Lý luận văn hóa Doanh nhân

Doanh nhân Việt  Nam – Quá trình phát triển

6:17 sáng | 19/10/2022

VHDN – Lịch sử đã chứng minh chặng đường phát triển của đất nước trải qua thăng trầm từ giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tiếp tục công cuộc giải phóng dân tộc ở miền Nam, thống nhất nước nhà, khủng hoảng kinh tế thời bao cấp, những khó khăn đó không làm cho người Việt Nam nhụt chí mà đã tạo động lực cho sự phát triển mới, ở đấy Doanh nhân Việt Nam từng bước khẳng định chung con đường “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đưa dân tộc ta sánh vai với thế giới.

Ngày Doanh nhân Việt Nam sắp tới chúng ta không thể không nhớ lại thời kỳ bao cấp với cơ chế quản lý kinh tế là cơ chế kế hoạch hóa tập trung với những đặc điểm là : Một, Nhà nước quản lý nền kinh tế chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính dựa trên hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh chi tiết áp đặt từ trên xuống dưới; hai, Các cơ quan hành chính can thiệp quá sâu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhưng lại không chịu trách nhiệm gì về vật chất và pháp lý đối với các quyết định của mình; ba, Quan hệ hàng hóa – tiền tệ bị coi nhẹ, chỉ là hình thức, quan hệ hiện vật là chủ yếu; bốn, Bộ máy quản lý cồng kềnh, nhiều cấp trung gian vừa kém năng động vừa sinh ra đội ngũ quản lý kém năng lực, phong cách cửa quyến, quan liêu nhưng lại được hưởng quyền lợi cao hơn người lao động. Đây là một hiện tượng không đi theo kinh tế thị trường mà đi theo mục tiêu giải phóng dân tộc rồi đi thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa, nó chỉ phù hợp trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Trong thời kỳ kinh tế còn tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng thì cơ chế này có tác dụng nhất định, nó cho phép tập trung tối đa các nguồn lực kinh tế vào mục tiêu chủ yếu trong từng giai đoạn và điều kiện cụ thể, đặc biệt trong quá trình công nghiệp hóa theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp nặng…

Dưới áp lực của tình thế khách quan nhằm thoát khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội, nước ta đã có những bước cải tiến nền kinh tế theo hướng thị trường – doanh nhân ra đời từ đây. Đại hội VI khẳng định : “Việc bố trí lại cơ cấu kinh tế phải đi đôi với đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp từ nhiều năm nay không tạo được động lực phát triển, làm suy yếu kinh tế xã hội chủ nghĩa, hạn chế việc sử dụng và cải tạo các thành phần kinh tế khác, kìm hãm sản xuất làm giảm năng suất; chất lượng, hiệu quả, gây rối loạn trong phân phối lưu thông và đẻ ra nhiều hiện tượng tiêu cực trong xã hội” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006 t.47, tr.395- 396). Chính vì vậy, việc đổi mới cơ chế quản lý kinh tế trở thành nhu cầu cần thiết và cấp bách. Lịch sử phát triển nền sản xuất xã hội cho thấy sản xuất và trao đổi hàng hóa là tiền đề quan trọng cho sự ra đời và phát triển của kinh tế thị trường. Trong quá trình sản xuất và trao đổi, các yếu tố thị trường như cung, cầu, giá cả có tác động điều tiết các quá trình hàng hóa, phân bố các nguồn lực kinh tế và tài nguyên thiên nhiên trong đó có sức lao động của con người, vốn, tư liệu sản xuất… phục vụ cho sản xuất và lưu thông. Doanh nhân có vai trò làm chủ sản xuất trong bảo toàn vốn, tăng cường khả năng kỹ thuật, sự cạnh tranh không chỉ trong nước mà còn từng bước vươn ra thế giới.

Chúng ta thấy kinh tế hàng hóa và kinh tế thị trường có sự khác nhau về ngành nghề, về trình độ phát triển là những vấn đề doanh nhân phải thích ứng từng ngày từng giờ đã đè nặng lên mỗi chủ doanh nghiệp. Với thực tế sản xuất nước ta đang còn ở trình độ thấp là những thách đố. Để đến được sản xuất hàng hóa phát triển cao, đạt đến thị trường quốc tế thì sự tồn tại ở đấy phải là thị trường lấy khoa học, công nghệ hiện đại làm cơ sở nâng tầm sản xuất của doanh nghiệp với trình độ xã hội hóa cao, nếu không làm được như vậy thì kinh tế thị trường ở nước ta sẽ tụt hậu.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) Ảnh: TTXVN

Doanh nghiệp ở nước ta đã hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đó là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường (tự do trong khuôn khổ pháp luật). Đây là bước chuyển quan trọng từ kinh doanh tự phát sang kinh doanh có tính toán, kiểm toán như một công cụ đánh giá trên cơ sở định lượng định tính. Điều này đòi hỏi doanh nhân không chỉ là vốn, kỹ thuật, công nghệ mà còn phải am hiểu luật, trình độ quản lý doanh nghiệp để theo kịp sự phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo quy luật của kinh tế thị trường vừa dựa trên cơ sở và chịu sự dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất chủ nghĩa xã hội. Trong nền kinh tế đó, các thế mạnh “thị trường” được sử dụng “phát triển lực lượng sản xuất , phát triển kinh tế để xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân”. (Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.86 – 87) , có mục đích “dân giàu nước mạnh, tiến lên hiện đại hóa trong một xã hội do nhân dân làm chủ, cho mọi người được ấm no, tự do, hạnh phúc”.

Chặng đường đổi mới bắt đầu từ năm 1986 cho đến nay đã được ba mươi sáu năm, tính ra cũng khá dài mà cũng khá ngắn so với lịch sử phát triển đất nước, các doanh nhân Việt Nam đã xây dựng và phát triển các doanh nghiệp cũng trải qua những thăng trầm của “kinh tế thị trường”, song từng bước đã đạt được các thành tích to lớn trong công cuộc xây dựng Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một minh chứng tài trí của những người sinh ra và lớn lên trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đã trở thành lớp doanh nhân đầu tiên, và thế hệ doanh nhân trẻ đang tiếp tục noi gương ông cha đưa nền sản xuất nước nhà lên những bước phát triển mới.

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam này chúng ta chúc mừng Doanh nhân Việt Nam có trí tuệ, niềm tin vào sự phát triển của dân tộc và có tầm nhìn ra thế giới.

TS. Vũ Gia Hiền.