Tin nổi bật

Huyện Tân Hồng: Đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu

2:45 sáng | 01/11/2019

Những năm gần đây cùng với xu hướng chung phát triển kinh tế tỉnh, kinh tế của huyện Tân Hồng tiếp tục tăng trưởng khá, nông nghiệp có bước chuyển biến tích cực, giao thông đi lại và vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn; đặc biệt là Hiệp định Liên vận được ký kết giữa Việt Nam và Campuchia thì việc vận chuyển nông sản, hàng hóa qua lại Cửa khẩu Quốc tế Dinh Bà của người nông dân, doanh nghiệp, tiểu thương được dễ dàng, ít tốn chi phí từ đó kinh tế của huyện phát triển đáng kể.

Theo ông Mai Văn Siêng – Chủ tịch UBND huyện cho biết: “huyện đã triển khai đồng bộ các chương trình, đề án, dự án phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhất là Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, công tác xây dựng Nông thôn mới, tạo điều kiện cho người sản xuất và doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ KHKT, đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất, tăng năng suất lao động”.

Trên cơ sở xác định thế mạnh đó, huyện ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện Tân Hồng giai đoạn 2016 – 2020, trong đó chọn 3 ngành hàng chủ lực gồm: lúa gạo, bò thương phẩm và cá tra; đồng thời, định hướng phát triển hoa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn trái chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; đưa ra lộ trình thực hiện Kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dụng Nông thôn mới để thực hiện hàng năm.

Để chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả, áp dụng tiến bộ KHKT vào đồng ruộng giảm giá thành sản xuất và thích ứng với biến đổi khí hậu; nông dân áp dụng biện pháp sản xuất 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm với diện tích sản xuất giảm giá thành tăng lợi nhuận được trên 11.000 ha, diện tích liên kết sản xuất lúa chất lượng cao 30.000 ha; diện tích liên kết sản xuất với tiêu thụ giữa nông dân với doanh nghiệp trên 16.000 ha; đây là những điều kiện để huyện nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo và tạo đầu ra sản phẩm lúa hàng hóa ổn định.

Đẩy mạnh các ứng dụng KHKT vào trong sản xuất, trong đó: áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch đạt tỷ lệ 100%; điện khí hóa hệ thống tưới, tiêu phục vụ sản xuất đạt tỷ lệ 99,2%; các mô hình sử dụng phân bón thông minh, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết tương trợ sản xuất; mô hình sản xuất lúa sạch gắn với tiêu thụ và tiến tới xây dựng thương hiệu gạo “Nghĩa Nhân” với diện tích 30ha; mô hình nông dân khởi nghiệp sáng tạo được thực hiện hoàn thành tốt và nhân rộng.

Huyện Tân Hồng hiện có 747ha nuôi cá tra, đạt sản lượng 60.000 tấn, trong đó có 387ha đang nuôi theo hướng VietGAP, GlobalGAP, đồng thời cấp mã vùng các ao nuôi tạo điều kiện xuất khẩu; bên cạnh đó, với tổng đàn bò trên 16.150 con cùng khoảng 310 ha trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, từng bước nâng cao chất lượng đàn bò theo hướng VietGAP, GlobalGAP tập trung thành chuỗi giá trị; huyện chú trọng quan tâm khâu cải tạo bò giống thông qua chương trình Sind hóa đàn bò, đồng thời nâng cao chất lượng tổ hợp tác, kêu gọi các nhà đầu tư chế biến sản phẩm sau từ bò; từ khi chợ trâu bò Tân Hồng đi vào hoạt động, việc mua bán giữa người dân, doanh nghiệp và thương lái trao đổi mua bán trực tiếp tại chỗ và trên mạng theo website: chophientraubotanhong.com bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.

Ngoài những thành tựu trong sản xuất và chăn nuôi, huyện cũng triển khai ứng dụng tiến bộ KHKT, mô hình hay có hiệu quả như: sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mô hình nông dân khởi nghiệp sáng tạo; mô hình kết nối tương trợ phát triển để liên kết sản xuất và xây dựng nông thôn mới.

Thời gian tới, để đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch: “tái cơ cấu nông nghiệp, củng cố phát triển kinh tế xã hội – xây dựng nông thôn mới” nâng cao thu nhập đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân chúng ta cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng – vật nuôi, phát triển kinh tế biên giới, tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, tiếp tục quảng bá hình ảnh địa phương để kêu gọi và thu hút các nhà đầu tư.

CẢI THIỆN CHỈ SỐ DDCI

Theo chia sẻ của ông Mai Văn Siêng – Chủ tịch UBND huyện Tân Hồng, Huyện đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp cơ sở như: Tiếp tục kiểm soát các hoạt động các cơ quan, đơn vị đảm bảo chất lượng ISO, nhất là hoạt động có liên quan người dân và doanh nghiệp trên lĩnh vực cấp giấy phép kinh doanh và các loại giấy phép khác.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tinh giản biên chế theo Chủ trương, Nghị quyết của trung ương, Đề án của tỉnh; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong điều hành quản lý Nhà nước,… nhằm phục vụ tốt hơn cho các đối tượng thụ hưởng.

Cung cấp thông tin phục vụ cho việc đánh giá Bộ chỉ số DDCI, trong đó cung cấp danh sách hộ đăng ký kinh doanh năm 2018, HTX, danh mục các thủ tục hành chính liên quan đến HTX, đăng ký hộ kinh doanh cá thể; phát phiếu khảo sát cho doanh nghiệp cung cấp thông tin theo nội dung yêu cầu, thu lại và gửi về sở Kế hoạch – Đầu tư và Viện nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Đà Nẵng; từ đó, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện được thực hiện tốt và tạo mọi điều kiện thuận lợi tốt nhất cho các nhà đầu tư nên từng bước có chuyển biến tốt chỉ số năng lực cạnh tranh cấp Huyện qua từng năm tạo sự hài lòng cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào huyện Tân Hồng./.