Các dự án kêu gọi đầu tư

Du lịch Tây Ninh: Chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh cho hội nhập hiệu quả

2:59 sáng | 07/11/2017

Xác định du lịch phát triển sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực khác và cả nền kinh tế nên những năm qua Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh đã dành nhiều sự quan tâm đầu tư cho “ngành công nghiệp không khói”. Từ nỗ lực này, những tiềm năng lợi thế du lịch đặc thù của Tây Ninh đã và đang dần được khai thác hiệu quả, mang lại diện mạo mới cho du lịch tỉnh nhà.

Hội tụ tiềm năng lợi thế

Tây Ninh có đường biên giới dài 240 km giáp với 3 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia với 16 cửa khẩu, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát. Đây là những cửa ngõ quan trọng nối TP.HCM với thủ đô Phnôm Pênh của Vương quốc Campuchia và thông thương với các nước ASEAN bằng đường bộ, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho Tây Ninh kết nối kinh tế trong nước và quốc tế mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển thương mại – du lịch, kết nối các tour lữ hành quốc tế.

Bên cạnh lợi thế về vị trí địa lý, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều danh lam, thắng cảnh, địa danh du lịch nổi tiếng được du khách trong nước và quốc tế biết đến như: Khu du lịch núi Bà Đen; hồ Dầu Tiếng; Căn cứ TW Cục miền Nam; Tòa thánh Cao Đài; Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát; Khu du lịch Long Điền Sơn; tháp cổ Chóp Mạt, tháp cổ Bình Thạnh thuộc nền văn hóa Óc Eo… Theo Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 29/12/2014 của Thủ tưởng Chính phủ, Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen sẽ trở thành trung tâm du lịch đặc sắc về văn hóa, tâm linh, vui chơi giải trí và du lịch sinh thái, góp phần đưa Tây Ninh trở thành một trong những điểm đến quan trọng của vùng Đông Nam bộ và cả nước.

Về văn hóa – lịch sử, hiện Tây Ninh có 86 di tích được xếp hạng, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 25 di tích cấp quốc gia, 60 di tích cấp tỉnh, 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngoài ra nét văn hóa địa phương độc đáo cũng là lợi thế lớn cho phát triển du lịch Tây Ninh bởi trên địa bàn tỉnh có đến 90% cộng đồng tại huyện Hòa Thành gắn liền Tòa thánh Cao Đài rất đặc sắc. Đặc biệt, văn hóa ẩm thực địa phương với những đặc sản được nhiều người ưa thích như: bánh tráng phơi sương, bánh canh Trảng Bàng, muối ớt Tây Ninh, mãng cầu Bà Đen…cũng là nét đặc trưng hút khách của du lịch Tây Ninh.

Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhiều di tích văn hóa – lịch sử độc đáo, di tích khảo cổ học, các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo…Tây Ninh là vùng đất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch với nhiều loại hình đa dạng như: du lịch về nguồn, du lịch tâm linh tín ngưỡng, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng,…

Diện mạo mới

Giai đoạn 2010 – 2016, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng bộ và Chính quyền tỉnh, du lịch Tây Ninh vẫn duy trì được sự tăng trưởng ổn định cả về lượng khách lẫn doanh thu, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế nói riêng và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói chung. Cụ thể năm 2016, số lượng du khách đến Tây Ninh đạt 2,7 triệu lượt, tăng 23,51% so với năm 2010; mức độ tăng bình quân hàng năm về khách tham quan thời kỳ 2010 – 2016 là 3,2%, trong đó khách lưu trú tăng 6,7%. Doanh thu du lịch năm 2016 đạt trên 711,7 tỷ đồng, so với năm 2010 tăng 2,4 lần, mức độ tăng bình quân hàng năm thời kỳ 2010 – 2016 là 13,8%; đóng góp GRDP du lịch so với GRDP của tỉnh đạt 2,75%. Sản phẩm du lịch từng bước phát triển, chủ yếu tập trung vào một số loại hình: lễ hội, tâm linh, lịch sử truyền thống, ẩm thực…; trong đó du lịch tâm linh tín ngưỡng là sản phẩm chủ lực hiện nay của du lịch Tây Ninh, được phát triển tại 2 điểm du lịch núi Bà Đen và Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh với 2 lễ hội lớn (Lễ hội xuân núi Bà, Lễ hội Yến Diêu Trì Cung) hàng năm thu hút hơn 1,5 triệu lượt khách.

Từ năm 2013 đến năm 2016, du lịch Tây Ninh thu hút 10 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 2.046,6 tỷ đồng; lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 20 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch,  với tổng vốn đầu tư 2.953,24 tỷ đồng, so với kế hoạch tăng 51,52%. Hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch ngày càng phát triển. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh – ông Nguyễn Hồng Thanh cho biết ngoài các dự án hạ tầng giao thong, điện, nước, thông tin liên lạc…gián tiếp phục vụ cho phát triển du lịch, giai đoạn 2013 – 2016, bằng nguồn vốn ngân sách, tỉnh Tây Ninh đã triển khai đầu tư dự án phát triển hạ tầng du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm như: núi Bà Đen, TW Cục miền Nam…Ngoài ra tỉnh còn tranh thủ nguồn vốn đầu tư hạ tầng du lịch trong khuôn khổ của Dự án phát triển du lịch bền vững tiểu vùng sông Mê Kông để đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen, triển khai dự án cải thiện môi trường du lịch núi Bà Đen bằng nguồn vốn ODA với vốn đầu tư 5,6 triệu USD gồm các hạng mục công trình: mở rộng mặt bằng chùa Bà Đen, cung cấp nguồn nước sạch, hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn…

Đến nay có thể khẳng định sự phát triển của du lịch Tây Ninh đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện chất lượng đời sống nhân dân. Quan trọng hơn, thông qua du lịch đã giúp Tây Ninh tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế cũng như quảng bá rộng rãi hình ảnh quê hương, con người Tây Ninh hài hòa, hiếu khách, trọng nghĩa tình đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Phát triển du lịch ngành kinh tế quan trọng

Ông Thanh cho biết Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác để tăng trưởng kinh tế. Để hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng vào năm 2020, Tây Ninh sẽ tập trung cơ cấu lại ngành Du lịch bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Hoàn thiện cơ chế, chính sách; xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách phù hợp, mang tính đột phá để phát triển du lịch thành kinh tế quan trọng. Song song với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch, nhất là hạ tầng giao thông, tỉnh cũng ưu tiên đầu tư phát triển  các sản phẩm du lịch đặc trưng,  sản phẩm du lịch có thế mạnh, có tính cạnh tranh cao nhằm xây dựng thành thương hiệu của du lịch Tây Ninh; đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào các  dự án đầu tư  phát triển du lịch tại các khu, điểm trọng điểm có nhiều tiềm năng về phát triển du lịch.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ dành nhiều sự quan tâm nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch cả về chất lẫn lượng; nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế, phát huy tiềm năng, thế mạnh và khai thác các cơ hội, nguồn lực để phát triển; gắn kết du lịch Tây Ninh với du lịch của các tỉnh thành trong cả nước, trong khu vực và thế giới.

Cường Nguyễn