Bản tin hỗ trợ Xuất khẩu Việt Nam

Huyện Tân Hiệp: Xác định Nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế đa chiều

2:22 sáng | 06/10/2017

Nhiều năm qua, kinh tế của huyện Tân Hiệp đã có những bước phát triển nổi trội, một số chỉ tiêu chủ yếu đạt khá và tăng so cùng kỳ. “Trong định hướng phát triển chung của Tân Hiệp từ nay đến cuối năm, trên cơ sở phát triển nền kinh tế đa dạng, huyện vẫn tiếp tục xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo. Trên cơ sở đó tìm ra những định hướng phù hợp với điều kiện địa phương, tạo thị trường ổn định, nâng cao mức sống cho người dân tại đây” – Đồng chí Nguyễn Văn Đức – Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp cho biết.

                        Đồng chí Nguyễn Văn Đức – Chủ tịch UBND huyện Tân Hiệp

Những thành quả lớn

Thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều biến động lớn; nhưng bằng hỗ trợ kịp thời của chính quyền, cũng như định hướng đúng đắn của Ban lãnh đạo địa phương đã đưa Tân Hiệp gặt hái được nhiều thành công. Đặc biệt trong giai đoạn 2011-2015, ngành nông nghiệp huyện đạt hơn 7,4 nghìn tỷ đồng, bằng 98,07% KH; ngành công nghiệp đạt 549 tỷ đồng, bằng 98,24%KH; ngành xây dựng đạt hơn 1 nghìn tỷ đồng, bằng 98,76%KH. Tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt hơn 7,5 nghìn tỷ đồng, bằng 97,08%KH; đưa tổng thu NSNN đạt 58,3 tỷ đồng, vượt 6,78% KH; tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản đạt hơn 143,5 tỷ đồng, vượt 6,4%KH… Ngoài những chính sách hỗ trợ nông dân khắc phục thiệt hại do nắng hạn, mưa bão; huyện còn hỗ trợ nguời dân ứng dụng các tiến bộ KHKT trong trồng trọt và chăn nuôi, gắn với an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Đồng thời tăng cường kế hoạch vận chuyển, đăng ký, đăng kiểm phương tiện, và thực hiện tốt xã hội hóa trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn (dự án đường Kênh xáng Chưn Bầu đang trình Sở GTVT thẩm định dự án). Đặc biệt huyện đang thực hiện mô hình “Sản xuất rau Cần đạt tiêu chuẩn VietGAP” tiến đến xây dựng thương hiệu “Rau Cần” Tân Hiệp.

Được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hướng dẫn của các Sở, Ban ngành cấp tỉnh, cùng sự thống nhất của cả hệ thống chính trị, quân và dân đã giúp Tân Hiệp hoàn thành Chương trình MTQG xây dựng NTM. Sau 5 năm thực hiện (giai đoạn 2011-2015), địa phương đã cụ thể hóa 19 tiêu chí NTM; với tổng nguồn lực huy động là 944 tỷ 620 triệu đồng (trong đó nguồn vốn TW trực tiếp cho Chương trình và vốn lồng ghép từ các chương trình dự án khác là 249 tỷ 692 triệu đồng, chiếm 26,43%; nguồn lực trong dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn là 694 tỷ 928 triệu đồng, chiếm 73,56%…). Bằng sự cố gắng không ngừng nghỉ này, Tân Hiệp đã trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh Kiên Giang được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2015. Đây là niềm tự hào không chỉ của riêng địa phương mà còn là niềm tự hào của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong tỉnh.

Chia sẻ về những yếu tố làm nên thành công của địa phương, ông Đức nói “Ngoài nền tảng kinh tế vững chắc, thì ý thức tự giác của người dân là điều kiện thuận lợi để các xã trong huyện Tân Hiệp tiến lên NTM. “Điểm sáng” hơn hết chính là huyện luôn có nhiều phong trào tiên phong như kinh tế hợp tác, mạnh dạn áp dụng KHKT vào sản xuất, làm đường GTNT, kè bờ sông, toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự-an toàn xã hội… Cùng với việc địa phương đã luôn tận dụng mọi nguồn lực để phát huy vai trò Mặt trận, đoàn thể trong việc vận động các tổ chức KT-XH- doanh nghiệp – Kiều bào – Tôn giáo và nhân dân”.

Xác định trọng tâm

“Để tiếp tục tự hào với những thành tựu đạt được và tạo nên những điểm nhấn mới trong công tác, trong đoạn 2016-2020, Tân Hiệp sẽ tập trung xây dựng NTM với kết cấu hạ tầng KT-XH từng bước hiện đại; gắn nông nghiệp với phát triển ngành CN-TTCN và dịch vụ thương mại. Đảm bảo trong năm 2017 này, nền nông nghiệp địa phương đạt hơn 7,9 nghìn tỷ đồng (tăng 6,76% so với cùng kỳ), công nghiệp đạt 632 tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ); xây dựng đạt hơn 1,4 nghìn tỷ đồng (tăng 14% so với cùng kỳ); thu NSNN đạt 60,1 tỷ đồng….” – Ông Đức cho biết. Để trên cơ sở đó đến năm 2018 xã Tân Hiệp A sẽ được tiếp tục công nhận lại xã NTM. Đồng thời năm 2020, sẽ tổ chức xét và tiếp tục công nhận lại 07 xã NTM (gồm xã Thạnh Đông A, Xã Tân Hiệp B, Tân Hòa, Tân An, Thạnh Đông, Thạnh Đông B, Tân Hội); và đưa Thị trấn Tân Hiệp thành đô thị loại IV đi đôi với việc xây dựng vùng ngoại ô thị trấn đạt tiêu chí NTM. Hướng đến thành công trong việc đưa thu nhập bình quân đầu người trên 50 triệu đồng/năm; bê tông hóa 100% đường GTNT và đảm bảo hệ thống thủy lợi, đê bao phục vụ an toàn sản xuất lúa 3 vụ/năm….

Trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã nêu quan điểm phát triển KT-XH tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH của cả nước và của vùng ĐBSCL; trên cơ sở phát huy nội lực, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển KT-XH nhằm đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, bền vững. Để sánh kịp với xu hướng đi lên của tỉnh nhà, đòi hỏi Tân Hiệp phải xác định ngoài việc lấy nông nghiệp làm nền tảng; thì huyện cần xem việc xây dựng các hệ thống trung tâm thương mại, phát triển thương mại dịch vụ là nhiệm vụ trọng yếu không kém. Đi liền với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành NN, quy hoạch, đầu tư lại các vùng sản xuất để thu hút người dân có những hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa phương. Thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực; hướng đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; tăng cường ứng dụng KHKT vào sản xuất. Đặc biệt là coi trọng công tác CCTTHC, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thông thoáng để thu hút doanh nghiệp đầu tư tại địa phương. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án xây dựng NTM, giai đoạn 2016-2020; duy trì và nâng cao các tiêu chí đối với các xã được công nhận. Và ông Đức cũng không quên đề cao nhiệm vụ của Ban lãnh đạo địa phương – là những người phải ở vị trí “đầu tàu” để luôn đưa ra những nhìn nhận sáng suốt, xác định đúng tình hình, hướng đến thực hiện đồng bộ mọi giải pháp trên cơ sở chuyên môn hóa mọi công tác./.

                                                                                      Minh Kiệt