Cà Mau

Đánh thức tiềm năng Du lịch Cà Mau

2:34 sáng | 10/04/2020

Theo kế hoạch phát triển du lịch đến 2020 và định hướng đến 2030, Cà Mau đặt mục tiêu trở thành điểm đến du lịch uy tín, hấp dẫn với sức cạnh tranh cao; xây dựng sản phẩm và loại hình du lịch mang thương hiệu quốc gia.

Khẳng định vai trò quan trọng của du lịch

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh, Cà Mau sẽ tập trung triển khai thực hiện các quy hoạch bảo tồn, phát triển khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Mũi Cà Mau; KDL sinh thái Vườn quốc gia U Minh hạ, phát triển du lịch Cụm đảo Hòn Khoai, Hòn Đá Bạc, Bãi Khai Long; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật cần thiết cho ngành du lịch vận hành và phát triển với xu thế chung của khu vực và cả nước; trong đó tập trung bảo vệ và tôn tạo tài nguyên môi trường và những giá trị văn hóa – sinh thái đặc thù của tỉnh.

Cùng với đó là Kế hoạch số 50-KH/TU thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND ngày 14/4/2017 thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy… qua đó cho thấy Cà Mau luôn khẳng định vai trò quan trọng của du lịch đối với sự phát triển của tỉnh.

Phát triển mô hình sinh thái cộng đồng

Cà Mau xác định du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch tập trung phát triển bền vững trở thành loại hình du lịch mũi nhọn, gắn việc khai thác, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng với hoạt động du lịch. Toàn tỉnh hiện có 4 KDL (Khai Long, Đất Mũi, Hòn Đá Bạc và Sông Trẹm); 14 điểm du lịch sinh thái, cộng đồng đã và đang khai thác phát huy hiệu quả lợi thế tiềm năng, gắn với văn hóa bản địa, nâng cao thu nhập, đảm bảo sinh kế của người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Một số điểm cộng đồng được hình thành mới như: du lịch cộng đồng tại Đất Mũi, điểm dừng chân Tư Tỵ (Ngọc Hiển); Vườn chim Tư Sự (Thới Bình); Tám Ngoắc, Mười Hiệu (TP Cà Mau),… Đến nay, du lịch cộng đồng Cà Mau đã tăng lên 12 điểm so với thời điểm mới xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng vào năm 2013 (04 điểm).

Mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng được người dân quan tâm, đã tạo ra cơ hội việc làm góp phần bảo vệ phát triển rừng, bảo vệ môi trường thiên nhiên; giải quyết gần 80% hộ dân sinh sống ở khu vực bằng cách phục vụ gián tiếp sản xuất các sản vật đặc sản chất lượng tại địa phương cung cấp cho các hộ làm du lịch phục vụ du khách rất hiệu quả. Một số đặc sản tiêu biểu như: tôm khô, cá khô bổi, khô khoai, bánh phồng tôm, bánh tráng mực, chuối sấy, mắm,… đã thu hút được du khách.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 58 khách sạn với 2.137 phòng, những cơ sở lưu trú đã được xếp hạng vẫn giữ vững được chất lượng, quan tâm nâng cấp trang thiết bị, tiện nghi phục vụ, đào tạo lao động để nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở lưu trú hiện chỉ tập trung tại TP Cà Mau, số khách sạn đạt từ 03 sao trở lên (03 khách sạn 3 sao và 01 khách sạn 4 sao) còn ít so với nhu cầu du lịch đang phát triển nhanh.

Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu

Bên cạnh các thuận lợi đang có thì Cà Mau cũng là tỉnh chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, thường xuyên hứng chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan như: giông, lốc xoáy, bão và áp thấp nhiệt đới. Đặc biệt tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển rất phức tạp, xảy ra ở mức độ nghiêm trọng và thường xuyên, nhiều đoạn sạt lở, làm thiệt hại đến kết cấu hạ tầng giao thông, đê, kè tại các khu, điểm du lịch. Trước tình hình biến đổi khí hậu hiện nay, Sở VHTT&DL tỉnh đã chủ trì và phối hợp tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông, kè ngầm tạo bãi chống xói lở bờ biển tại Khu Công viên Văn hóa – Du lịch Mũi Cà Mau, KDL Khai Long với tổng số vốn gần 200 tỷ đồng, đồng thời cũng đã thực hiện lồng ghép các vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng vào các nội dung quy hoạch qua một số dự án đang triển khai.

Ngoài ra, với mục tiêu phát triển du lịch sinh thái cộng đồng và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học, tỉnh đã đưa vào đầu tư và khai thác tuyến tham quan du lịch xuyên rừng tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau gồm 4 tuyến đặc trưng với 4 lộ trình khác nhau; đi qua các điểm như Kênh Rạch Mũi, tham quan điểm nuôi hàu lồng – Kênh Rạch Vàm, điểm dừng chân bãi bồi phía Tây, trải nghiệm dịch vụ tại các điểm du lịch cộng đồng…

Tăng cường liên kết và hợp tác

Cà Mau đã thực hiện nhiều hoạt động liên kết, hợp tác tốt đối với các tỉnh, thành trong cụm phía Tây ĐBSCL, một số tỉnh Tây Nguyên, Tp.HCM và Hà Nội để kết nối phát triển sản phẩm du lịch, kết nối lữ hành, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch tại các kỳ hội chợ triển lãm du lịch quốc tế, tổ chức các đoàn Farmtrip, Presstrip,… Đặc biệt, mở rộng quan hệ hợp tác phát triển du lịch với tỉnh Trát (Thái Lan) và tỉnh Khăm Muộn (Lào) thông qua việc ký kết bản ghi nhớ hợp tác.

Theo Sở VHTT&DL tỉnh, công tác kêu gọi thu hút đầu tư du lịch thời gian qua nhìn chung còn hạn chế, chưa thu hút được các dự án du lịch trọng điểm làm động lực để phát triển du lịch, tỉnh hiện chưa có chính sách ưu đãi cụ thể trong đầu tư du lịch. Nhiều dự án được triển khai mời gọi nhưng các doanh nghiệp còn do dự đầu tư do cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, quỹ đất dành cho du lịch còn hạn chế. Hiện tại, tỉnh đang nghiên cứu xây dựng, dự kiến trong năm 2020 sẽ ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đây sẽ là tiền đề để thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng cùng chung tay giúp du lịch Cà Mau sớm phát triển trong thời gian tới.

Anh Thi