Tin nổi bật

Đồng Nai: Duy trì đà tang kim ngạch xuất khẩu

7:18 sáng | 17/07/2020

            Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Bất chấp khó khăn từ dịch bệnh COVID-19, Đồng Nai vẫn đạt kim ngạch xuất siêu hơn 1 tỷ USD trong quý I năm 2020, Ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết tỉnh tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu nhằm duy trì đà tăng trưởng, Minh Kiệt thực hiện.

Xin ông cho biết đâu là yếu tố cơ bản giúp Đồng Nai xuất siêu sang thị trường ASEAN năm 2019 cũng như tăng sức hấp dẫn từ các nhà đầu tư đến từ khu vực này?

Ông Cao Tiến Dũng: Tôi cho rằng có 03 yếu tố chính giúp Đồng Nai thu hút sự quan tâm đặc biệt từ thị trường ASEAN.

Một là, lợi thế tự nhiên: Đồng Nai nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp các tỉnh thành lớn như Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu. Đồng Nai hầu như không có bão lụt, động đất, cao độ trung bình trên 50m, địa chất tốt, thuận lợi cho xây dựng công trình với chi phí thấp.

Hai là, lợi thế hạ tầng: Đồng Nai đảm bảo cơ sở hạ tầng đồng bộ (điện, nước, thông tin liên lạc), giao thông thuận lợi với nhiều tuyến đường huyết mạch quốc gia đi qua như quốc lộ 1A, quốc lộ 20, quốc lộ 51, quốc lộ 56; đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; tuyến đường sắt Bắc – Nam; Đồng Nai chỉ cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất 30km, gần cụm cảng Sài Gòn, cụm Cảng Thị Vải – Vũng Tàu, cụm cảng Đồng Nai… thuận lợi về giao thương trong nước và quốc tế. Tương lai gần tỉnh có sân bay quốc tế Long Thành, các cao tốc Long Thành – Bến Lức, Dầu Giây – Phan Thiết, Dầu Giây – Liên Khương; cụm cảng biển ở Nhơn Trạch…

Ba là, quyết tâm hỗ trợ và đồng hành cùng nhà đầu tư: chúng tôi luôn nêu cao tinh thần chính quyền đồng hành và hỗ trợ nhà đầu tư (từ lúc bắt đầu dự án đến hoạt động SXKD), lắng nghe ý kiến nhà đầu tư, cải cách hành chính, rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính….

Sự thành công của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là minh chứng thiết thực nhất giúp thu hút các nhà đầu tư vào Đồng Nai. Ngoài ra, để việc thu hút đầu tư đúng định hướng ưu tiên, Đồng Nai tăng cường công tác xúc tiến đầu tư đến các thị trường trọng điểm.

Đâu là thành tựu nổi bật của tỉnh trong công tác phát triển kinh tế-xã hội thưa ông?

Ông Cao Tiến Dũng: Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2016-2020, Đồng Nai vẫn giữ vững là một trong các địa phương tăng trưởng cao và ổn định.

Về kinh tế, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm đạt 8%, GRDP bình quân đầu người đến năm 2019 đạt 4.810 USD, dự kiến đến năm 2020 đạt 5.300 USD. Hầu hết các ngành kinh tế chủ yếu của tỉnh đều đạt và vượt so với các chỉ tiêu đề ra.

Về doanh nghiệp dân doanh, Đồng Nai triển khai các giải pháp hỗ trợ DN, gia tăng DN cả về lượng và chất. Lũy kế đến ngày 15/5/2020, toàn tỉnh có 38.739 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia.

Về thu hút đầu tư nước ngòai (FDI), lũy kế đến tháng 5/2020 Đồng Nai có 1.512 dự án còn hiệu lực với tổng vốn là 30,71 tỷ USD, phần lớn các dự án này đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Các dự án FDI cấp mới đều đáp ứng yêu cầu thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên chọn dự án công nghệ cao, dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ, dự án thân thiện môi trường.

Thương mại, dịch vụ đạt được kết quả đáng kể, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2019 đạt 19,7 tỷ USD, tăng 7,1% so cùng kỳ, kim ngạch nhập khẩu năm 2019 đạt 16,1 tỷ USD, tăng 0,15% so cùng kỳ; năm 2019 tỉnh Đồng Nai đạt mức xuất siêu khoảng 3,6 tỷ USD.

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư được quan tâm thực hiện, nhất là việc triển khai thực hiện đề án cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại cấp huyện. Kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Đồng Nai năm 2019 đạt 65,82 điểm, xếp hạng 23/63 tỉnh thành.

Xin ông cho biết thêm về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong năm 2020 để Đồng Nai tự tin thực hiện thành công nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X?

Ông Cao Tiến Dũng: Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đột phá, tái cơ cấu kinh tế, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, đào tạo nhân lực, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường…

Cụ thể, GRDP năm 2020 dự kiến tăng từ 8-9% so với năm 2019, kim ngạch xuất khẩu tăng từ 10 – 11%, phấn đấu có 5-7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xa đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, thu gom và xử lý 100% chất thải y tế; 100% chất thải nguy hại; 100% chất thải công nghiệp không nguy hại; 100% chất thải rắn sinh hoạt, trong đó đảm bảo tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt dưới 15%.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương về đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch, thực hiện quyết liệt các chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội; đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với từng lĩnh vực để có giải pháp hỗ trợ và thúc đầy sản xuất kinh doanh…

Đồng thời, lưu ý các giải pháp đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn đầu tư công còn lại của năm 2019, thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là 02 dự án công trình lớn tầm quốc gia quan trọng là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Phan Thiết – Dầu Giây và các dự án trọng điểm của tỉnh. Riêng đối với các địa phương phải tập trung xây dựng hạ tầng tái định cư trước một bước để phục vụ giải phóng mặt bằng các dự án lớn cho năm 2020 và các năm tiếp theo.

Kết thúc chặng đường 10 năm xây dựng nông thôn mới (NTM) 2010 – 2020, Đồng Nai đã gặt hái được những thành tựu nổi bật nào?

Ông Cao Tiến Dũng: Với tinh thần “Chủ động, quyết tâm”, kết quả quản lý, điều hành thực hiện Chương trình  xây dựng NTM thời gian qua đạt kết quả tốt.

Sản xuất phát triển ổn định; hạ tầng KT-XH phát triển đồng bộ; hệ thống giao thông, trường học, trạm y tế đáp ứng được nhu câu sinh hoạt của người dân, đời sống người dân và môi trường sinh thái có bước cải thiện đáng kể

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2018 đạt 51,61 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 2,8 lần so với đầu năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn Trung ương giảm mạnh từ 6,22% năm 2011 xuống chỉ còn 0,09%. Nông nghiệp có những bước đột phá với năng suất và sự chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành tích cực theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi; việc thực hiện chương trình nông thôn mới đang làm đổi thay bộ mặt nông thôn theo hướng hiện đại, 100%  xã đạt chuẩn nông thôn mới, 100%  đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, tỉnh được công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2019 và hiện có 40/121 xã nông thôn mới nâng cao (chiếm tỷ lệ 33,05%) và 01 xã kiểu mẫu (xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu).