Tin nổi bật

Doanh nhân Lý Ngọc Minh: Vinh quang từ “Đất”

5:41 sáng | 14/03/2024

VHDN – Khiêm tốn t cho mình là may mắn bởi sinh ra có tố chất, khả năng nắm bắt cơ hội cực tốt, có duyên gặp gỡ người cùng chí hướng cùng hàng trăm nhân duyên khác… chính là các yếu tố dẫn đến danh xưng vua Gốm Việt của Doanh nhân Lý Ngọc Minh.

Thương hiệu gốm sứ Minh Long là thương hiệu có truyền thống kế thừa 4 đời nhà họ Lý, một hành trình đầy đam mê và rực lửa của dòng họ Lý với truyền thống dựng cơ nghiệp từ “đất”. Cá nhân ông Lý Ngọc Minh cũng thuỷ chung với đất và gặt hái nhiều vinh quang từ đất.

Doanh nhân Lý Ngọc Minh 

Năm sinh: 1953, Người Việt gốc Hoa

Quê quán: Tân Phước Khánh

Chủ tịch Công Ty TNHH Minh Long I

Nghệ nhân ưu tú:

Giải Thưởng:

– Chiến sĩ thi đua cấp bộ ngày 14/06/2005

– Anh hùng lao động năm 2007

– Huân chương lao động năm 2010

– Huân chương lao động hạng 3 năm 1999

– Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu.

– Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2006

– Bằng lao động sáng tạo năm 2004

– Thương hiệu quốc gia 2007, 2010

– Giải vàng chất lượng Quốc Gia 2010

– Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2022

 Các sản phẩm được giải thưởng trong nước và quốc tế:

– Huy chương vàng bộ trà Long Thạch Vân – do ban tổ chức hội chợ quốc tế công nghiệp năm 2000

– Huy chương bạc bộ bàn ăn Chim Lạc cao lửa – do ban tổ chức hội chợ quốc tế công nghiệp năm 2000

– Cúp vàng bộ trà Quả Ngọt do Bộ Khoa học & công nghệ và UBND Hải Phòng cấp năm 2004

– Năm 2005, Ông Lý Ngọc Minh và công ty Minh Long I đã tạo ra cúp Rồng Việt để tặng Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đem bán đấu giá trong chương trình “Nối vòng tay lớn” vào đêm giao thừa, toàn bộ số tiền thu được dành cho các công trình vì người nghèo.

Bén duyên với “đất”

Hành trình tạo nên thương hiệu gốm sứ Minh Long như một câu chuyện cổ tích, gắn liền với chữ duyên. Theo quan niệm của ông Minh tố chất do trời sinh và hoàn cảnh ảnh hưởng đến 99% cuộc đời và chỉ có 1% còn lại là do chính mình nhưng rất quan trọng và có thể thay đổi cuộc đời nếu quyết định 1 % đó đúng.

Ít ai biết rằng, ông Minh rời ghế nhà trường khi còn rất nhỏ, mới học lớp 3. Hồi tưởng về tuổi thơ của mình, ông Minh cho hay ông sinh ra và lớn lên ở vùng quê, mồ côi từ nhỏ, cuộc đời đã dạy cho ông cách tự vươn lên, sống với ý chí, mong muốn và hoài bão của mình. Dù kém may mắn so với bạn bè vì không được học hành đầy đủ, may mắn là ông vô tình đọc được 2 bộ sách của Nguyễn Hiến Lê và Nguyễn Duy Cần.

Quyển sách của Nguyễn Hiến Lê có kể về một cậu bé nung nấu ước mơ tìm kho báu tại thành Troy. Ông Minh thích nhân vật này vì có khá nhiều điểm tương đồng với mình. Chính câu chuyện về ước mơ của cậu bé đó khiến ông Minh có thêm động lực theo đuổi ước mơ làm gốm của mình.

Thời đó, ông Minh phải mài mò đọc sách bằng tiếng Hoa bởi sách chuyên ngành của phương Tây không có bản dịch tiếng Việt. Để đọc được sách, ông dùng vốn kiến thức 5 năm trên trường để bập bẹ học chữ qua các mẫu quảng cáo, bảng hiệu. Ông cũng đăng ký lớp học hàm thụ ở tận Đài Loan, tức là nhận bài giảng rồi ở đây làm, xong thì gửi bưu điện sang bên ấy để họ chấm điểm.

Cái duyên đầu tiên đối với ông Lý Ngọc Minh là được người bố dượng dẫn đi xem triển lãm ở Lái Thiêu (Bình Dương). Khi đó ông có cơ hội gặp gỡ một nhân vật làm sứ nổi tiếng với tên thường gọi là chú Siêu. Nhân vật này đã đạt trình độ làm chén sứ đẹp như chén sứ của Nhật Bản. Sau chuyến thăm này, ý tưởng làm gốm bắt đầu này sinh trong đầu ông Minh.

Từ năm 1967, ông Minh suốt ngày say sưa với đất, miệt mài trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu. Gọi là phòng thí nghiệm nhưng thật ra chỉ là một kho đất cũ với các dụng cụ thô sơ như keo, lọ, chai axit, cối cà… Ông luôn là người có mặt sớm nhất tại phòng thí nghiệm để lấy mẫu thử của mình.

Quần quật suốt 3 năm, kết quả là ông cùng nhóm bạn của mình đã đạt được trình độ tạo ra men màu chuẩn tương đương với hàng ngoại nhập. Ngay sau khi đạt được thành quả này, năm 1970, gốm sứ Minh Long I ra đời. Theo chia sẽ của ông Minh, từ  nhỏ ông có thói quen học hỏi từ những người giỏi nhất trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, ông không học theo kiểu bài bản vì mất nhiều thời gian, mà chọn cách học tắt. Cách học này giúp ông tiết kiệm thời gian, thay vào đó, ông dành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu, sáng tạo, tìm hiểu sâu về sản phẩm, thử nghiệm, cải tiến sản phẩm để đạt được hiệu quả cao nhất.

Bộ Nồi sứ dưỡng sinh dùng trogn lò nướng

Đưa hồn Việt vào sản phẩm

Nhìn chung, sản phẩm Gốm sứ Minh Long mang nét văn hoá hồn Việt theo hai thể loại. Một là hoa văn dân gian với phong cảnh làng quê, đất nước, con người. Hai là hoa văn mang tính vương gia được chạm trổ công phu với hình ảnh các linh vật biểu tiểu cho quốc gia. Những ai đã từng sử dụng sản phẩm Gốm sứ Minh Long đều dễ dàng nhận ra các hoạ tiết mang đậm bản sắc văn hoá Việt. Đây cũng là triết lý xuyên suốt trong các sản phẩm của Minh Long.

Tất cả sản phẩm của Minh Long I đều lấy cảm hứng từ những vật dụng quen thuộc của người dân Việt Nam, từ dân dã đến đậm chất nghệ thuật, từ chiếc lu đựng nước, chiếc nón lá, hoa sen… đến các kiến trúc cổ như chùa Một Cột, Quốc Tử Giám… đều được thể hiện trên sản phẩm. Ngoài các hình ảnh vô cùng quen thuộc như giã gạo, giặt giũ cũng được tái hiện trên sản phẩm, vừa mang nét bình dị, cổ kính, vừa gợi nhớ về cội nguồn. Các họa tiết hoa văn trên sản phẩm Minh Long I chứa đựng nhiều giá trị văn hóa mà mỗi gia đình Việt, nếu cùng nhau lưu giữ và truyền lại cho các thế hệ sau, thì dù xã hội có trải qua nhiều thay đổi, nét văn hóa dân tộc vẫn mãi trường tồn. Tất cả điều đó được ghi lại qua các tác phẩm Gốm sứ của Minh Long I.

Xuyên suốt hành trình phát triển, Minh Long luôn chăm chút tỉ mỉ từ công tác thiết kế đến tạo hình sản phẩm, các nghệ nhân đều phải xem bản thân mình là khách hàng để thấu hiểu kỳ vọng, sở thích của khách hàng, làm sao để hiện thực hoá hồn Việt trên mỗi chiếc chén, ấm trà, vừa mang tính nghệ thuật vừa mang tính ứng dụng cao. Ngoài ra, các hoạ tiết trên sản phẩm cũng gợi mở một câu chuyện liên quan đến lịch sử, văn hoá Việt, truyền cảm hứng về tinh thần gắn kết, đoàn tụ… cho người sử dụng.

Bộ trà Tulip Trống Đồng

Sản phẩm gốm sứ cao cấp của Minh Long I vinh dự được Nhà nước chọn để sử dụng tiếp các đoàn khách cao cấp tại Phủ Chủ tịch. Điển hình là bộ sản phẩm Cẩm Tú đã và đang được Nhà nước chọn làm tặng phẩm cho nhiều khách quý. Còn bộ sản phẩm “Hồn Việt trong mỗi nếp nhà” được Nhà nước chọn làm tặng phẩm cho các vị khách quý tại Hội nghị ASEM 5 và Hội nghị APEC 2006.

Từng sản phẩm Gốm sứ Minh Long I đề thể hiện sự tài hoa của các nghệ nhân, gửi gắm thông điệp tốt đẹp về văn hoá tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn – nét văn hoá đã hình thành từ hàng ngàn năm của dân tộc. Xét cho cùng, con người dù có thành công ở mức độ nào cũng luôn nhớ về cội nguôn, biết ơn đấng sinh thành và những người đã giúp đỡ mình để có được thành công như hôm nay.

Phục chế thành công men – màu đã thất truyền

Trong ngành sản xuất gốm sứ màu sắc là một yếu tố quan trọng cấu thành phần hồn của sản phẩm. Màu sắc càng đa dạng, sản phẩm càng phong phú, màu sắc càng cá biệt, sản phẩm càng độc đáo. Các loại màu như “đỏ son”, “xanh Vua”, “xanh Cobalt”, men “Celadon” v.v… là những loại men – màu khó thực hiện nhất trong nghề và đa số đã thất truyền từ lâu.

* Màu đỏ Cung Đình: Là loại màu rất hiếm nhà sản xuất gốm sứ nào có được trên sản phẩm. ông Lý Ngọc Minh đã nghiên cứu và ứng dụng thành công màu đỏ chuẩn của cung đình với nhiệt độ 1250 0C dưới lớp men.

* Màu xanh “Vũ Quá Thiên Thanh” (xanh vua): là màu xanh đặc biệt, khi có ánh sáng ánh mặt trời, ánh đèn điện, phương tây gọi đó là màu “King Blue”.

* Phục chế gam màu Blue Huế (xanh lam Huế): thành công trong việc phục chế màu xanh cobalt tuyệt đẹp đã thất truyền cho ra giá trị sản phẩm tăng 40  50%. Các loại men, màu đều không có chì (yếu tố độc hại) và rất nhiều màu. Ông Lý Ngọc Minh đã chế tạo các loại hoa văn mang bản sắc dân tộc Việt Nam.

* Chế tạo men CELADON (Men Ngọc): Là loại men đặc biệt ít có nhà sản xuất gốm sứ mỹ nghệ trên thế giới thực hiện được. Màu phản chiếu khi có ánh sáng và làm cho sản phẩm cao cấp tăng giá trị quyền quý cho người sử dụng.

* In màu trực tiếp lên sản phẩm giảm một lần nung: Ông Lý Ngọc Minh đã cùng các chuyên gia Hàn Quốc thực hiện thành công giảm 30 % gaz vẫn cho sản phẩm đạt chất lượng và giảm giá thành 20%.

* Chế tạo phôi sứ nhiệt độ thấp từ 11700C12800C: giảm 30% gaz. Từ yếu tố chế tạo máy phối đất tự động với pha chế hoá chất từ đó cho ra phôi sứ có đặc tính nhiệt độ thấp hơn nhưng chất lượng sản phẩm vẫn như ở nhiệt  độ cao.

Bộ nồi dương sỉ

5 nguyên tắc vàng

Nguyên tắc đầu tiên trong hành trình phát triển của Gốm sứ Minh Long I chính là “đơn giản, hiệu quả”. Nguyên tắc được áp dụng trong tất cả hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong hoạt động sản xuất, Minh Long sử dụng công nghệ đốt một lần trên nhiệt độ 1.380 độ C. Trái ngược với phương pháp đốt hai lần ở nhiệt độ cao như các doanh nghiệp phương Tây áp dụng. Ông cũng là người đầu tiên thành công với khẩu hiệu đốt một lần. Bởi theo ông, đốt một lần sẽ đơn giản hơn. Xét về mặt hiệu quả, đốt một lần giúp giảm bớt công đoạn di chuyển, nhân sự… trong khi giúp tăng năng lực sản xuất.

Nguyên tắc thứ 2 là “an toàn tuyệt đối”. Làm việc gì cũng có nhiều rủi ro nên phải cẩn thận kiểm tra nhiều lần, nhiều cấp khác nhau để bảo đảm an toàn tuyệt đối.

Nguyên tắc thứ 3 “làm cho bằng được”. Nguyên tắc thể hiện sự bền bỉ, kiên trì không bỏ cuộc của ông Minh trong suốt nhiều năm nghiên cứu. Chính nguyên tắc này khiến người ta khâm phục ông, miệt mài suốt nhiều năm để tìm ra men màu chuẩn.

“Vui vẻ, cởi mở” là nguyên tắc thứ 4 bởi theo Doanh nhân Lý Ngọc Minh, cởi mở luôn có sức thu hút người khác, luôn nhận được sự giúp đỡ khi khó khăn.

Nguyên tắc thứ 5 là “hợp tác chân tình” bởi đây là điểm mà hầu như mọi người đều mong muốn hướng đến, xây dựng mội mối quan hệ đã khó, giữ gìn nó lại càng khó hơn. Thiếu sự hợp tác chân tình có thể dẫn đến thất bại trong kinh doanh.

Công nghệ nung một lần – vũ khí chinh phục thị trường

Có thể khẳng định ngoài sự bền bỉ theo đuổi đến cùng giấc mơ của mình, vũ khí để sản phẩm Gốm sứ Minh Long I chinh phục được thị trường trong và ngoài nước chính là công nghệ nung một lần ở nhiệt độ 1.380 độ C. Theo chia sẽ của ông Minh, trong khoảng thời gian đầu thành lập Minh Long I, ông đã tìm hiểu kỹ về công nghệ nung. Ông phát hiện ra rằng Đức là quốc gia có công nghệ nung cao nhất. Hầu hết các doanh nghiệp ở nước này chỉ sử dụng công nghệ nung ở nhiệt độ từ khoảng 1.360 thậm chí một vài hãng nung tới 1.380 độ C. Trong khi châu Âu chỉ có Pháp là nung nhiệt độ 1350 độ C, các nước ở khu vực châu Á mới chỉ đạt mức trên dưới 1.300 độ C. (từ 1300 độ C – 1345 độ C). Sau một thời gian thăm dò công nghệ nung tại các quốc gia như Đức, Pháp, Ý, Nhật Bản… ông nhận ra rằng lý do mà các hàng nổi tiếng được tôn vinh bởi họ có khả năng sử dụng công nghệ nung cao. Đây cũng là lý do thôi thúc ông Minh lựa chọn công nghệ nung ở mức cao nhất là 1.380 độ C.

Bộ trà sen ngọc của Minh Long

Tuy nhiên, để có thể sử dụng nhiệt độ nung cao này đòi hòi phải có lò đốt. Khi ấy, nhà cung cấp Riedhammer yêu cầu công ty Minh Long phải chứng minh sản phẩm của mình có thể đốt ở nhiệt độ 1.380 độ C thì họ mới bán lò đốt. Yêu cầu này rất khó để đáp ứng. Tuy nhiên, với quyết tâm và hoài bão thực hiện cho bằng được mục tiêu của mình, ông Minh đã dành cả năm trời ròng rã để tự làm lò thí nghiệm quy mô nhỏ và cũng chỉ nung duy nhất một cái ly. Sau khi hoàn tất, ông đã gửi chiếc ly này cho Riedhammer kiểm tra. Tưởng chừng đã thành công, nhưng Riedhammer khi đó yêu cầu ông làm thêm 10 chiếc ly nữa, đến khi các chiếc ly này chạy qua chiếc lò 1.380 độ C của Riedhammer và nung ra được thì họ mới đồng ý sản xuất. Không còn cách nào khác, ông bắt buộc phải đáp ứng nhu cầu này và cuối cùng cũng đã thuyết phục họ thành công. Ông có được chiếc lò đốt ở nhiệt độ cao nhất.

Rào cản tiếp theo khi có được chiếc lò nung là làm thế nào để nung sản phẩm với một lần lửa. Khi ấy, các nhà sản xuất lớn tại Đức vẫn chưa làm được, họ chủ yếu nung non sản phẩm hoặc nung 2 lần lửa. Ngay cả ông lớn thời đó là Rosenthal (thương hiệu Gốm sứ nổi tiếng của Đức) mới chỉ có thể nung một lần lửa cho ly, tách và chưa thể áp dụng cho các sản phẩm lớn hơn. Thành công của dự án công nghệ nung một lần ở nhiệt độ 1.380 độ C đã khiến ông mất 15 năm kiên trì thử nghiệm, nhiều ông lớn trong ngành đã bỏ cuộc sau nhiều năm thất bại. Lý do khiến ông Minh kiên trì theo đuổi công nghệ này bởi ông xác định ngay từ đầu, để cạnh tranh phải có công nghệ nung một lần ở nhiệt độ cao nhất. Chia sẻ về thành công này, ông Minh nói rằng không phải các hãng khác họ dở hơn mình, mà họ không. Có đủ điều kiện chủ động với chi phí cho phép như Minh Long, với thời gian lâu dài hơn 15 năm là quá dài nên họ không đủ điều kiện đeo đuổi cho nên sự bền chí là điền kiện tiên quyết.

Thương hiệu của Minh Long luôn lưu truyền bản sắc văn hóa Việt

Các sản phẩm của ông Lý Ngọc Minh thể hiện kết hợp giữa phương thức sản xuất thủ công truyền thống với hệ thống máy móc hiện đại nhằm đảm bảo những sản phẩm gốm sứ ra đời chứa đựng tinh túy mà vẫn thể hiện nét “thần” và “hồn” đặc trưng của gốm Minh Long. Đồng thời, ông cũng nhận thức được rằng không chỉ cần đến máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại mà còn phải phải thực hiện những phương thức quản lý doanh nghiệp một cách khoa học. Chính công tác quản lý đã giúp ông vận hành và điều khiển được “con tàu” Minh Long I trên đường ra “biển lớn”. Do đó, ông đầu tư áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 phiên bản 2000 vào trong sản xuất, được cấp Chứng chỉ ISO 9001: 2000 vào năm 2002 và trở thành Công ty chuyên sản xuất, kinh doanh gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu và gia dụng cao cấp đầu tiên ở Việt Nam được cấp Chứng chỉ này. Đây là một trong những “giấy thông hành” trong tiến trình đưa những sản phẩm mang thương hiệu Minh Long I ra thị trường thế giới.