Tin nổi bật

Đình thần Tân An: Chứng tích văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của thời gian

12:38 chiều | 27/03/2023

VHDN – Tọa lạc uy nghiêm, trầm mặc trên mảnh đất rộng 18.500 mét vuông thuộc khu phố Tân An, phường Tân Vĩnh Hiệp, thành phố Tân Uyên, trực thuộc tỉnh Bình Dương. Đình Thần Tân An được khởi dựng vào khoảng những năm 1700 và là một trong những ngôi đình có lịch sử cổ xưa nhất ở Bình Dương.

Cổng đình Tân An

Giống như bao ngôi đình đặc trưng của vùng đất miền Đông Nam Bộ  là nơi thờ thần Thành Hoàng, vị thần chủ tể trên cõi thiêng của thôn làng thì Đình Thần Tân An sơ khai chỉ là một cổ miếu nhỏ phục vụ cho nhu cầu tâm linh thiết yếu của những người con xa xứ tới vùng đất Tân An mở đất, lập làng cách nay 300 năm.

Khoảng năm 1800, khi dân số nơi đây đông hơn, cuộc sống khá giả, nhân dân trong vùng đã cùng nhau chung tay xây dựng lại miếu Tân An kiên cố và đổi tên gọi là Đình Thần Tân An.

Những năm từ 1960 đến 1965, Đình Thần bị quân đội Mỹ chiếm đóng và biến thành căn cứ quân sự kiểm soát khu vực địa phương và các vùng lân cận.

Là một chứng tích của thời gian, trải qua bao cuộc dâu bể, thăng trầm của lịch sử nhưng Sắc Phong “Thần Hoàng Bổn Cảnh” đình vẫn còn nguyên vẹn. Năm 1996 cùng với sự đồng thuận của nhân dân và chính quyền địa phương, Đình Thần Tân An lần đầu tiên trùng tu lại đình chính nhằm giữ gìn nguyên vẹn vẻ đẹp  của nghệ thuật chạm khắc gỗ trên những bao lam, khán thờ, hoàng phi, câu đối cùng vẻ đẹp giá trị của các nghệ thuật khác.

Bên cạnh đó, ý thức giữ gìn vốn cổ còn thể hiện trong nghi thức tế lễ dân làng đến lễ bái cầu mưa thuận gió hòa, xóm làng yên ổn hàng năm gọi là lễ Kỳ Yên. Mỗi nghi thức cúng tế không chỉ là sự đề cao thần quyền mà còn là sự thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ sau đối với các thế hệ trước, thể hiện nét đẹp văn hóa truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Hàng năm đại lễ Kỳ Yên đình Tân An có lệ chính vào ngày 16-2 (âm lịch) và ngày 4-7 (âm lịch). Lễ hội được tổ chức trong 2 ngày liên tiếp với sự có mặt đoàn hát xây chầu, hát bội tham gia biểu diễn với mong muốn: Thuận đạo trời, an đạo đất, hòa đạo người; cầu cho “Quốc thái, dân an”.

Các thành viên trong Ban nghi lễ Đình Tân An. Các cụ hầu hết có tuổi đời từ 80 tuổi trở lên, kết nối và nhận quyền duy trì văn hoá cúng kiếng trong các lễ Kỳ Yên của Đình nhiều năm liền.

Những giá trị văn hóa truyền thống có bề dày lịch sử hàng trăm năm, Đình Thần Tân An với các lễ hội Kỳ Yên hàng năm mang lại sự kết nối, trao truyền những nét đẹp văn hóa từ cổ đến kim, từ những con người được sinh ra và lớn lên ở vùng đất của ông cha mình gây dựng, đến những người mới đến định cư sinh sống tại vùng đất Tân An nơi đây. Bởi tất cả người dân đều đã coi mảnh đất này là điểm tựa tinh thần, là nơi để họ hướng về nguồn cội tổ tiên và hướng đến những giá trị truyền thống tốt đẹp luôn cần phải gìn giữ và phát huy từ hiện tại cho đến mai sau.

           Thi Huyền.