“Tương lai ở trong tay của mỗi người và cuộc sống là sự nỗ lực, không ngừng vươn lên. Dù đối mặt với khó khăn, thách thức hay mất mát, thì ý chí, lòng quyết tâm và sự dám nghĩ, dám làm sẽ giúp ta vượt qua tất cả…”. Đó chính là “chìa khóa” thành công của doanh nhân Nguyễn Tuấn Linh, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch phiêu lưu cùng Mr Linh – một doanh nghiệp trẻ nhưng đã mang những “làn gió mới” cho ngành du lịch ở Bắc Kạn.
Và cũng chính từ tình yêu với mảnh đất, con người nơi đây đã giúp anh có thêm động lực để khẳng định bản thân và góp phần tạo ra nguồn sinh kế cho hàng trăm gia đình nơi vùng cao khó nghèo này…
Những cơ duyên…
Sinh năm 1987, trong một gia đình nông thôn ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, học hết phổ thông, Nguyễn Tuấn Linh thi đỗ vào một trường cao đẳng ở Hà Nội, chuyên ngành Ngoại ngữ. Anh gặp và đem lòng yêu thương một cô gái người dân tộc Tày, quê ở huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Người mà sau này đã cùng Tuấn Linh nên duyên vợ chồng.
Năm 2007, chàng thanh niên quê đất Tổ nhận lời về quê người yêu chơi. Và cũng chính chuyến đi hơn 1 tuần đó đã làm thay đổi cuộc đời anh. Tại đây, Tuấn Linh cảm thấy khá ngõ ngàng trước cảnh đẹp của vùng quê với bốn bề rừng núi và mặt hồ trong xanh rộng đến ngút ngàn. Cảnh vật hữu tình ấy với anh ngỡ như chỉ có trong chuyện cổ tích hồi lớp 2, qua lời kể của cô giáo…
Tình yêu với người con gái miền núi cộng với khung cảnh non nước thơ mộng khiến anh như thể đã gắn bó từ bao giờ, và muốn làm một điều gì đó để phát huy những giá trị này trong lĩnh vực du lịch. Thế nên, ngay sau khi tốt nghiệp ra trường (năm 2008), Nguyễn Tuấn Linh xin phép gia đình rồi khăn gói lên Ba Bể để lập nghiệp, ý định xin vào làm hướng dẫn viên du lịch ở Vườn Quốc gia Ba Bể. Tuy nhiên mong muốn của anh không thành vì môi trường làm việc tại đây không giống như suy nghĩ.
Nhưng tình yêu trong anh dành cho mảnh đất, con người nơi đây không hề thay đổi mà ngày càng lớn lên, Tuấn Linh quyết định cùng người yêu xây dựng gia đình và gắn bó luôn ở đây. Vợ xin dạy học tại một trường phổ thông, còn anh vẫn nung nấu ước mong làm du lịch, quyết giúp Ba Bể “thức giấc”, để bà con được ấm no.
Thế rồi cơ duyên đến với anh. Trong một dịp hội xuân, Tuấn Linh đang tình nguyện dọn dẹp vệ sinh thì có một nhóm du khách nước ngoài đến đề nghị được phỏng vấn anh (sau này anh mới biết đó là các thành viên trong nhóm biên soạn cuốn sách “Thông tin du lịch toàn cầu”). Với khả năng giao tiếp tiếng Anh của anh chàng “miền núi” nên cuộc nói chuyện diễn ra khá cởi mở; các thông tin về hồ Ba Bể cũng được nhắc đến rất nhiều. Họ cũng không quên ghi lại số điện thoại của Tuấn Linh và khuyên anh nên mạnh dạn tập trung làm du lịch, hoặc đơn giản là quảng bá, giới thiệu về cảnh đẹp của địa phương.
Sau buổi trò chuyện ấy, Tuấn Linh càng thêm quyết tâm theo đuổi niềm đam mê của mình. Với ít vốn công nghệ thông tin, anh mày mò xây dựng trang điện tử “Thông tin du lịch Ba Bể”, cung cấp những địa điểm du lịch, cảnh đẹp của hồ Ba Bể có được trong quá trình tìm hiểu và sinh sống tại đây. Vợ chồng anh còn vay mượn người thân, bạn bè để đóng một chiếc thuyền nhỏ, đưa khách đi tham quanh hồ.
Linh kể: một ngày hè năm 2012, tôi nhận được cuộc điện thoại của một người nước ngoài, đặt vấn đề thuê tổ chức tour du lịch, bao gồm đưa đi tham quan, ăn, nghỉ… tại Ba Bể. Họ cho biết đã lấy thông tin từ cuốn “Thông tin du lịch toàn cầu”, và lúc này tôi mới nhớ lại câu chuyện với nhóm ký giả tại hội xuân năm nào”.
“Chuyến khách đầu tiên ấy, tôi được trả thù lao 30 đô la/ngày, số tiền khá lớn với lúc ấy. Từ sau đó, với một chiếc thuyền, một lán nghỉ bên hồ, một trang web và sự giúp đỡ của người vợ trẻ sau mỗi giờ lên lớp, công việc của tôi dần ổn định: khách đặt tour nhiều thêm, thu nhập theo đó tăng lên…”, Tuấn Linh nhớ lại.
Nhưng điều đó lại đặt ra cho anh yêu cầu phải hoạt động theo quy định của pháp luật. Cuối năm 2012, anh tạm dừng công việc để trở lại Hà Nội theo học một lớp nghiệp vụ du lịch, chuyên ngành “Hướng dẫn viên du lịch quốc tế” để hoàn thiện bản thân. Trong thời gian này, anh cũng nhận một số tour để hoàn thiện kỹ năng; tham gia tập sự ở Hòa Bình để học cách làm du lịch cộng đồng của người dân…
Hai năm vừa học, vừa làm nên khi tốt nghiệp, Tuấn Linh đã có một khoản vốn kha khá, đủ để mua một mảnh đất ở tại bản Cốc Tộc, xã Nam Mẫu (Ba Bể – Bắc Kạn). Hai vợ chồng quyết định xây một khu nhà để đưa đón và làm chỗ nghỉ du khách theo dạng “Homestay”. Thế nhưng, khi công việc đang tiến hành thì tai họa ập đến: vợ anh qua đời sau một tai nạn, bao dự định vẫn còn dang dở…
“Sự mất mát không gì đong đếm khiến tôi gần như suy sụp. Nhưng may mắn với bản lĩnh và sự động viên của gia đình, bạn bè, đã không cho phép bản thân gục ngã, tôi đã gượng dậy để bước tiếp…”, chàng trai 30 tuổi tâm sự.
“Khó khăn chỉ thực sự qua đi khi người mẹ nuôi người Anh (Tuấn Linh nhận khi vừa làm, vừa học ở Hà Nội) cho tôi vay 20.000 đô la để tiếp tục theo đuổi dự án, cũng là tâm niệm lớn nhất của vợ tôi” – Linh xúc động kể.
Đến cuối năm 2014, công trình này được hoàn thành và bắt đầu đón khách. Tuấn Linh còn giúp đỡ một số hộ dân trong bản, tận dụng những căn nhà sàn dân tộc Tày rộng rãi để làm Homestay. Cộng đồng dân cư tham gia vào hoạt động du lịch chủ yếu sống ở vùng đệm của Vườn Quốc gia Ba Bể, họ được giao lưu văn hoá, giới thiệu những nét đặc sắc đến với du khách, góp phần tăng thu nhập. Đồng thời, sự tham gia đó khiến du khách có ý thức hơn trong việc bảo vệ thiên nhiên, nhất là công tác giữ rừng có hiệu quả hơn.
Ngoài việc hướng dẫn bà con, anh còn sẵn sàng giới thiệu khách cho mọi người để cộng đồng cùng phát triển. Bên cạnh đó, để thu hút khách du lịch, Tuấn Linh đã mở thêm Website: www.dulichhobabe.com, cung cấp thông tin về những điểm du lịch và địa chỉ, số điện thoại của các Homestay cho du khách có thể dễ dàng tra cứu, lựa chọn.
…và sự tâm huyết
Tuy không sinh ra và lớn lên ở Ba Bể, nhưng đối với Nguyễn Tuấn Linh từ lâu nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai bởi nó đã dung dưỡng và vun đắp cho những hoài bão của anh trở thành hiện thực; nơi ghi dấu những bước ngoặt của cuộc sống, của sự nghiệp và gia đình anh.
Công việc ngày càng ổn định, lượng du khách nhất là khách nước ngoài đến Ba Bể nhiều hơn giúp lợi nhuận của Linh và bà con tại Ba Bể ngày càng tăng lên. Năm 2015, anh quyết định xuống Hà Nội, mở doanh nghiệp nhằm phát triển thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của du khách. Công ty TNHH Du lịch Phiêu lưu cùng Mr Linh (Mr Linh’s Adventures) của anh mới hơn một năm ra đời, đến nay đã trở thành đơn vị uy tín trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ du lịch sinh thái, mạo hiểm kết hợp khám phá tại Vườn quốc gia Ba Bể.
Từ sự am hiểu về đặc thù và những nét độc đáo của địa phương, Mr Linh’s Adventures luôn là đơn vị tiên phong trong lĩnh vực phát triển du lịch mạo hiểm. Du khách đến với Ba Bể luôn có nhiều sự lựa chọn khác nhau như trekking – leo núi xuyên qua các cánh rừng nguyên sinh từ bản Cốc Tốc của người Tày cho tới Khau Qua của người Mông và Nà Nghè của người Dao Tiền. Đặc biệt, đơn vị còn cung cấp các dịch vụ thú vị như chèo thuyền kayak, đạp xe ven hồ Ba Bể…
Với đội ngũ nhân viên trẻ trung, năng động am hiểu về lịch sử, địa lý, giỏi về chuyên môn của mình, Nguyễn Tuấn Linh còn mạnh dạn tìm hiểu và khai thác các tuyến tour mạo hiểm tại Hà Giang, Sapa (Lào Cai) và Bái Tử Long (Quảng Ninh)… Chất lượng dịch vụ của Mr Linh’s Adventures cũng được nhiều du khách bình chọn trên các diễn đàn du lịch như Trip Advisor và được giới thiệu trong các cẩm nang du lịch trên toàn thế giới như Lonely Planet, Petit Futé…
Là người cầu thị, ham học hỏi, chàng giám đốc trẻ luôn sẵn sàng lắng nghe những yêu cầu của khách hàng để tạo nên những chương trình du lịch hấp dẫn nhất. Đề cao phương châm “We take you to the parts, others can’t reach” (“Chúng tôi sẽ đưa bạn đến những vùng miền mà người khác chưa từng đặt chân”), Mr Linh’s Adventures luôn luôn tìm kiếm những điểm đến mới và tạo ra trải nghiệm khác lạ cho du khách.
Đó là tâm huyết phát triển du lịch bền vững, du lịch gắn với trách nhiệm cộng đồng, địa phương. Và đối với Nguyễn Tuấn Linh, đây chính lời cảm ơn lớn nhất dành cho Ba Bể cũng như với tất cả những gì cuộc đời đã đem đến cho anh.
Trong quá trình khảo sát rừng để xây dựng chương trình du lịch trekking, Nguyễn Tuấn Linh đã tình cờ phát hiện một hang động lớn tại bản Vàng, xã Hoàng Trĩ. Hang này được người dân địa phương gọi là Thẩm Phầy, cũng được gọi là hang “Lọ Mọ”, có chiều dài khoảng 5 – 7 km. Trong lòng hang, có rất nhiều dải thạch nhũ hình thù độc đáo cùng dòng suối lớn tạo nên cảnh đẹp vô cùng kỳ thú. Đây được ví như “Sơn Đoòng của Bắc Kạn”, có tiềm năng rất lớn về du lịch. Hiện nay, Mr Linh’s Adventures đang đề xuất với chính quyền và ngành chức năng tỉnh Bắc Kạn cho khảo sát và lập dự án khai thác điểm du lịch quý giá này.