Doanh nghiệp văn hóa

Đưa Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị vào thực tiễn

10:05 sáng | 26/05/2024

Theo tinh thần Nghị quyết 41-NQ/TW  ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân tầm khu vực, hình thành một số doanh nghiệp có vai trò dẫn dắt các ngành và lĩnh vực then chốt cũng như có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng và giá trị toàn cầu…Trong tiến trình này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế, kết nối doanh nghiệp, chính phủ và cộng đồng…tiến tới thực hiện thành công Nghị quyết 41-NQ/TW.

Trong suốt hành trình phát triển, VCCI luôn hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chính phủ, luôn ủng hộ doanh nghiệp và đại diện cho doanh nghiệp trong các vấn đề lập pháp và quản lý. VCCI luôn thúc đẩy tiếng nói của doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về chính sách, cải cách thuế, cải thiện hạ tầng cơ sở; chủ động và quyết đoán trong việc tạo ra môi trường thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo tiếng nói của doanh nghiệp được lắng nghe trong quá trình ra quyết định.

Đối với Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị, tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW hôm 10/5, VCCI một lần nữa thể hiện vai trò của mình thông qua 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, đồng thời xác định các đơn vị cụ thể phụ trách triển khai từng nhóm nhiệm vụ. Các nội dung trình bày tại hội nghị một lần nữa khẳng định vai trò đầu tàu của VCCI trong việc thực hiện các nghị quyết, chương trình hành động của Chính phủ.

Nâng tầm chính mình, cải tiến liên tục

Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết 41-NQ/TW cũng như đáp ứng các nhu cầu trong tình hình mới, VCCI xác định nâng cao vai trò của một tổ chức quốc gia, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp. Trong bài phát biểu tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW hôm 10/5, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh công tác thực hiện tốt hơn nữa vai trò cầu nối của VCCI đối với Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, VCCI sẽ tham gia sâu rộng hơn vào việc xây dựng, giám sát công tác thực hiện chủ trương chính sách phát triển kinh tế – xã hội, chính sách, pháp luật liên quan.

Một mặt, VCCI đẩy mạnh vai trò của chính mình và các hiệp hội doanh nghiệp trong việc thúc đẩy và bảo vệ lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp, mặt khác thực hiện chức năng tư vấn cho chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phương hướng, cơ chế và chính sách lao động liên quan đến xây dựng quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

Ngoài ra, VCCI sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; tham giaquá trình tham vấn với các đoàn đàm phán về kinh tế, thương mại; tham gia với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình đàm phán, ký kết, gia nhập, phê chuẩn, thực thi các điều ước quốc tế có liên quan tới kinh tế, thương mại, lao động; đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp Việt Nam tham gia các Diễn đàn, ủy bản, hội đồng, các tổ chức quốc tế tạo dựng môi trường kinh doanh ổn định trong khu vực, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp Việt Nam.

Nỗ lực nâng tầm chính mình của VCCI cũng nhằm mục tiêu thúc đẩy văn hoá cải tiến liên tục, đây không phải là một chiến lược mà là một triết lý, một cam kết hướng đến sự xuất sắc, “hôm này sẽ tốt hơn hôm qua và thậm chí còn tốt hơn vào ngày mai”. Dù trong bất kỳ bối cảnh phát triển nào, triết lý này sẽ là một chiếc la bàn thành công và luôn hướng tới tương lai thịnh vượng.

“Đại dịch Covid-19 khiến nhu cầu cải cách nhằm đạt được sự phát triển kinh tế dài hạn trở nên cấp thiết hơn. Đối với khu vực kinh tế tư nhân quy mô nhỏ, do chi phí chính thức cao, nhiều doanh nghiệp không thể tạo ra cơ hội việc làm chất lượng, việc đóng cửa biên giới (ngăn ngừa lây lan virus) đã tước đi nhiều nguồn doanh thu quý giá của Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Đây không phải là những thách thức kinh tế duy nhất mà Việt Nam đang đối mặt, nếu không có đủ điều kiện khung để phát triển khu vực kinh tế tư nhân và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), kinh tế Việt Nam sẽ thiếu khả năng phục hồi cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện. Bên cạnh đó, kinh tế trong nước sẽ dễ bị tổn thương trước sự suy thoái của các điều kiện bên ngoài. Vì thế, sự ra đời của Nghị quyết 41-NQ/TW không nằm ngoài mục tiêu tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi hơn, an toàn hơn và bình đẳng hơn cho doanh nghiệp”.

Ổn định môi trường pháp lý

Môi trường pháp lý mạnh mẽ, ổn định và minh bạch có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của khu vực tư nhân. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất nhạy cảm với các điều kiện pháp lý và quy định nơi họ hoạt động kinh doanh. Ở nhiều khía cạnh, khối doanh nghiệp này thậm chí còn nhạy cảm hơn bởi họ thiếu nguồn tài chính và sức mạnh thị trường. Để đầu tư và phát triển, doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước cần các quy định cụ thể có thể dự đoán được, sự tương tác minh bạch với Nhà nước và các đơn vị sở hữu Nhà nước cũng như một sân chơi cạnh tranh bình đẳng. Những nội dung quan trọng này nằm trong nhóm nhiệm vụ thứ 2 (một trong 8 nhóm nhiệm vụ) được VCCI đề ra nhằm thực hiện thành công Nghị quyết 41.

Cụ thể, VCCI quyết tâm tập trung nâng cao công tác góp ý, hoàn thiện khung chính sách pháp luật, đảm bảo tính ổn định, minh bạch và bình đẳng theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và doanh nhân; thắt chặt hơn nữa công tác đối thoại giữa doanh nghiệp với Chính phủ và các bộ ngành nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn. Công tác đã được VCCI tích cực triển khai trong thời gian gần đây như phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương,… để tổ chức thành công hội nghị đối thoại chính sách giúp giải quyết nhiều vướng mắc của doanh nghiệp.

Nhóm nhiệm vụ này cho thấy sự linh hoạt của VCCI trong công tác phù hợp với tình hình mới bởi một số khía cạnh của môi trường pháp lý của một quốc gia có thể tác động đặc biệt mạnh mẽ tới sức khoẻ và khả năng cạnh tranh của khu vực tư nhân. Chẳng hạn, doanh nghiệp trong và ngoài nước có đều có thể bị cản trở bởi các quy định về thuế hay quy định kinh doanh quá phức tạp và khó đoán, hay khả năng tiếp cận đất đai thấp, quy trình xin giấy phép rườm rà, thiếu thông tin và minh bạch…

Phát triển đội ngũ doanh nhân thời kỳ mới

Một quốc gia thịnh vượng cần có một đội ngũ doanh nhân vững mạnh. Các doanh nghiệp này góp phần tạo công ăn việc làm và cơ hội làm nên của cải. Đội ngũ doanh nhân vững mạnh đóng vai trò thu hút lực lượng bên ngoài hoà nhập vào cộng đồng, hay thậm chí họ có thể hỗ trợ lẫn nhau thông qua việc sử dụng sản phẩm của nhau. Chỉ một nền kinh tế vững mạnh dựa trên một lực lượng doanh nhân vững mạnh mới có thể thành công trong việc tạo ra việc làm bền vững và một sự thịnh vượng lâu dài cho nền kinh tế.

Chính vì lẽ đó, trong nhóm nhiệm vụ thứ 3, VCCI quyết tâm phát triển một đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm với mục tiêu và nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Tại Việt Nam, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đại đa số. Khối doanh nghiệp này đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo cơ hội việc làm cho cộng đồng địa phương. Họ có đóng góp đáng kể vào nền kinh tế tổng thể bằng cách thúc đẩy đổi mới, thúc đẩy cạnh tranh và mang lại các sản phẩm và dịch vụ đa dạng. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường linh hoạt hơn và phản ứng nhanh hơn với những thay đổi của thị trường, việc này cho phép họ thích nghi và phát triển ngay cả trong những thời điểm đầy thử thách.

Thành công của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ dẫn đến tăng chi tiêu của người tiêu dùng, cải thiện mức sống và tăng doanh thu thuế cho chính quyền địa phương. Hơn nữa, các doanh nghiệp nhỏ có xu hướng thuê lực lượng lao động địa phương, điều này giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp trong cộng đồng. Do đó, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ là điều cần thiết để tối đa hóa sự phát triển kinh tế và đảm bảo một tương lai thịnh vượng cho nền kinh tế địa phương nói riêng và kinh tế quốc gia nói chung.

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trong tâm của VCCI trong thời gian tới nhằm tiến tới xây dựng một lực lượng doanh nhân vững mạnh, trong đó có vai trò không thể thiếu của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.  

Nuôi dưỡng niềm tự hào, đóng góp vào sự phát triển chung

Đối với Nghị quyết 41-NQ/TW, VCCI xác định nhiệm vụ xây dựng văn hoá, đạo đức kinh doanh, khơi dậy tinh thần dân tộc và phát triển đất nước phồn vinh là một nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn mới, đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.

Với nhiệm vụ này, VCCI xác định rõ rằng tinh thần doanh nhân luôn là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế tại cả các nước phát triển hay đang phát triển. Hoạt động khởi nghiệp giúp tạo công ăn việc làm mới, thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh, và cuối cùng là mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Không thể phủ nhận vai trò của tinh thần doanh nhân cho tăng trưởng kinh tế bởi nó giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho cá nhân và cộng đồng, tạo ra của cải, thúc đẩy cạnh tranh kinh tế, tạo ra sản phẩm dịch vụ tốt hơn và khiến người tiêu dùng hạnh phúc hơn.

Tại một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, tinh thần doanh nhân có thể giúp xoá đói giảm nghèo, tạo cơ hội cho mọi người cải thiện tình hình tài chính, nâng cao các phúc lợi kinh tế…và tiến tới thay đổi xã hội cũng như phát triển tổng thể.

Để thực hiện thành công Nghị quyết 41-NQ/TW, VCCI nhấn mạnh tầm quan trọng của tinh thần doanh nhân trong việc phát triển cộng đồng, thông qua việc tạo ra các doanh nghiệp mới, doanh nhân có thể đóng góp vào sức sống của kinh tế cộng đồng, tăng cường đầu tư vào cộng đồng, cải thiện hạ tầng, dịch vụ và các tiện ích khác.

Và đặc biệt, tinh thần doanh nhân sẽ giúp nuôi dưỡng ý thức về niềm tự hào và đóng góp vào sự phát triển chung của cộng đồng nói riêng và quốc gia nói chung.

                                                                                                    ĐỨC QUÂN