Tin nổi bật

Cốt lõi trong kinh doanh là đạo đức

4:29 sáng | 18/11/2022

VHDN – Ở một cấp độ cơ bản nhất, đạo đức kinh doanh không chỉ là sự khác biệt giữa đúng và sai mà còn là ứng dụng kiến ​​thức thực tế vào kinh doanh. Ở khía cạnh cá nhân, lãnh đạo doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về các hành vi đạo đức của bản thân. Ở quy mô tổ chức, cái giá phải trả cho các hành vi phi đạo đức là rất cao, từ pháp lý, hình ảnh… đến danh tiếng thương hiệu.

Đưa đạo đức vào hoạt động thực tiễn

Chủ đề đạo đức kinh doanh đã được tranh luận rất nhiều trong thế giới kinh doanh ngày nay và là một chủ đề thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới truyền thông. Nhiều cá nhân và tổ chức đã và đang nghiên cứu tìm ra cách thức nhằm tích hợp các hành vi đạo đức vào hoạt động thực tiễn doanh nghiệp. Doanh nghiệp ngày nay đối mặt với nhiều thách thức bên trong lẫn bên ngoài. Ngoài các yếu tố như tiếp cận các tiến bộ công nghệ, cạnh tranh trên thị trường, tác động của toàn cầu hoá…doanh nghiệp phải lo toan các vấn đề nội bộ như điều chỉnh sứ mệnh, nhiệm vụ, chiến lược, tầm nhìn và cả văn hoá tổ chức phục vụ mục tiêu phát triển kinh doanh. Vai trò lãnh đạo là rất phức tạp, lãnh đạo doanh nghiệp phải tích hợp các nguyên tắc đạo đức vào chính sách phát triển doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI, Phạm Tấn Công phát biểu tại cuộc họp báo giới thiệu về các hoạt động kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam, trong đó nổi bật là Lễ tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022, tiêu chí đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh lần đầu tiên được áp dụng trong quá trình bình chọn.

Phát triển kinh doanh chính là tạo nên giá trị lâu dài từ khách hàng, thị trường đến các mối quan hệ. Vì thế, doanh nghiệp cần quan tâm đến đạo đức kinh doanh trên hành trình phát triển của mình. Yêu cầu ngày càng tăng từ khách hàng trong thời đại kỹ thuật số đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm kiếm các giải pháp kinh doanh mang tính đạo đức cao hơn và không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Nhiều vụ việc liên quan đến các hành vi kinh doanh sai trái đã được các phương tiện truyền thông phanh phui. Bản thân các doanh nghiệp cũng đã nhận thức được vấn đề đạo đức trong hoạt động kinh doanh.

Hành xử trung thực

Kinh doanh mang đến đóng góp lớn cho xã hội, tạo ra sản phẩm và dịch vụ, tạo công ăn việc làm, đóng thuế…và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sự đóng góp này có làm nảy sinh các vấn đề đạo đức đối với xã hội đương đại hay không vẫn còn là một dấu hỏi. Cốt lõi trong kinh doanh nên là đạo đức bởi nó liên quan đến nhiều bên khác nhau. Khi doanh nghiệp theo đuổi con đường kinh doanh dựa trên đạo đức, cộng đồng chắc chắn sẽ đáp lại họ – một sự hỗ trợ vô giá dẫn đến sự thành công của doanh nghiệp. Con đường kinh doanh dựa trên đạo đức có thể hiện thực hoá thông qua các sự kiện cộng đồng, đóng góp tiền cho các tổ chức từ thiện nơi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, hỗ trợ cộng đồng địa phương hay một cách đơn giản khác là hành xử một cách trung thực trong mối quan hệ với các doanh nghiệp khác.

Các hành vi sai trái trong kinh doanh, vốn thu hút sự quan tâm của giới truyền thông – có thể gây ảnh hưởng lớn đến cá nhân, cộng đồng và cả bản thân môi trường. Doanh nghiệp cần nhận thức rõ nguyên nhân và hậu quả của những hành vi kinh doanh sai trái. Một điều rất rõ ràng là đạo đức kinh doanh không chỉ ngày càng trở nên quan trọng, mà nó còn mang đến kiến thức, kỹ năng cần thiết để doanh nghiệp hiểu sâu hơn về xã hội hiện đại.

Thông qua hành vi đạo đức, doanh nghiệp có thể tăng doanh số bán hàng và cả tên tuổi của mình. Hầu hết các doanh nghiệp không chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận, thành công trong dài hạn, mà cần phải hành xử đúng mực trong các mối quan hệ với khách hàng, nhân viên, nhà đầu tư, cộng đồng và xã hội. Để phát triển bền vững, ở từng cấp độ khác nhau, nhân viên phải cam kết thực hiện các tiêu chuẩn đạo đức của doanh nghiệp, người đứng đầu doanh nghiệp phải xác định rõ và truyền đạt các yếu tố và tiêu chuẩn này cho từng nhân viên, nêu rõ hậu quả sẽ như thế nào nếu nhân viên không đáp ứng các kỳ vọng này.

Duy trì danh tiếng và các mối quan hệ

Nếu chính sách phúc lợi tốt giúp doanh nghiệp thu hút được nhân tài, thì đạo đức kinh doanh là nền tảng để doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm đúng cách đối với nhân viên. Việc này giúp nhân viên cải thiện năng suất làm việc cũng như khuyến khích họ cam kết lâu dài với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đạo đức kinh doanh cũng đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng, khách hàng sẽ tin tưởng vào các sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp đưa ra. Quan trọng hơn, đạo đức kinh doanh còn giúp duy trì danh tiếng của doanh nghiệp với giới đầu tư, thu hút được nhiều đối tác bởi các nhà đầu tư đều tìm kiếm sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh của đối tác mà họ mong muốn đầu tư.

Công chúng kỳ vọng rằng doanh nghiệp nên thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến đạo đức và môi trường bởi nó ảnh hưởng trực tiếp và nghiêm trọng đến lợi ích chung của xã hội hiện đại ngày nay. Dư luận cũng mong mỏi doanh nghiệp làm ăn phát đạt, thành công cả về tài chính, đạo đức, công bằng xã hội và phát triển bền vững. Tạo ra một hệ thống các nguyên tắc đạo đức hợp lý trong hoạt động kinh doanh là nền tảng để doanh nghiệp đưa hoạt động kinh doanh phát triển bền vững cùng sự tiến bộ chung của nhân loại. Đạo đức luôn đặc biệt quan trọng trong hành trình phát triển và thịnh vượng của doanh nghiệp nói riêng và quốc gia nói chung.

Kịp thời và cần thiết

Ở Việt Nam, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của doanh nhân, doanh nghiệp qua các thời kỳ lịch sử, đặc biệt là sau khi Luật Doanh nghiệp được ban hành, văn hóa kinh doanh Việt Nam từng bước đ¬ược hình thành, phát triển, đóng góp tích cực vào việc giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, nâng cao trách nhiệm xã hội, hạn chế những mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, giúp doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam xích lại gần nhau hơn.

Dù đại đa số doanh nhân hiện nay đều nêu cao tinh thần làm ăn chân chính, phát huy tính sáng tạo trong hoạt động kinh doanh, góp phần hiện thựcc hoá khát vọng vươn lên, tuy nhiên, vẫn còn một số ít chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn gây ảnh hưởng đến hình ảnh doanh nhân Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề ra nhiệm vụ: “Tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hoá kinh doanh”, từ đó xác định xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam là một trong ba đột phá chiến lược của VCCI trong nhiệm kỳ.

 Ngày 19/5/2022, VCCI đã công bố 6 Quy tắc Đạo đức Doanh nhân Việt Nam và phát động thực hiện trong cộng đồng doanh nhân toàn quốc. Đây là hành động rất quan trọng, kịp thời và cần thiết cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trước tình hình kinh tế – chính trị trong nước và quốc tế. 6 Quy tắc đạo đức này đang hàng ngày, hàng giờ được thực hiện, được vun đắp trong đội ngũ các doanh nhân Việt Nam. Đó là những giá trị cốt lõi xây dựng văn hoá kinh doanh và đảm bảo sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cũng như đảm bảo sự phát triển bền vững của kinh tế, xã hội.

Ngày 11/10/2022, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học bàn về đạo đức doanh nhân. Đây cũng là lần đầu tiên, vấn đề đạo đức doanh nhân được VCCI chọn làm chủ đề hội thảo khoa học để các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa, đại diện cộng đồng doanh nhân… cùng bàn thảo sâu sắc về vấn đề này. Qua hội thảo khoa học này, VCCI sẽ cụ thể hóa tiêu chí cụ thể để nhận diện và đánh giá về đạo đức doanh nhân, dựa trên 6 quy tắc đạo đức doanh nhân, gồm: tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; tuân thủ pháp luật; minh bạch, công bằng và liêm chính; sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; tôn trọng bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường; yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết: Trong văn hóa kinh doanh có 3 tầng gắn với 3 chủ thể chính là: doanh nhân, doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam cần bắt đầu xây dựng từ con người doanh nhân, trong đó đạo đức là gốc, là nền tảng.

Top 10 Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu nhất năm 2022 là những doanh nhân không chỉ giỏi về chiến lược kinh doanh mà còn có đạo đức và văn hóa kinh doanh.

6 Quy tắc Đạo đức Doanh nhân Việt Nam thể hiện rõ vai trò của VCCI – tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam – trong việc kêu gọi cộng đồng doanh nhân cả nước phát huy tinh thần dân tộc, văn hoá kinh doanh và trách nhiệm xã hội, tăng cường sự ủng hộ của xã hội đối với đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp. Đây được xem là bước đi cần thiết và kịp thời của VCCI.

Đặc biệt, trong Lễ kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10/2022, lần đầu tiên VCCI đã Tôn vinh Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022, 60 doanh nhân được Tôn vinh trong chương trình phải trải qua quá trình đề cử, xét duyệt vô cùng nghiêm ngặt theo 6 Quy tắc Đạo đức Doanh nhân. Đây cũng là điểm mới trong xét duyệt Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm nay. Huy hiệu năm nay cũng mang biểu trưng đặc biệt với 6 cánh vươn cao, biểu tượng cho 6 quy tắc đạo đức doanh nhân.

“Chúng tôi muốn hướng đến mục tiêu thông qua vinh danh các tấm gương doanh nhân tiêu biểu để xây dựng cộng đồng doanh nhân Việt Nam vừa giỏi kinh doanh, vừa có đạo đức, văn hóa kinh doanh mẫu mực, có tinh thần dân tộc, phát triển bền vững”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công khẳng định.

Đức Quân

Doanh nghiệp ở bất kỳ quy mô nào, nếu không có các tiêu chuẩn đạo đức sẽ không vượt qua được các thách thức về thời gian, khách hàng và bối cảnh thị trường. Sự thịnh vượng và phát triển ổn định của doanh nghiệp đều dựa vào trụ cột đạo đức kinh doanh. Phúc lợi xã hội là một phần không thể thiếu trong cấu trúc xã hội, do đó, doanh nghiệp khó có thể lường trước được sự tồn tại của chính mình mà không được xã hội chấp nhận. Để tồn tại trong một môi trường cạnh tranh gay gắt ở một thế giới hiện đại ngày nay, việc coi trọng yếu tố đạo đức kinh doanh là cốt lõi.