Thương hiệu nổi tiếng

ĐẮK LẮK: Điểm đến của tín đồ cà phê toàn cầu

9:30 sáng | 22/03/2019

“Chính quyền địa phương cần tăng cường thời lượng đối thoại với doanh nghiệp, doanh nghiệp cần chủ động trao đổi, phản ánh”, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị khẳng định trong buổi phỏng vấn với Tạp chí VHDN. Đỗ Thi thực hiện.

 

Xin Ông cho biết một số kết quả kinh tế quan trọng của Đắk Lắk trong giai đoạn 2016-2018?

Sau 3 năm (2016-2018), kinh tế-xã hội của tỉnh vẫn duy trì phát triển ổn định về cả quy mô và chất lượng. Tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 7,8%/năm, giảm dần tỷ trọng nông-lâm-thuỷ sản, tăng dần tỷ trọng công nghiệp-xây dựng-dịch vụ.

Năm 2018, giá trị tổng sản phẩm tăng gấp 1,3 lần so với năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,1 triệu đồng/người (so với 32,7 triệu năm 2015), đóng góp ngân sách 5.882 tỷ đồng (vượt kế hoạch 5 năm). Tổng giá trị xuất khẩu trong 3 năm đạt 1.725 triệu USD, nhập khẩu đạt 138.4 triệu USD. Tỉnh hiện có 8.264 doanh nghiệp đang hoạt động (năm 2015 là 1.813).

Về công tác thu hút đầu tư, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, góp phần tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống người dân.

Ngoài ra, chúng tôi chú trọng khai thác tốt hơn tiềm năng lợi, thế của tỉnh, hoàn thiện bộ máy cán bộ, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), giữ vững trật tự và an toàn xã hội…

Đắk Lắk đã thực hiện giải pháp gì để đạt được các kết quả trên, thưa Ông?

Trước hết, chúng tôi tập trung công tác tái cơ cấu các ngành kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tập trung vào các ngành có lợi thế và sản phẩm mũi nhọn nhằm đảo bảo tăng trưởng bền vững.

Tiếp đến, tỉnh đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, tăng cườg thu hút đầu tư, thực hiện tốt các chính sách của Trung ương và đại phương hỗ trợ các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh ngiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh.

Một giải pháp quan trọng khác là thu hút đầu tư vốn ngoài ngân sách vào các công trình trọng điểm, tăng cường bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và ứng phó biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ngoài ra, chúng tiến hành đổi mới và sắp xếp bộ máy chính trị tinh gọn và hiệu quả; đổi mới công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị công lập, triển khai hiệu quả cơ chế một cửa tại cơ quan hành hình nhà nước ở địa phương.

Theo Ông, Đắk Lắk đã làm thế nào để đạt hiệu quả cao trong công tác đối thoại doanh nghiệp?

Chúng tôi thực hiện công tác này dưới nhiều hình thức khác nhau như hội nghị đối thoại doanh nghiệp (định kỳ 2 lần/năm); ngày thứ Năm doanh nghiệp (vào thứ Năm hàng tuần); Cà phê doanh nhân – doanh nghiệp (sáng thứ Ba hàng tuần); Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời (định kỳ 01 lần/tháng).

Năm 2018, Sở Nội vụ đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Đắk Lắk tổ chức phát sóng được 11 số Chương trình “Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời”. Định kỳ thứ 5 hàng tuần, lãnh đạo UBND tỉnh cùng lãnh đạo các Sở, ngành trong tỉnh tổ chức làm việc với doanh nghiệp, nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho gần 30 dự án đầu tư. Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp năm 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và các Sở, ngành, đơn vị giải quyết cho 41 ý kiến phản ánh khó khăn, vướng mắc của 17 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhìn chung, các hoạt động này đã mang lại hiệu quả tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.

Theo tôi, để công tác đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp thực sự đạt hiệu quả thì phía chính quyền địa phương cần tăng thời lượng đối thoại với doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần chủ đồng trao đổi, phản ánh với các cơ quan quản lý nhà nước để được giải quyết kịp thời.

Ngoài ra, vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân và các tổ chức đại diện doanh nghiệp cần được nâng lên, góp phần đưa tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp đến với các cấp, ngành; đảm bảo doanh nghiệp tham gia góp ý kiến đối với 100% các văn bản quy định cơ chế, chính sách của tỉnh.

Theo ông, các Lễ hội văn hoá mà đặc biệt là Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột có vai trò như thế nào đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh?

Được mệnh danh là “Thủ phủ cà phê của Việt Nam”, sản phẩm cà phê luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 với chủ đề “Tinh hoa đại ngàn” có vai trò quan trọng bởi đây là cơ hội cho người trồng cà phê, doanh ngiệp và nhà đầu tư gặp gỡ, giao lưu, trao đổi thương mại và xúc tiến đầu tư. Lễ hội cũng là dịp đề tỉnh giới thiệu hình ảnh, tiềm năng và thế mạnh của mình, tăng cường xúc tiến mời gọi đầu tư vào Đắk Lắk nói chung và xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực chế biến cà phê nói riêng. Ngoài ra, lễ hội cũng giúp tỉnh kêu gọi đầu tư vào phát triển sản phẩm nông nghiệp và du lịch.

Ông nhận định nhu thế nào về tính lan toả và hiệu quả của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột sau 6 lần tổ chức? Đâu là điểm khác biệt của Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2019?

Có thể nói Lễ hội đã giúp khẳng định vị thế của cà phê Đắk Lắk nói riêng và vị trí quan trọng của ngành hàng cà phê Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới; tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê; động viên cộng đồng cùng chung tay vun đắp cho sự phát triển của ngành cà phê.

Điểm nổi bật của Lễ hội lần này là chúng tôi chú trọng quảng bá phát triển cà phê đặc sản Việt Nam, từng bước đưa Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk trở thành điểm đến của cà phê Thế giới.

Về nội dụng, lễ hội năm nay có nhiều điểm đặc sắc hơn như lần đầu tiên tổ chức Cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam; khai trương “Đường sách Cà phê Buôn Ma Thuột”; triển lãm lịch sử Cà phê thế giới tại Bảo tàng Thế giới Cà phê (Bảo tàng chuyên ngành cà phê lớn nhất thế giới)… Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê – niềm tự hào của người dân Đắk Lắk, sẽ xuất hiện trong vai trò là Đại sứ Truyền thông của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách và nhân dân những cảm nhận sâu sắc về tinh hoa cà phê Buôn Ma Thuột, về bản sắc văn hóa, tình cảm và sự hiếu khách của các dân tộc Tây Nguyên; cũng như ước mong kết nối Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk với thế giới với vị trí là điểm đến của những người yêu cà phê trên toàn cầu./.

PV