Tin nổi bật

ĐẠI HỘI VCCI LẦN THỨ VII: 9 giải pháp hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

9:49 sáng | 01/01/2022

DIENDANDOANHNGHIEP.VN Từ hạn chế về việc nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ đã đề xuất 9 giải pháp trọng tâm nhằm phát triển ngành trong tương lai.

Tầm nhìn dài hạn

Phát biểu tại tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc VCCI Lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội (HANSIBA) và Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, với giá trị lớn lao của 35 năm đổi mới đã mang lại cho người dân Việt Nam, Đất nước Việt Nam trong đó có cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam mà có nhắm mắt lại ước mơ cũng khó có thể hình dung ra được của thời kỳ bao cấp phải ăn bo bo, gạo kém chất lượng…

“Cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã từng nói “rồi tới đây Người dân Việt Nam, nhà nhà đều có tivi, tủ lạnh”, đó phải chăng là động viên, là “Hịch tướng sĩ” để Người dân Việt Nam nói chung, cộng đồng Doanh nghiệp nói riêng là chiến sĩ thời bình, đoàn kết tìm cách vươn lên trong sản xuất kinh doanh để làm giàu cho đất nước, cho mọi người dân ấm no – hạnh phúc và phồn vinh” – ông Hoàng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hoàng, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hà Nội (HANSIBA) và Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI)

Để tiếp nối 35 năm đổi mới, tại Đại hội Đảng lần thứ 13 vừa qua, Đảng – Nhà nước đã đề ra rất rõ một số mục tiêu, tầm nhìn cụ thể: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trong bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Theo ông Hoàng, để thực hiện mục tiêu trên, chúng ta sẽ cần có lần thứ 2 nâng tầm cao đổi mới. Đặc biệt là việc bùng phát Đại dịch COVID-19 làm cả Thế giới, trong đó có Việt Nam sẽ đặt ra yêu cầu chúng ta phải linh hoạt, thích ứng an toàn để thực hiện thành công kế hoạch, định hướng đã đặt ra và thực hiện để hoàn thành mục tiêu Dân giàu – Nước mạnh – Dân chủ – Công bằng – Văn minh mà mọi người dân Việt Nam đều mong muốn.

Tại Đại hội lần thứ VII của phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lần này, với việc cộng đồng Doanh nghiệp Việt Nam góp phần quan trọng để phát triển kinh tế xã hội Việt Nam, sớm đưa nước ta trở thành nước Công nghiệp – Tiên tiến – Hiện đại, cộng đồng Doanh nghiệp Công nghiệp Việt Nam nói chung, ngành CNHT Việt Nam nói riêng xin được báo cáo tới Chính phủ – Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan một số nội dung về việc góp phần phát triển ngành CNHT, ngành Công nghiệp Việt Nam như sau:

Thứ nhất, hiện cộng đồng Doanh nghiệp ngành Công nghiệp hỗ trợ có khoảng gần 500 Doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hộ gia đình tham gia sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Theo mục tiêu tại Nghị quyết 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 về CNHT, đến năm 2025 Việt Nam sẽ có khoảng 1.000 Doanh nghiệp CNHT và đến năm 2030 có khoảng 2.000 Doanh nghiệp CNHT đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, trên thị trường nội địa chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Các Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đang hết sức cố gắng vươn lên để có thể chiếm lĩnh được thị phần rất tiềm năng, còn bỏ ngỏ này, hiện hàng năm nước ta đang nhập khẩu hàng ngàn linh phụ kiện các ngành công nghiệp lên tới hàng chục tỷ USD/năm.

Thứ hai, việc triển khai hóa định hướng chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển các lĩnh vực thuộc ngành CNHT là nhiệm vụ hết sức đúng đắn, chính xác và phù hợp với mong muốn của doanh nghiệp bởi chính sự thiếu hụt các ngành CNHT của Doanh nghiệp chính là “thị phần bỏ ngỏ” đầy tiềm năng tại thị trường Việt Nam và từ đó có thể “len chân” vào thị phần chế biến – chế tạo CNHT của thế giới.

Từ hạn chế về việc nội địa hóa các sản phẩm CNHT dẫn tới khối lượng linh phụ kiện nhập khẩu hàng năm về Việt Nam lắp ráp, chế tạo, sản xuất để xuất khẩu lên đến hàng chục tỷ USD (riêng sản phẩm linh kiện nhập khẩu thuộc ngành Điện tử và Ô tô vào khoảng 35-50 tỷ USD). Đặc biệt, Việt Nam chỉ có khoảng 0.2% trong tổng số gần 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia vào sản xuất chế tạo trong ngành CNHT. Đây thực sự là con số đáng báo động khi so sánh với cộng đồng doanh nghiệp CNHT tại một số nước ngay trong khối ASEAN.

“Trong nhiều nhiệm kỳ qua của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã được tiếp nhận các chính sách hỗ trợ, sự chỉ đạo cụ thể, định hướng con đường kinh tế thị trường XHCN cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thực hiện. Tại nhiệm kỳ hiện nay 2021-2025, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đã được Chính phủ – Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm và đã chỉ ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, giúp đỡ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh covid để sản xuất kinh doanh phục hồi phát triển kinh tế trong giai đoạn tới và tầm nhìn 2030-2045”, ông Hoàng nhấn mạnh.