Tin nổi bật

Đảo đá Long Châu: Trái tim cho đảo đèn mãi sáng

1:55 sáng | 18/05/2022

(VHDN) – Chúng tôi đến Long Châu một sáng tháng 3, trời vẫn lạnh căm căm và mịt mùng sương trắng. Hơi lạnh giăng kín quanh đảo, sền sệt, kéo từng đợt gió biển phần phật đập vào lá Quốc kỳ khổ lớn treo hiên ngang trên đỉnh cao nhất của dãy núi tai mèo. Anh trạm trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dáng cao lênh khênh, dậy tự bao giờ, đang se sẽ múc từng xô nước ngọt quý giá đổ vào một chậu nhựa nhỏ, nhìn tôi cười thân mật: “Nước cho ra chậu sẽ bớt lạnh hơn. Ở đây sáng sớm và về đêm rất lạnh, sợ mọi người chưa quen”.

Tự vệ đảo đèn Long Châu Anh hùng -1972

Anh Hùng, người thị trấn Quất Lâm, 50 tuổi, trải qua 4 trạm đèn biển trước khi chính thức về trực gác ngọn hải đăng Long Châu vào năm 2004. Với hơn 20 năm bám đảo, mỗi viên đá ở đây đều in từng dấu bước chân anh. Vừa dẫn tôi leo đủ 131 bậc thang gỗ xoáy trôn ốc lên đỉnh ngọn hải đăng, anh Hùng vừa tự hào giới thiệu về quê hương thứ hai của mình.

Anh Hùng và các công nhân trên đảo (ngồi hàng đầu góc tay phải)

Giữa thân đèn hun hút như một ống khói khổng lồ, giọng người trạm trưởng vang vang, nồng vị biển. Anh kể, những người gác đèn như anh đều thuộc biên chế của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc (Hải Phòng). Trên đảo thường chỉ có 8 người công nhân điều hành ngọn hải đăng còn 4 người của trạm Biên phòng Long Châu. Đảo không có người dân sinh sống, chỉ có ngư dân làm nghề biển về cư trú tại vịnh Long Châu khoảng 25 người. Cuộc sống trên đảo rất khó khăn, thiếu nhất là rau xanh và nước ngọt. Vì là đảo đá vôi 100% nên không có đất để trồng rau xanh. Muốn trồng được rau xanh thì người của Tổng công ty ở đất liền sẽ gửi đất ra, và chúng tôi cho đất vào hốc đá vôi để trồng. Nước ngọt dùng hàng ngày chỉ trông chờ vào nguồn nước mưa hàng năm. Thời tiết quanh năm rất khắc nghiệt, nhất là vào thời điểm mùa hè và mùa đông, mùa hè thì bị ảnh hưởng của gió mùa tây nam, mùa đông thì bị ảnh hưởng của gió mùa đông bắc. Vượt qua mọi khó khăn, những người công nhân bảo đảm hàng hải ở Long Châu luôn đoàn kết gắn bó, phát huy truyền thống cha anh luôn luôn yêu ngành, yêu nghề, dành hết cả tuổi thanh xuân cống hiến cho công việc bảo đảm hàng hải mà họ đã chọn. Tuổi thanh xuân ở đây có những chàng trai 35 tuổi vẫn chưa có vợ vì làm việc ở đảo xa, điều kiện về đất liền thì rất khó khăn cứ 3 tháng làm việc liên tục ở đảo mới về nghỉ phép một lần.

Quần đảo đá Long Châu

Trong 18 năm công tác ở đảo Long Châu anh Hùng có rất nhiều kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời làm trong ngành bảo đảm hàng hải. Đó là vào năm 2004, khi mới ra nhận công tác, trong một tuần sét đánh vào hải đăng Long Châu 3 lần liên tiếp, những tiếng sét như tiếng bom B52 làm hỏng hết các thiết bị báo hiệu hàng hải. Anh em trạm không khắc phục được sự cố, phải điện về tổng công ty và xí nghiệp cho tàu vận chuyển các thiết bị ra thay thế khẩn cấp để kịp thời khắc phục và cho hoạt động ngay. Vừa thay thế vừa sửa chữa xong được một ngày thì hôm sau sét lại đánh tiếp, tàu vừa về đất liền lại phải quay đầu trở lại đảo. Anh em trạm Long Châu thì cứ luôn chân luôn tay, hết đi lên tháp đèn lại đi xuống để kiểm tra và khắc phục sự cố sét đánh.

Bình minh trên đảo Long Châu

“Cuộc sống bộn bề khó khăn nên chúng tôi đoàn kết với nhau lắm. Tất cả vì một mục đích sao cho đèn luôn sáng, biển đảo quê hương luôn yên bình”, anh Hùng hồ hởi chia sẻ.

Chỉ một loáng chúng tôi đã leo lên đỉnh cao nhất của ngọn hải đăng Long Châu. Đó là một kiến trúc hình vòm độc đáo với những ô kính cường lực bao quanh. Ở đúng tâm của căn phòng là tổ hợp các chóa đèn phẳng, to như tấm phản với chi chít những bóng đèn nhỏ, được gọi tim đèn. Theo giới thiệu, ngay từ thời được người Pháp xây dựng vào năm 1894 đến nay, gần 130 năm đã trôi qua, nhưng chưa một đêm nào những ngọn đèn này ngừng chiếu sáng bởi nhiệm vụ của hải đăng Long Châu là vô cùng quan trọng với cảng biển Bắc Bộ. “Từ xa nhìn lại, ngọn đèn sừng sững như tháp bút khổng lồ viết lên trời xanh, cao 110 m và hiệu lực chiếu sáng xa tới 27 hải lý, rất đẹp nên được dân biển gọi là mắt ngọc Long Châu. Những ngày trời quang mây tạnh, tàu biển cách xa Long Châu tới 50km vẫn nhìn thấy ánh sáng phát ra từ đảo”, anh Hùng tự hào cho biết.

Mắt Ngọc Long Châu sừng sững giữa biển Đông – Ảnh Vũ Dũng

Từ đỉnh ngọn đèn nhìn xuống, quần đảo Long Châu từa tựa như một khóm sỏi đá tuyệt đẹp nằm vương vãi trong một chậu cảnh khổng lồ mà trong đó đảo Long Châu và ngọn hải đăng chính là điểm nhấn. Cả quần đảo đều được cấu tạo từ 100% đá tai mèo trơ xám, hao hao dáng vẻ và cũng khắc nghiệt như thung lũng đá Hà Giang, cách cảng Hải Phòng khoảng 100 km về hướng chính Đông. Vì thuần núi đá nên ở nơi đây không có nước ngọt, cây cối cũng khó sống. Họa hoằn lắm có một vài cây cỏ có sức sống mãnh liệt lắm mới cựa mình len đá mà trồi lên được.

Chính vì lẽ đó, nước trên đảo rất quý hiếm. Mùa mưa, các cán bộ chiến sĩ phải tìm đủ cách tích nước. Mùa khô, anh em lại phải vượt dốc dài, xuống bến tàu mua từng can nước ngọt của dân chài với giá cao. Nước tắm rửa xong phải giữ lại để tưới rau, những luống rau được trồng trên 20 khối đất được chính các công dân của đảo chở ra từ đất liền rồi nhọc nhằn gùi qua quãng đường đá hơn 2.000 m để lên tới đỉnh núi.

Mắt Ngọc Biển Đông

Ba đặc sản ở đảo đá

Ở đảo Long Châu này, mỗi đơn vị còn nuôi thêm một vài chú chó rất tinh khôn. Chúng được huấn luyện để sát cánh cùng con người chống chọi lại 3 “đặc sản” nơi đây: Rắn dưới đất, dê trên núi và sét trên trời.

Trạm Biên phòng Long Châu

Với những người lần đầu ra đảo Long Châu, rắn rết là nỗi kinh hoàng lớn nhất. Rắn có khắp mọi nơi, toàn rắn độc, trong đó có rắn lục, rắn nâu và rắn xanh. Rắn chui trong chăn, rắn ngủ với người và rắn thậm chí làm tổ trong chiếc giày của các cán bộ chiến sĩ trên đảo. Trong mấy ngày công tác trên đảo, chúng tôi được dặn là ban đêm, dù vội đến đâu thì cũng phải soi đèn trước khi bước ra khỏi giường để tránh rắn cắn. Và tôi cũng là người duy nhất trong đoàn Nhà báo đi thực tế công tác tại Long Châu lần này trúng “độc đắc” của đảo. Sáng ngủ dậy, không biết từ đâu ra là một chú rết xanh lè dài gần 20 cm, to đùng nằm ngay giữa chiếc áo mà tôi vừa cho tay vào mặc. Trời! Cảm giác lúc đó tôi tưởng mình chắc chỉ có nước chết ngay khi bị con rết to nhường kia cắn. Anh Hùng chỉ cười trấn an: “Yên tâm rắn cắn thì mới chết người, còn rết cắn, khỏe lắm!”.

Trạm hải đăng Long Châu

Đặc sản thứ hai của Long Châu là sét. Vào mùa mưa, sét ở đây ít nơi nào sánh được. Trong cơn mưa, bầu trời Long Châu liên tục bị xé nát bằng những tia chớp và tiếng sét liên hồi nổ rền như bom tấn.

Đặc sản nữa tại Long Châu chính là dê núi. Các nhà ẩm thực sành sỏi phong cho sơn dương nơi đây vào hàng đệ nhất An Nam, vượt trên cả dê núi Ninh Bình. Mỗi lần có khách quý đến thăm đảo, những cư dân Long Châu bắt đầu bầy binh bố trận, giăng lưới rồi cùng các chú chó của mình đi bắt dê. Được biết, tổng số dê trên đảo có khoảng 20 con, sống hoang dã, được chính các thế hệ cán bộ nhân viên gác đảo mang ra nhân giống từ nhiều đời trước.

Biểu tượng của ý chí quật cường

Trên đảo vắng Long Châu còn có ngôi mộ của liệt sỹ Cao Quang Viên được an nghỉ ở vị trí hết sức trang trọng, đầu hướng ra biển Đông, mặt quay thẳng vào chân tháp đèn. Liệt sỹ Viên là cán bộ của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc, được cử ra điều hành đèn biển Long Châu vào những năm giặc Mỹ đánh phá vịnh Bắc Bộ. Vào những năm chiến tranh, hải đăng Long Châu cùng hải đăng Hòn Dáu đóng vai trò tối quan trọng khi dẫn tuyến cho hàng loạt chuyến tàu không số vận tải vũ khí và hàng hóa vào tiền tuyến miền Nam.

Cầu cảng tại Long Châu

Nắm bắt được tầm quan trọng của 2 ngọn hải đăng trên, giặc Mỹ đã điên cuồng bắn phá và trút xuống hai địa điểm trên hàng nghìn tấn bom đạn. Để chống trả lại, liệt sỹ Viên và các cán bộ chiến sĩ nơi đây thành lập tổ tự vệ, quyết tâm sống chết bảo vệ chủ quyền biển đảo cũng như sự sáng liền mạch của ngọn hải đăng. Trong một trận càn vào năm 1967, khi thấy ngọn đèn bị bắn hỏng, liệt sỹ Viên đã xung phong trèo lên đỉnh tháp để sửa chữa. Đúng trong lúc đèn vừa sáng lại, anh cũng bị trúng đạn và mãi mãi ra đi ở tuổi 20.

Tuần tra

Chỉ vào bức tường đá phía đông trên thân đèn bị khoét một mảng lớn, chừng 1m2 anh Hùng xúc động cho biết: “Vết tích của chiến tranh vẫn còn đó. Hàng nghìn tấn bom đạn của giặc thù cũng không thể làm Long Châu gục ngã. Tiếp nối tinh thần cao cả của liệt sỹ Viên, chúng tôi càng thấy thêm tin yêu công việc của mình, quyết tâm bám biển, thắp sáng hải đăng để gìn giữ chủ quyền biển đảo”.

Tôi rời bước về phía cửa thông gió, nhìn trên bức tường đá khắc dòng chữ: “Còn người, còn đảo, trái tim còn nhịp sống”, nghe lời chia sẻ của trạm trưởng Hùng về những hy sinh thầm lặng, ý chí quật cường của công nhân đảo đèn khiến sống mũi tôi cay cay.

Nghỉ giải lao của những người lính biên phòng trên đảo

Từ trên cao phóng tầm mắt ra xung quanh, tôi ngẩn người nhìn vầng dương đỏ lựng chầm chậm nhô lên từ phía chân trời xa xăm. Những tia sáng huy hoàng vạch lên biển lạnh một đường thẳng tắp, rực đỏ. Ánh nắng ấm áp, êm ả xua tan giá buốt của một đêm trường lạnh giá. Ánh nắng rọi vào đầu vào mặt tôi, phản chiếu vào các chóa đèn làm căn phòng càng bừng sáng rực rỡ. Tôi hướng mắt nhìn ra phía biển Đông ngàn trùng sóng dữ, càng thấy yêu Tổ quốc đến quặn lòng…

Đảo đá Long Châu rộng chỉ 1km2, xung quanh toàn đá tai mèo xám xịt nhọn hoắt, chơ vơ giữa bốn bề nước biển lạnh lẽo và thăm thẳm tịnh sâu. Dân số của đảo vỏn vẹn chỉ 12 người, toàn đàn ông, chia làm hai nhóm có nhiệm vụ độc lập: Điều hành ngọn hải đăng Long Châu và kiểm soát biên phòng. Thế nhưng giữa cuộc sống bộn bề gian khó ấy, những người gác đèn vẫn lặng thầm hi sinh tuổi xuân để giữ ngọn đèn biển luôn rực đỏ. Trải dài qua 3 thế kỷ nắng cháy mưa tuôn, chịu đựng hàng ngàn tấn bom đạn của giặc thù điên cuồng bắn phá, đến nay, ngọn hải đăng cổ xưa và lớn nhất Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn, sừng sững đứng giữa đất trời, ngạo nghễ hướng ánh đèn về phía biển Đông dậy sóng…

Ký sự của Thu Hạnh