Tin nổi bật

Diễn đàn “Tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa kinh doanh”: Văn hóa doanh nghiệp nhịp tim trong thời đại mới

10:28 sáng | 26/05/2024

bất kỳ giai đoạn nào, văn hoá doanh nghiệp được ví như nhịp tim của một tổ chức. Văn hoá doanh nghiệp có sức mạnh vô hình giúp hình thành sức khoẻ và tuổi thọ của một tổ chức. Giống như con người cần nhịp tim để duy trì cuộc sống, nó thường là điểm khác biệt giữa thành công và thất bại trong kinh doanh.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng chủ trì tại Diễn đàn

Không phải đến thời điểm này, văn hoá doanh nghiệp mới được nhắc đến. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dù không trực tiếp nhắc tới văn hoá kinh doanh nhưng qua câu nói: “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”, và Người đã có nhiều bài viết đề cập đến các khía cạnh liên quan đến doanh nghiệp và doanh nhân.

Một lần nữa nhằm đẩy mạnh công tác vận động học tập và làm theo phong cách, đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm Văn hóa Doanh nhân tổ chức Diễn đàn “Tư tưởng Hồ Chí Minh với văn hóa kinh doanh” ngày 14/5 tại Hà Nội. Diễn đàn nhằm thúc đẩy xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, góp phần thúc đẩy văn hoá kinh doanh vì sự phồn vinh và hạnh phúc quốc gia.

Tham dự diễn đàn có Đồng chí Phạm Tấn Công, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Đồng chí Hoàng Quang Phòng, Phó Bí thư Đảng Đoàn, Phó Chủ tịch VCCI. Đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng gần 200 đại biểu là các doanh nhân thuộc các tổng công ty, tập đoàn, ngân hàng thương mại cổ phần…

Văn hoá kinh doanh – đơn giản là làm điều đúng trong dài hạn

Phát biểu tại diễn đàn, Ông Phạm Tấn Công cho biết: “Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định, giới công thương là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và Công thương cứu quốc đoàn – tổ chức của giới doanh nhân là một thành viên của hệ thống chính trị của đất nước – thành viên của mặt trận Việt Minh. Người cũng nhấn mạnh, giới công thương phải đồng hành với dân tộc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng; Người nhắc nhở giới công thương phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ, kịp thời, chớ chây ỳ. Theo Người, muốn trở thành người kinh doanh giỏi phải không ngừng học tập, khổ công rèn luyện, trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức người kinh doanh. Do đó, doanh nhân cần phải có đủ các đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, có tri thức chuyên môn vững vàng, nắm vững pháp luật, sâu sát thực tế, lý trí vững chắc, bản lĩnh kiên cường, tình cảm trong sáng, kết hợp giữa chính trị và khoa học, chấp hành pháp luật, hiểu biết pháp luật, đặc biệt quan tâm tới việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu cửa quyền…

Thật vậy, giữa những biến đổi không lường trước như hiện nay, đã đến lúc suy ngẫm về ý nghĩa của văn hoá doanh nghiệp, những đóng góp của văn hoá doanh nghiệp vào năng suất, hiệu quả và giá trị mang đến cho doanh nghiệp.

Vì sao văn hoá kinh doanh lại quan trọng đối với doanh nghiệp ở mọi giai đoạn phát triển? Nhiều nhà quản lý doanh nghiệp đã thừa nhận rằng, một doanh nghiệp có nền văn hoá mạnh mẽ và một chiến lược yếu kém có thể vượt qua được những khó khăn, nhưng ngược lại thì không thể. Nhiều doanh nghiệp hoạt động không tốt ngay khi có một kế hoạch chiến lược tuyệt vời bởi họ không có một chiến lược truyền thông tốt cho kế hoạch đó. Tuy nhiên, văn hoá kinh doanh thật sự mang lại nhiều điều hơn thế, ngay khi một doanh nghiệp không có một kế hoạch kinh doanh tốt và một chiến lược truyền thông tốt, thì văn hoá kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp đơn giản là đảm bảo doanh nghiệp đó đang thực hiện những điều đúng đắn về lâu dài. Sở hữu một nền văn hoá doanh nghiệp hiệu quả giúp doanh nghiệp tìm ra những mục tiêu chung khi đối mặt với khó khăn, thách thức.

Văn hoá doanh nghiệp luôn thể hiện giá trị bản thân trong hầu hết vòng đời của doanh nghiệp, ngay cả trong giai đoạn phồn vinh hay khó khăn nhất của doanh nghiệp. Đối với một doanh nghiệp mới, văn hoá đóng vai trò dẫn dắt và kết nối những con người có cùng đam mê. Đối với một doanh nghiệp trưởng thành, văn hoá giúp đảm bảo sự hài hoà về lợi ích thực sự của doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp thực sự đã trở thành một phần không thể thiếu trong vòng đời doanh nghiệp.

Thấu hiểu được tầm quan trọng của văn hoá trong kinh doanh, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, VCCI đã xác định xây dựng văn hoá kinh doanh, đạo đức doanh nhân là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm mang tính đột phá chiến lược của nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, VCCI đã triển khai nhiều hoạt động bao gồm: nghiên cứu, xây dựng, công bố và phát động thực hiện 6 Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam nhân dịp sinh nhật Bác ngày 19/05/2022. Sáu quy tắc đạo đức doanh nhân gồm: (1) tạo ra giá trị kinh tế cho xã hội; (2) tuân thủ pháp luật; (3) minh bạch, công bằng, liêm chính; (4) sáng tạo, hợp tác, cùng phát triển; (5) tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường; (6) yêu nước, có trách nhiệm với xã hội và gia đình. Năm 2023, VCCI cũng đã phát động cuộc thi, lựa chọn và công bố ca khúc truyền thống của đội ngũ doanh nhân Việt Nam “Tự hào doanh nhân Việt Nam”; VCCI cũng đã phối hợp với với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức các hội thảo khoa học quốc gia về văn hóa kinh doanh, đạo đức doanh nhân Việt Nam; triển khai thực hiện đề án “Thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam góp phần thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển đến năm 2045”.

Công bằng xã hội – mệnh lệnh chiến lược

Thúc đẩy bình đẳng xã hội tại nơi làm việc không chỉ là nghĩa vụ đạo đức mà còn là mệnh lệnh chiến lược đối với doanh nghiệp. Một nơi làm việc công bằng về mặt xã hội sẽ thúc đẩy văn hóa hòa nhập, đa dạng và tôn trọng lẫn nhau. Nó cho phép các doanh nghiệp thu hút và giữ chân nhân tài hàng đầu, nâng cao sự gắn kết và năng suất của nhân viên, đồng thời cải thiện lòng trung thành của khách hàng và danh tiếng thương hiệu. Hơn nữa, bình đẳng xã hội có thể mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp và xã hội bằng cách giảm bất bình đẳng, tăng tính di động xã hội và thúc đẩy phát triển bền vững.

Thúc đẩy công bằng xã hội cũng là một trong những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế. Đây là một trong những nhân tố quyết định đến các thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới. Thật vậy, nhiều cuộc nghiên cứu đã chỉ ra rằng công bằng xã hội đóng góp vào thành công của doanh nghiệp. Công bằng xã hội có thể giúp các doanh nghiệp thu hút và giữ chân nhân tài, đặc biệt trong thiên niên kỷ mới. Một môi trường làm việc công bằng về mặt xã hội giúp nâng cao sự gắn kết của nhân viên, cải thiện lòng trung thành của khách hàng và cả danh tiếng thương hiệu.

Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT ALPHA BOOKS chia sẻ tại Diễn đàn.

Công bằng xã hội không còn là một khẩu ngữ mà là một mệnh lệnh về đạo đức. Ngoài hoạt động kinh doanh, thúc đẩy bình đẳng xã hội đã trở thành nghĩa vụ đạo đức đối với doanh nghiệp. Các hành động như phân biệt đối xử, thiên vị  và bất bình đẳng sẽ làm suy yếu nhân phẩm con người, vi phạm nhân quyền và kéo dài bất công xã hội. Các doanh nghiệp cần có có trách nhiệm tôn trọng nhân quyền, thúc đẩy bình đẳng, chống phân biết đối xử dưới mọi hình thức.

Bên cạnh đó, lãnh đạo doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công bằng xã hội tại nơi làm việc. Lãnh đạo doanh nghiệp cần thiết lập các chính sách thực tiễn rõ ràng, chịu trách nhiệm thúc đẩy sự đa dạng và hoà nhập, tạo ra một nền văn hoá tin cậy mang tính tôn trọng và cởi mở để nhân viên cảm thấy được tôn trọng, lắng nghe và ghi nhận.

                                                                                        ĐỨC QUÂN