Hải Phòng

Hải Phòng: Phát triển dịch vụ logistics hiện đại, thông minh, hiệu quả, đẳng cấp quốc tế

6:24 sáng | 13/05/2022

(VHDN) – Với lợi thế là thành phố có cảng biển lớn nhất miền Bắc. Hải Phòng có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển về dịch vụ logistics. Ngày 11/2/2022 Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 39/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hải Phòng. Trong đó có nội dung Hải Phòng cần phát triển dịch vụ logistics hiện đại, thông minh, hiệu quả, đẳng cấp quốc tế, phù hợp với bối cảnh, tình hình phát triển chung của Thành phố, đặc biệt chú trọng đến logistics hàng không, hàng hải.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thị sát cảng container quốc tế Lạch Huyện, thành phố Hải Phòng. Ảnh internet

Nhiệm vụ chính

Cũng trong khuôn khổ buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao cho thành phố khẩn trương triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định tại Nghị quyết số 45 ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Hải Phòng, Nghị quyết số 108 ngày 26/11/2019 của Chính phủ, Nghị quyết 35/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển địa phương này.

Để phát huy được thế mạnh vùng, cần phải phát triển đồng bộ và toàn diện đối với các vấn đề liên quan.Vì vậy nhiệm vụ chính của chính quyền thành phố là phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, nâng cao một số chỉ số hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp…

Chuyển đổi số rất cần thiết và là một trong những yếu tố quyết định tới sự phát triển trong tình hình mới hiện nay. Vai trò của chuyển đổi số không chỉ quan trọng trong việc áp dụng vào ngành logistics mà còn là yếu tố sống còn trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội. Vì vậy, Hải Phòng cần phải triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ và nghiêm túc nhằm đem lại lợi ích thực sự từ chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, Hải Phòng đẩy mạnh khai thác được nguồn lợi từ nguồn năng lượng sẵn có từ nguồn tài nguyên biển đặc biệt là nguồn năng lượng gió ngoài khơi. phát huy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số để phát triển nhanh, toàn diện, bền vững về an ninh quốc phòng, kinh tế-xã hội. Trong đó, phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp xanh, hiện đại; du lịch theo hướng du lịch sinh thái, chất lượng cao; dịch vụ theo hướng tiên tiến, thông minh, thuận lợi; nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, sạch, bền vững.

Cảng biển Lạch Huyện là cảng nước sâu hiện đại, lớn nhất khu vực miền Bắc, với khả năng tiếp nhận tàu biển lớn và tiếp cận các tuyến hàng hải quốc tế gia tăng nhanh chóng lượng hàng hóa. Kết hợp với đó, là các tuyến đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện, đường cao tốc ven biển Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh, đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng đã được đầu tư một cách đồng bộ. Hải Phòng là đầu mối giao thông cảu phía Bắc với đủ 5 loại hình giao thông: đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và đường thủy nội địa. Chính vì vậy, có rất nhiều các doanh nghiệp vận tải, xuất nhập khẩu hình thành nên tiềm năng phát triển ngành logistics đứng đầu cả nước. Không chỉ là các doanh nghiệp trong nước mà các đơn vị nước ngoài đầu tư vào logistics cũng không ngừng gia tăng.

Phát triển dịch vụ logistics hiện đại, thông minh, hiệu quả, đẳng cấp quốc tế

Theo định hướng quy hoạch phát triển logistics của thành phố Hải Phòng sẽ phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ trong chuỗi logistics (với 17 loại hình dịch vụ), nhằm nâng cao giá trị dịch vụ đối với mỗi tấn hàng hóa thông qua các cảng.

Nhiệm vụ chính của thành phố là chú trọng đến phát triển logistics hàng không, hàng hải; Xây dựng thành phố Hải Phòng trở thành trung tâm kết nối vùng, liên kết vùng, đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước để đưa đất nước cùng phát triển, xứng đáng với sự quan tâm, đầu tư rất lớn từ Trung ương và điều kiện tự nhiên nhiều tiềm năng, lợi thế.

Song song với việc phát triển kinh tế, đầu tư, khai thác các tiềm năng đưa Hải Phòng trở thành địa phương đi đầu về phát triển dịch vụ logistics, thì Hải Phòng còn phải đảm bảo được các yếu tố về an ninh biển, trật tự xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân… nâng cao vị thế và đưa Hải Phòng lên một tầm cao mới.

Hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035 tầm nhìn 2050.

Cũng trong buổi làm việc, Thủ tướng giao UBND thành phố Hải Phòng khẩn trương hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, lưu ý bảo đảm không điều chỉnh đất cây xanh sang thực hiện các chức năng khác, định hướng quy hoạch tăng tỷ lệ đất cây xanh khi di chuyển nhà máy, xí nghiệp, cơ quan tại khu vực đô thị trung tâm đảm bảo đạt tiêu chuẩn đô thị đặc biệt và những dự án sai phạm đang xử lý không đưa vào điều chỉnh quy hoạch theo đúng ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại thông báo số 275 ngày 22/10/2021, gửi Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xem xét theo đúng quy định pháp luật, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý với các kiến nghị của thành phố Hải Phòng theo hướng giải quyết các cơ chế chính sách, phân cấp, phân quyền, nâng cao tính chủ động, sáng tạo và tự chịu trách nhiệm của thành phố. Thành phố lựa chọn các Dự án có tính khả thi, đủ thời gian, điều kiện, nguồn lực, năng lực để triển khai cho hiệu quả.

Về phê duyệt Đề án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, việc điều chỉnh quy hoạch cần tuân thủ nguyên tắc đúng định hướng, mục tiêu tại Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị; Chương trình hành động số 76-Ctr/TU ngày 08/7/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng; kế thừa và phát huy tư tưởng, nội dung tại Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16/09/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hải Phòng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày 15/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Về điều chỉnh quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi với công suất dự kiến đạt 13 triệu hành khách đến năm 2030 và 16,6 triệu hành khách đến năm 2040, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương. Giao Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 07/12/2021; nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, trong đó bổ sung quy hoạch đường cất hạ cánh số 2, đảm bảo Cảng hàng không đạt được công suất đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố.  

Về việc nghiên cứu xây dựng Cảng hàng không quốc tế tại huyện Tiên Lãng sau năm 2030, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu phương án xây dựng Cảng Hàng không Tiên Lãng theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng hàng không sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt.

VHDN