đổi số là một khái niệm bao trùm hơn nhưng rất gần gũi với khái niệm khá phổ biến mà chúng ta hay nhắc tới là thương mại điện tử. Thương mại điện tử và cấp độ cao hơn là số hóa các hoạt động xuất nhập khẩu, là cuộc cách mạng vĩ đại trong hoạt động kinh doanh quốc tế”.
Ts. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: “Đây là phép thử đối với các doanh nghiệp Việt Nam, xem có dám thay đổi, dám bứt phá hay không”
Ts. Vũ Tiến Lộc cho rằng, kinh tế số có khả năng đơn giản hoá thị trường toàn cầu, giống như chợ quê. Đây là một xu thế bắt buộc trong dòng chảy kinh tế toàn cầu, trong kỷ nguyên số. Điều này tạo ra cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với tất cả các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, trong giai đoạn COVID-19, người dân đã trở nên phụ thuộc lớn vào thị trường trực tuyến, ví dụ như: làm việc trực tuyến, học trực tuyến, họp trực tuyến, mua hàng trực tuyến, yêu trực tuyến. Do vậy, đòi hỏi chúng ta phải thay đổi. Mặc dù là lĩnh vực công nghệ, nhưng chuyển đổi số thành công hay thất bại lại không chủ yếu phụ thuộc vào công nghệ mà phụ thuộc chủ yếu vào quyết tâm chính trị, thể chế quốc gia. Do đó, Chính phủ cần tạo ra một hệ thống thể chế hiện đại, với các quy định pháp luật, có kỹ năng để tạo được hệ sinh thái cho thương mại điện tử, cho nền kinh tế số.
Ts. Vũ Tiến Lộc cho rằng trách nghiệm của doanh nghiệp là phải đổi mới mô hình kinh doanh, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, các Hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA lần đầu tiên có chương về thương mại điện tử, và nhấn mạnh đến những cam kết của Chính phủ đối với việc thực hiện những chính sách ưu đãi đối với chuyển đổi số, bao gồm việc không thu thuế đối với việc truyền dẫn số sang biên giới. “Hành trình chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay cần một mệnh lệnh và hành động như Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Chỉ bẳng cách đó Việt Nam mới có thể vượt lên và thay đổi mình trong nền kinh tế thế giới” – TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Đại diện các đơn vị tham gia chương trình VOIEF-2020
Sự kiện đã quy tụ nhiều chuyên gia, diễn giả có uy tín trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và thương mại điện tử cũng như công nghệ số. Trong đó có câu chuyện thành công khi xuất khẩu trực tuyến (B2B) trên nền tảng Alibaba hay bán lẻ trực tuyến qua biên giới (B2C) trên nền tảng Amazon là bài học chung cho các doanh nghiệp Việt Nam; hay bài trình bày của đại diện từ hai nền tảng số hàng đầu thế giới là Facebook và Google đã cung cấp thông tin về tiềm năng khai thác các nền tảng này cho kinh doanh xuất nhập khẩu; Cùng nhiều diễn giả uy tín từ các tổ chức trong và ngoài nước như Bộ Công Thương (Cục TMĐT&KTS, Cục XNK, Cục XTTM), Tổng cục Hải quan, Amazon, Hội Tin học, Liên hiệp các Hội doanh nghiệp Việt Nam ở châu Âu, VLA, USABC, VESA, MBBank, FPT, Hapro, ACCESSTRADE, Fado, OSB…
Vũ Đào