Tin nổi bật

Đồng Tháp: Minh bạch hóa thông tin, tạo dựng lòng tin

3:03 sáng | 01/11/2019

“Phát hiện những lỗ hổng để hoàn thiện, mang lại môi trường đầu tư tốt nhất cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh tế là một trong những giải pháp của Đồng Tháp nhằm tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp về nơi mình lựa chọn đầu tư”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương khẳng định trong buổi phỏng vấn với Tạp chí VHDN, Anh Thy thực hiện.

Xin Ông cho biết yếu tố nào đã giúp Đồng Tháp đạt vị trí á quân trên bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018?

Năm 2018, ngoài vị trí á quân trên bảng xếp hạng PCI, Đồng Tháp còn phá vỡ kỷ lục của chính mình với 70,19 điểm, cao nhất trong nhiều năm qua và tăng 12,54 điểm so với năm 2006. Trong đó, có đến 7 chỉ số tăng điểm và 4 chỉ số đứng đầu cả nước.

Trước đây, nhắc tới Đồng Tháp người ta hay ví von là ”xứ sở bưng biền” bởi không có nhiều lợi thế về vị trí địa lý. Tuy nhiên, chúng tôi đã hoá giải lời nguyền “khuất nẻo” này thông qua các giải pháp khả thi.

Trong nhiều năm qua, chủ trương xuyên suốt và nhất quán của tỉnh chính là xem doanh nghiệp là bạn đồng hành, là động lực của quá trình phát triển. Chính vì thế, chúng tôi luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, nhất định không để doanh nghiệp thất bại khi đầu tư tại Đồng Tháp bởi sự tắc trách của chính quyền và những cơ chế chưa được khơi thông.

Chúng tôi đã có nhiều chủ trương, quyết sách để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp bởi thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của địa phương và cơ hội của doanh nghiệp cũng là cơ hội của Đồng Tháp.

Theo Ông, kết quả PCI 2018 có tác động như thế nào đến môi trường đầu tư của Đồng Tháp?

Kết quả PCI 2018 đã phản ánh khá toàn diện về những nỗ lực của tỉnh trong thời gian qua.

Tôi nghĩ rằng, nếu chính quyền chậm chân một giây cũng có thể làm mất đi cơ hội của doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư thực hiện thủ tục nhanh chóng và thuận lợi nhất.

Cụ thể, thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT)cho dự án ngoài các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trong trường hợp có quyết định đầu tư chỉ còn 16 ngày (quy định là 35 ngày); thời gian cấp GCNĐTcho dự án trong các KCN, KKTcòn 09 ngày (quy định là 15 ngày); thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chỉ còn 15 ngày (quy định là 30 ngày) v.v..

Ngoài ra, nhiều mô hình cải cách hành chính đã nhận được sự đồng tình của người dân vàdoanh nghiệp. Đặc biệt là đề án thí điểm chuyển giao các nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công đã triển khai được 3 giai đoạn. Mô hình đã tạo hiệu ứng tích cực và được Trung ương đánh giá cao, nhiều địa phương đến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm.

Không chỉ ngồi yên chờ nhà đầu tư, chúng tôi còn tự tìm cho mình cơ hội bằng cách tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Sau hội nghị, ngoài các biên bản ghi nhớ, những dự án tiềm năng hứa hẹn sẽ được triển khai, chúng tôi còn tạo được ấn tượng tốt với nhà đầu tư về một Đồng Tháp năng động và môi trường đầu tư thuận lợi.

Bên cạnh đó, Đồng Tháp còn tạo lập nhiều kênh thông tin kết nối với doanh nghiệp như: công khai số điện thoại, email, tiếp nhận kiến nghị qua Facebook nhằm giải quyết kịp thời những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Sau 03 năm thực hiện, các kênh tương tác này đã tiếp nhận trên 1.000 lượt ý kiến. Tất cả nội dung kiến nghị đều được giải quyết thoả đáng. Từ đó, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến và chọn Đồng Tháp làm nơi phát triển sự nghiệp kinh doanh.

Chúng tôi làm tất cả những điều đó với mong muốn giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và đưa phương châm “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp” đi vào thực chất.

Nhận định của Ông về tình trạng “trên nóng dưới lạnh” trên địa bàn Đồng Tháp cũng như giải pháp để hạn chế các chi phí không chính thức?

Trong 05 năm gần đây, chỉ số về chi phí không chính thức của tỉnh được cải thiện rõ rệt, từ 6,69 điểm năm 2014 được nâng lên 7,42 điểm năm 2018.Tôi cho rằng, đây là những tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng tình trạng ”trên nóng, dưới lạnh” vẫn còn diễn ra đây đó.

Do vậy, chủ trương của tỉnh là giảm số lượng, nâng cao chất lượng các cuộc họp – hội nghị, giảm tối đa thành phần tham dự không cần thiết, tăng cường giải quyết công việc qua email v.v.. Tất cả nhằm giúp lãnh đạo các đơn vị dành nhiều thời gian hơn đến với cơ sở, trực tiếp giải quyết từng khó khăn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh còn công khai địa chỉ tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử. Khi có vấn đề vướng mắc, doanh nghiệp có thể liên hệ với bộ phận giúp việc hoặc trực tiếp với tôi để giải quyết. Tôi cho rằng, chính việc minh bạch thông tin như thế sẽ góp phần tạo dựng lòng tin, tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, mạng xã hội cũng là kênh quan trọng để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, chúng tôi đã tiếp nhận nhiều ý kiến không chỉ phản ánh khó khăn mà còn những ý kiến đóng góp xây dựng chính quyền, qua đó kịp thời chấn chỉnh những bộ phận làm chưa tốt, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Sắp tới, chúng tôi còn thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, ngành và địa phương (DDCI) để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực điều hành kinh tế cấp Sở, ngành, địa phương và góp phần nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trong các lĩnh vực liên quan, thúc đẩy đầu tư, sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh tế.

Xin Ông cho biết cụ thể về kế hoạch thực hiện đánh giá bộ chỉ số DDCI của Đồng Tháp trong năm 2019?

Mục tiêu thực hiện bộ chỉ số DDCI là nhằm lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, khơi thông các ách tắc, tiến tới tạo niềm tin và mang lại hoạt động ổn định cho doanh nghiệp.

Trên cơ sở 10 chỉ số thành phần của PCI, tỉnh kế thừa và xây dựng bộ chỉ số gồm 09 chỉ số thành phần: tính minh bạch và tiếp cận thông tin; tính năng động của lãnh đạo; chi phí thời gian; chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý; tính ứng dụng công nghệ thông tin; tiếp cận đất đai và tính ổn định trong sử dụng đất.

Việc đánh giá được tiến hành đối với 16 sở, ngành; 06 đơn vị ngành dọc và 12/12 huyện, thị xã, thành phố. Sẽ có khoảng 700 đến 1.000 doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và hộ kinh doanh đang tìm hiểu, khảo sát và triển khai dự án trên địa bàn tỉnh có tương tác hoặc sử dụng dịch vụ hành chính công của các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tham gia đánh giá. Đơn vị tư vấn độc lập sử dụng phương thức khảo sát qua làm việc, phỏng vấn trực tiếp đối với các đối tượng đánh giá để đảm bảo độ tin cậy của dữ liệu.

Tôi hy vọng các đối tượng tham gia đánh giá sẽ thật công tâm, khách quan để chúng tôi có thể nhìn thấy được những lỗ hổng và tiếp tục hoàn thiện, mang lại môi trường đầu tư tốt nhất cho doanh nghiệp.