Doanh nghiệp văn hóa

Diễn đàn “Hồ Chí Minh với văn hóa kinh doanh”: Hồ Chí Minh và Khởi nghiệp

11:37 chiều | 13/05/2024

Hay nói một cách dân dã là Làm ăn kiểu Cụ Hồ!

Khởi sự Làm ăn (hay nói hoa mĩ là Khởi sự kinh doanh) suy cho cùng cũng là hành trình đi tìm một con đường mới để thực hiện những khát vọng của mình. Dù đầy thách thức gian nan, nhưng đáng để chúng ta dấn bước. Bí quyết mở con đường mới, nhiều khi lại có thể tìm được khi chúng ta nhìn vào quá khứ.

Bạn bè đám thế hệ tôi, luôn cãi nhau ỏm tỏi. Hồ Chí Minh là bậc kỳ tài về dựng nước, nhưng liệu Cụ có năng lực kiến thiết đất nước? Đa số cho rằng Cụ xuất thân nhà nho, lại bôn ba sớm, kiến thức kinh tế thiếu nền tảng, chỉ phù hợp cho việc dựng, ko phù hợp cho việc xây. Còn tôi, qua những trải nghiệm cá nhân mình, cho rằng: có lẽ đất nước ta đã không gặp may, không có đủ thời gian hòa bình để Hồ Chí Minh thi thố tài năng kiến thiết.

Tôi được gặp Cụ qua 2 kỷ niệm sâu sắc.

Năm đầu học cấp 3, cách đây cũng đã hơn 40 năm. Không hiểu ai đã dạy tôi 1 bài hát. Rồi tôi đã dạy lại cả lớp tôi bài hát đó. Và bài hát đó đã đi theo chúng tôi đến tận bây giờ mỗi khi lũ chúng tôi gặp nhau, hay mỗi khi tôi đứng trước những thử thách mới. Đó là bài: Nhớ ơn Cụ Hồ Chí Minh của nhạc sĩ Lưu Bách Thụ: “Mong dẹp tan được phường phát xít. Xua sạch tan cuộc đời đói rét/Đem cho ta những ngày tự do. Đầy hạnh phúc cuộc đời ấm no”.

Đầu năm 2002, tôi khi đó đang phụ trách FPTSoftware, sang Mỹ tìm khách hàng thất bại. Cô đơn/bất lực. Tôi lang thang hiệu sách và mua 1 cuốn sách. Đó là cuốn “HoChiMinh A lifeHCM Một cuộc đời” của nhà sử học Mỹ William Duiker. Tôi đã đọc trọn vẹn cuốn sách hơn 600 trang đó và dịch nó ra tiếng Việt. Tôi đã học được rất nhiều bài học từ cuốn sách đó. Và dù chỉ mới luyện được 1/1000 thành công lực mà cũng có thể có được 1 số thành tựu đáng kể.

Giờ trộm nghĩ, nếu võ công này mà vào tay đại cao thủ thì gì chứ Make in Vietnam trong tầm tay. Nên cố gắng tóm tắt lại, để may ra có thể đến tay được người cần đến.

Đại loại có 5 chiêu, môn nào cũng có thể luyện thành tuyệt chiêu.

1.Xác định Mục tiêu: Nhất quán – Dễ hiểu – mà không Tầm thường

Bất kỳ trong tình huống bất ngờ, khó khăn đến đâu, vẫn phải trả lời được câu “bạn muốn gì?” cho sự nghiệp của mình, một cách nhất quán, dễ hiểu mà lại không tầm thường, cảm hứng, cuốn hút.

Khi theo tàu sang Pháp, cậu thanh niên Nguyễn Tất Thành luôn khẳng định muốn “Người Việt Nam phải được hưởng Tự do – Bình đẳng – Bác ái, như người Pháp”. Năm 1941, thành lập Việt Minh, Hồ Chí Minh kêu gọi: “Ai muốn Việt Nam độc lập, đều có thể tham gia Việt Minh”.

Năm 1963, trả lời PV quốc tế về việc chia cắt đất nước, Hồ Chí Minh khẳng định: “Chỉ cần người Mỹ rút khỏi Việt Nam, chúng tôi có thể đàm phán với bất cứ người Việt Nam nào”.

Khi được giao nhiệm vụ thành lập công ty FPTSoftware, tôi lúc đó đã 38 tuổi, không chút kinh nghiệm kinh doanh. Chúng tôi đã sử dụng câu nói của anh Lệ TMA (Nguyễn Hữu Lệ): “Thắp sáng tên Việt Nam trên bản đồ trí tuệ thế giới”, cụ thể hơn nữa là một ngày nào đó Bill Gates sẽ phải họp cùng với chúng tôi tại Redmond về các vấn đề công nghệ toàn cầu. Tất cả mọi quyết định, việc làm đều vì 1 mục tiêu chung đó. Và cuối cùng chúng tôi cũng làm được năm 2007.

2.Hành động có phương pháp: triết lý Ta +phương pháp luận Tây

Khi cần phải tuyên truyền những tư tưởng, Hồ Chí Minh là hình ảnh của ông Đồ quê mùa, truyền đạt chủ nghĩa nhân đạo của Khổng tử (nên nhớ là nhờ các ông đồ này, trước khi bị Pháp nô lệ, 25% người Việt Nam biết chữ Hán). Nhưng khi cần tổ chức, kỷ luật, Hồ Chí Minh sử dụng phương pháp luận của phương Tây. Hãy nghe Cụ trả lời cho sĩ quan tình báo Mỹ Charles Fenn, tại sao Cụ lại sử dụng Marx-Lenin.

Đánh thắng một kẻ thù hùng mạnh như Pháp là một nhiệm vụ bất khả thi nếu không có sự giúp đỡ từ bên ngoài. Sự trợ giúp đó không chỉ bằng vũ khí, mà có thể là các quan hệ, lời khuyên. Người ta không thể giành độc lập bằng cách đánh bom hoặc các hành động tương tự. Các nhà cách mạng tiền bối thường phạm sai lầm này. Cần phải có tổ chức, tuyên truyền, đào tạo và kỷ luật. Cũng cần phải có những niềm tin, cẩm nang, phân tích, thậm chí có thể nói tương tự như Kinh Thánh. Chủ nghĩa Max-Lenin đã cho tôi những khuôn khổ đấy.

Cần phải nhắc lại rằng, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, phương pháp luận của Chủ nghĩa Cộng sản được là một thành tựu của khoa học xã hội thế giới.

Theo bước chân Hồ Chí Minh, ở FPTSoftware, chúng tôi cũng đã tìm thấy một sự kết hợp tuyệt vời giữa tình làng nghĩa xóm của các làng nghề thủ công Việt Nam với phương pháp quản trị chặt chẽ theo tiêu chuẩn CMM của Mỹ. Để ghi nhớ điều đó, khi xây dựng trụ sở của mình tại Hòa Lạc, chúng tôi đã đặt tên là “Làng Nghề Phần mềm FPT”.

3.Học và hành

Học và hành có một mối quan hệ hữu cơ khó tách rời, được Hồ Chí Minh tổng kết như sau:

Thực hành sinh ra hiểu biết

Hiểu biết tiến tới lý luận

Lý luận lãnh đạo thực hành.

Phải lăn vào đời để có kinh nghiệm. Nhưng phải có lý luận để thoát khỏi bẫy kinh nghiệm, tiến tới xây dựng một sự nghiệp lớn hơn.

Hồ Chí Minh trả lời: “Tôi không học Đại học, nhưng cuộc đời đã dạy tôi. Từ lịch sử, quân sự đến triết học” với phóng viên Mỹ năm 1945 hay phát biểu trước nhân dân năm 1961: “Tôi năm nay 71 tuổi, hôm nào cũng học thêm cái mới, việc lớn việc nhỏ vẫn phải làm”.

Trong ngành công nghệ thay đổi liên tục. Muốn tận dụng lợi thế của người đi sau. Bạn phải hành động thật nhanh. Khi gặp các công nghệ mới, bạn không học mà nhận ngay làm, pilot, nhỏ, gọn, làm thật nhanh, đánh lấy kinh nghiệm, rồi đúc kết, tổ chức, hệ thống lại, để tiến tới các dự án to lớn hơn.

4.Tuyên truyền Tập hợp lực lượng

Vũ khí không phải là vấn đề quan trọng nhất của cách mạng. Nếu chúng ta có vũ khí bây giờ, ai sẽ là người cầm vũ khí. Vì vậy chúng ta phải về nước và động viên quần chúng. Khi nhân dân đứng dậy, họ sẽ có vũ khí (Trả lời PV Kiên và Vũ Anh sau ngày 20/6/1940, khi Hồ Chí Minh ra lệnh rời Quế Lâm về Việt Nam).

Trong cuộc đời Hồ Chí Minh đã viết hơn 2000 bài báo với gần 200 bút danh. Từ ngày đầu thành lập Báo Le Paria bên Pháp, rồi về Quảng Châu mở báo Thanh niên, viết Đường Kach mệnh, mở Trường chính trị đặc biệt cho Cách mạng Việt Nam. Trong 2 năm 1925-1927 đào tạo 70 học viên, phát triển thành 1700 thành viên của TNCMDCH.

Năm 1941 Hồ Chí Minh về nước, lập Mặt trận Việt Minh chống Pháp. Năm 1944: đặt tuyên truyền trước giải phóng, khai sinh đội quân huyền thoại. Năm 1961: Thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đoàn kết để thống nhất.

5.Chớp thời cơ, lấy thế thắng lực

Hồ Chí Minh luôn nhận thức sâu sắc được Việt Nam là một nước yếu. Muốn “sánh vai các cường quốc năm châu” phải triệt để lợi dụng THẾ trong sự vận động không ngừng của thế giới.

Tàn cuộc Thế chiến thứ Nhất, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã sử dụng Hội nghị Vecxay để đưa tên tuổi của Nguyễn Ái Quốc tới các tầng lớp tinh hoa của cách mạng châu Âu, thành nguồn cảm hứng cho cách mạng thuộc địa.

Tàn cuộc Thế chiến thứ Hai, Hồ Chí Minh với lực lượng chưa đến 5000 đảng viên, thông qua Việt Minh, tiến hành Cách mạng tháng 8, dành lại chính quyền trong vòng 2 tuần.

Phát biểu tại hội nghị chiến lược ngày 2/10/1961 về đường lối đánh Mỹ: chiến tranh du kích, phát động quần chúng và đặc biệt là dành được sự ủng hộ của dư luận thế giới, đã làm cho nước Mỹ đến giờ vẫn chưa hiểu tại sao họ lại phải từ bỏ Việt Nam.

Tại Fsoft, mỗi khi phải đối mặt với các đối thủ mạnh hơn mình nhiều lần, chúng tôi đều phải kiên trì lợi dụng từng ưu thế nhỏ, đặc biệt là ưu thế của Việt Nam, một đất nước kiên cường nhưng thanh bình. Thông qua những người bạn bản xứ có cảm tình với Việt Nam (mà chúng tôi hãy gọi đùa là ông bác ở trên tỉnh), từng bước thay đổi vị thế. Bằng cách đó chúng tôi đã thuyết phục được các đại gia như Motorola, Sony, GE, Airbus…

Các học giả Quốc tế nói về Hồ Chí Minh

Nhà sử học Mỹ David Halberstam đã viết: “Hồ không chỉ giải phóng dân tộc mình, thay đổi số phận các nước Á, Phi đang rên xiết dưới ách thực dân. Ông còn làm được hơn thế: ông luôn chạm vào văn hóa và lay động tâm hồn của kẻ thù”.

“Nguyễn Ái Quốc không gây ấn tượng từ lần gặp đầu tiên, anh ta chinh phục bằng lòng hào hiệp và sự giản dị”. (Q. Ruth Fischer, một nhà cộng sản gạo cội người Đức, 1924).

Một con người cực kỳ dễ chịu. Nếu tôi phải chọn một tính cách của con người nhỏ bé đó, ngồi trên ngọn đồi trong những cánh rừng già, thì đó chính là sự dịu dàng của ông ta. (trung úy Dan Phelan đại diện OSS năm 1944).

Tổng thống Mỹ Johnson sau này trong hồi ký của mình đã nhìn lại: “Nếu được ngồi tay đôi với “Old Ho”, có lẽ chúng tôi đã có thể thỏa thuận được”.

Áp dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh vào học tập và sản xuất kinh doanh tại FPT

Năm 1999, khi được giao nhiệm vụ thành lập công ty FPTSoftware, tôi lúc đó đã 38 tuổi, không chút kinh nghiệm kinh doanh. Chưa biết tập hợp lực lượng thế nào. Ngẫm nghĩ mãi các loại mục tiêu, cuối cùng vẫn không nghĩ ra được cái gì hay hơn là làm cho “dân công nghệ Việt Nam sánh vai với các cường quốc công nghệ năm Châu”, cụ thể hơn nữa là họp cùng với Bill Gates tại Redmond chẳng hạn.

Về triết lý kinh doanh, chúng tôi kết hợp quan điểm Làng nghề Việt Nam với phương pháp luận CMM về phát triển phần mềm của Trường Đại học Carnegie Melon Mỹ.

Với các công nghệ mới, chúng tôi nhận làm pilot trước, nhỏ, gọn, làm thật nhanh, đánh lấy kinh nghiệm, rồi mới đúc kết thi các loại bằng cấp để tiến tới các dự án lớn hàng chục triệu đô.

Về tuyên truyền, các loại báo tường, thơ ca, bloc (nên nhớ là thời đó chưa có facebook, tất cả các tool đều phải tự chế ra). Có dịp là lên TV, dán các khẩu hiệu công nghệ và hội nhập thế giới quanh tường, trong toilet, ngoài hành lang.

Để tiếp cận các ông lớn, lấy Thế tạo Lực, chúng tôi triệt để lợi dụng ưu thế quốc gia để thuyết phục họ yêu Việt Nam, nhờ vả các ông bác (những cá nhân bản đia, vì những lý do cá nhân, có gắn bó với Việt Nam).

Áp dụng các phương pháp của Hồ Chí Minh khởi nghiệp lần 2 với FUNiX

Giờ đây ngoài 50 tuổi, khởi nghiệp lần 2 với FUNiX, tôi cũng đang cố gắng lặp lại những điều này.

1) FUNiX muốn gì? Muốn học sinh của mình có thể tự học được. Tự học là chìa khóa cho tương lai. FUNiX là môi trường để sv luyện cách tự học.

2) Chúng tôi kết hợp các mentors Việt Nam với guideline của giáo sư Berkeley của Muller và các khóa MOOC.

3) Chúng tôi tâm niệm sinh viên sẽ là người nói cho chúng tôi biết họ cần gì.

4) Phát biểu mọi nơi mọi chỗ, lập trang Giaoduc4.0 trên VnExpress.

5) Hợp tác với các trường Đại học lớn để tạo thế.

Cách đây hơn 10 năm, có một người Mỹ, chủ một quỹ đầu tư ở Việt Nam, xin gặp tôi. Trong bữa ăn, anh ta đã đề nghị với tôi: “tôi biết ông đã áp dụng các phương pháp của Hồ Chí Minh, tôi muốn xin ông một buổi nói chuyện như thế với các chủ doanh nghiệp mà chúng tôi đã đầu tư”. Tôi đã nhận lời. Buổi nói chuyện có khoảng 30-40 bạn trẻ. Các bạn ấy đã rất phấn khích. Nhiều trong số đó đã trở thành các doanh nhân thành đạt hôm nay. Tôi rất vui là đã phần nào đưa được phương pháp Hồ Chí Minh đến cho các bạn đó.

Rất nhiều khi, bí quyết mở con đường mới, con đường dẫn đến tương lai, đã nằm sẵn trong quá khứ. Chỉ cần chúng ta biết trân trọng và tiếp cận nó một cách khoa học.

 Trích tham luận của TS. Nguyễn Thành Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học FPT tại Diễn đàn