Tin nổi bật

“Món quà rất đặc biệt của Doanh nhân Việt Nam ngày 13/10″

12:05 chiều | 11/10/2023

VHDN-  Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ, nhiệm vụ xây dựng kinh tế là nhiệm vụ là sứ mệnh của doanh nhân, doanh nghiệp. Thấm nhuần lời dạy của Người, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử của Cách mạng Việt Nam. Văn hóa Doanh nhân trân trọng giới thiệu Diễn văn của Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công trong Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam và khai mạc Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam 2023

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại buổi lễ

Hội nghị đã thu hút đông đảo các đại biểu về tham dự

Ông Trần Duy Đông (bên trái) Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu chúc mừng

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công trả lời phỏng vấn của các cơ quan báo chí

VHDN xin được trích dẫn nguyên văn bài phát biểu của Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công.

Thưa các quý vị đại biểu!

Cách đây 78 năm, khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho giới công thương Việt Nam vào ngày 13/10/1945. Với sự quan tâm, ghi nhận của Đảng, Nhà nước dành cho giới doanh nhân, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, từ năm 2004, ngày 13/10 hàng năm đã được chọn là Ngày Doanh nhân Việt Nam. Hôm nay, ngày 11/10/2023, trong không khí phấn khởi và tự hào, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng cộng đồng doanh nhân cả nước hân hoan chào đón và tổ chức kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, bắt đầu bằng Hội nghị toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam và Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam trong buổi sáng ngày hôm nay và tiếp theo đó là buổi gặp gỡ giữa Thủ tướng và Thường trực Chính phủ với giới doanh nhân vào buổi chiều tại Văn phòng Chính phủ.

Lời đầu tiên tôi xin nhiệt liệt chúc mừng toàn thể các doanh nhân nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam. Tiếp theo, thay mặt cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp tôi xin nhiệt liệt chào mừng và trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các đại biểu khách quý, các phóng viên báo chí đã dành thời gian, tình cảm và sự quan tâm đến dự, động viên cộng đồng doanh nhân Việt Nam hôm nay!

Thưa các quý vị đại biểu!

Nhớ lại 37 năm trước đây, đất nước ta nằm trong sự bủa vây của khó khăn kinh tế, cuộc sống nhọc nhằn với tỷ lệ trên 50% số hộ trong cả nước là hộ nghèo. Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 đã như làn gió mùa xuân đem lại sự hồi sinh cho nền kinh tế, đặc biệt việc chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đã khởi nguồn cho sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đổi mới. Đầu những năm 1990, sau khi Luật Công ty và Luật Doanh nghiệp tư nhân được ban hành, bên cạnh các doanh nghiệp Nhà nước, trong toàn quốc chúng ta chỉ có khoảng 5.000 doanh nghiệp tư nhân. Ngày hôm nay, khu vực kinh tế tư nhân đã có tới gần 900.000 doanh nghiệp, cùng với các doanh nghiệp Nhà nước, các doanh nghiệp FDI, các hợp tác xã tạo thành lực lượng hùng hậu thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, đưa quy mô GDP Việt Nam nằm trong Top 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong Top 20 của thế giới, sản phẩm Việt Nam tự hào vươn ra thị trường toàn cầu, đến mọi châu lục, đồng thời cũng đáp ứng tốt các nhu cầu trong nước. Đời sống nhân dân được cải thiện vượt bậc, GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 4.110 USD, tăng 48 lần so với năm 1986.

Với nhìn nhận doanh nghiệp là lực lượng chủ lực trong xây dựng kinh tế, thì doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành đội ngũ doanh nghiệp của đất nước. Với số lượng doanh nghiệp hiện nay, đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp đã đạt con số 2-3 triệu người, còn nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, những hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân có thể đạt tới 10 triệu người. Đây là một nguồn nhân lực đặc biệt của đất nước, có vai trò quan trọng trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập của nước Việt Nam thời kỳ mới.

Từ năm 2004, ngày 13/10 cũng được coi là “ngày tết” của giới doanh nhân Việt Nam và trong dịp “Tết Doanh nhân” năm nay, chúng ta vui mừng đón nhận một món quà hết sức đặc biệt từ Đảng, Nhà nước – đó là một nghị quyết mới của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới thay cho Nghị quyết 09 được ban hành cách đây 12 năm.

Nghị quyết mới của Bộ Chính trị có những nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong giai đoạn sắp tới. Đây không chỉ là những nội dung mới mà còn rất quyết liệt, rất trúng mong đợi của giới doanh nhân và xã hội.

Một nét đặc biệt nữa của Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay là lần đầu tiên chúng ta công bố ca khúc truyền thống của giới doanh nhân Việt Nam. Đây là kết quả của cuộc thi sáng tác ca khúc “Hào khí doanh nhân Việt Nam” do VCCI phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, được phát động từ ngày 16/3/2023 và đã nhận được tới 347 tác phẩm dự thi. Sau nhiều vòng đánh giá, thẩm định, lựa chọn, Hội đồng Giám khảo do Nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam làm Chủ tịch đã chọn ra được 23 ca khúc hay nhất, phù hợp nhất, mỗi bài hay một vẻ, mà sau đây các hiệp hội có thể chọn lựa, sử dụng theo nhu cầu. Từ 23 ca khúc, Ban Tổ chức cuộc thi cũng đã quyết định trao 1 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải ba và 18 giải khuyến khích. Ban Chấp hành VCCI sau khi lấy ý kiến các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp đã bỏ phiếu chọn ra ca khúc truyền thống chung của giới doanh nhân, đó chính là ca khúc “Tự hào doanh nhân Việt Nam” của nhạc sĩ Phạm Tiến Dũng. Cùng với việc năm 2022 VCCI đã công bố và phát động thực hiện 6 quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam, đây cũng là một hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động do VCCI tổ chức nhằm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam trong thời kỳ mới.

Thưa các quý vị đại biểu!

Nếu như tại Lễ kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2022 VCCI tổ chức tôn vinh, trao tặng danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu cho 60 doanh nhân tiêu biểu nhất, thì tại lễ kỷ niệm năm nay, lần đầu tiên VCCI tổ chức một hội nghị gặp gỡ toàn quốc các hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân Việt Nam – đây có thể coi là cuộc hội ngộ các lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp trên cả nước để cùng nhau bàn về công tác phát triển hiệp hội, các doanh nhân Việt Nam cùng nhau bàn thảo về hợp tác thực hiện mục tiêu chung: phát triển doanh nghiệp, phát triển ngành, xây dựng văn hóa kinh doanh… Việc VCCI là đơn vị chủ trì và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam là đơn vị phối hợp tổ chức hội nghị này cũng là thông điệp hiệu triệu các hiệp hội doanh nghiệp hãy tăng cường liên kết, hợp tác trong hoạt động vì sự phát triển chung của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Tại hội nghị này, tôi xin đưa ra một số gợi ý để các anh, chị lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nhân chúng ta cùng nhau trao đổi, thảo luận:

Thứ nhất, về công tác xây dựng các hiệp hội doanh nghiệp vững mạnh. Đề nghị các đại biểu cùng chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng hiệp hội, các khó khăn, vướng mắc, các thách thức và giải pháp vượt qua. Đâu là các trọng tâm cốt yếu trong tổ chức và hoạt động của hiệp hội doanh nghiệp, các kinh nghiệm hay trong tham gia xây dựng chính sách, môi trường kinh doanh, trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các hội viên, trong phát triển tổ chức và hội viên. Theo một khảo sát gần đây do Viện Phát triển doanh nghiệp của VCCI thực hiện, năng lực tham gia ý kiến và đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật được các doanh nghiệp đánh giá yếu nhất trong các năng lực của phần lớn hiệp hội doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để chúng ta cải thiện tình hình này? VCCI với bộ máy cán bộ, chuyên gia đông nhất, với năng lực nghiên cứu chính sách mạnh nhất, có thể cùng phối hợp, hỗ trợ các hiệp hội doanh nghiệp trong nghiên cứu và đề xuất, phản biện và tham mưu chính sách cho các cơ quan quản lý Nhà nước trong từng lĩnh vực chuyên ngành hoặc địa phương của hiệp hội doanh nghiệp. VCCI cũng dự kiến sẽ tổ chức các chương trình tập huấn, bồi dưỡng năng lực cho các hiệp hội trong lĩnh vực này.

Thứ hai, về liên kết, hợp tác giữa các hiệp hội và giữa các doanh nghiệp Việt Nam. Đây là một nội dung mà được phần lớn các doanh nghiệp đánh giá là còn yếu so với các nước khác. Vậy chúng ta cần làm gì, làm như thế nào cải thiện tình hình, vì trong hội nhập quốc tế, chúng ta phải vừa cạnh tranh, vừa liên kết thì mới có thể thành công. Với vai trò, trách nhiệm được giao là tổ chức quốc gia đại diện cho công đồng doanh nhân, doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và giới sử dụng lao động tại Việt Nam, VCCI dự kiến bắt đầu từ hội nghị này, định kỳ hàng năm sẽ tổ chức gặp gỡ lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp trong toàn quốc để chúng ta cùng trao đổi, thảo luận về thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các hiệp hội và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng hỗ trợ hội viên và thúc đẩy phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của hội nhập và phát triển đất nước.

Thứ ba, về phát triển doanh nhân, doanh nghiệp và kinh tế đất nước. Hiện nay kinh tế nước ta và thế giới đều đang gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp lại càng khó khăn. Nhưng bối cảnh thế giới có nhiều khó khăn cũng đang tạo ra cơ hội lịch sử cho Việt Nam tham gia và tạo vị thế mới trong các chuỗi giá trị quốc tế. Sự đứt gãy và sắp xếp lại của chuỗi cung ứng quốc tế do dịch bệnh COVID-19 và do xung đột địa chính trị đang tạo ra cơ hội hiếm có để Việt Nam đón nhận làn sóng các nhà đầu tư, dòng vốn và công nghệ đang tìm điểm đến mới. Vậy Việt Nam nên làm gì, các doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam cần làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này, đồng thời nắm bắt cơ hội phát triển từ trật tự kinh tế mới, từ các xu thế phát triển mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Thứ tư, về xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh Việt Nam, phát triển doanh nghiệp bền vững. Càng ngày chúng ta càng nhận thức vai trò và giá trị của văn hóa kinh doanh. Để hội nhập quốc tế thành công và phát triển bền vững, doanh nhân, doanh nghiệp phải trang bị cho mình bản sắc văn hóa kinh doanh. Đạo đức doanh nhân là yếu tố cốt lõi để xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa kinh doanh là yếu tố nền tảng để phát triển doanh nghiệp bền vững. Đề nghị các doanh nhân, các hiệp hội chúng ta hãy cùng thảo luận về tầm quan trọng và cách thức để cùng nhau xây dựng triết lý và văn hóa kinh doanh riêng của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, tạo thêm sức mạnh mềm cho doanh nghiệp trong hội nhập và phát triển, đồng thời đưa văn hóa kinh doanh của giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam xứng tầm với tương lai nước ta sẽ trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.

Thứ năm, là các đề xuất và kiến nghị. Trong mỗi nội dung phát biểu, đề nghị các đại biểu vừa nêu vấn đề, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, đồng thời cũng đưa ra các đề xuất, kiến nghị, các giải pháp. Chúng ta trình bày ngắn gọn các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và đưa ra các sáng kiến, đề xuất giải pháp hoặc kiến nghị chính sách hỗ trợ để giúp doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp giải quyết được các khó khăn, vướng mắc đó. Đây có thể là các kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Chính phủ hoặc với VCCI. Trong quá trình chuẩn bị hội nghị này, VCCI cũng nhận được rất nhiều báo cáo, kiến nghị của các doanh nhân, doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp, VCCI đã cho tổng hợp lại, kết hợp cùng các kiến nghị tại hội nghị hôm nay để báo cáo với Chính phủ, Ban Bí thư và các cơ quan liên quan. Những kiến nghị liên quan đến VCCI sẽ được xem xét giải quyết ngay.

Thưa các quý vị đại biểu!

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam, thay mặt VCCI và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã luôn quan tâm ủng hộ và tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt xin cám ơn các đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đã đến tham dự lễ kỷ niệm và hội nghị hôm nay. Xin kính chúc các đồng chí nhiều sức khoẻ, luôn quan tâm động viên, giúp đỡ đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Tôi cũng chân thành cảm ơn các anh, chị lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp và lãnh đạo các doanh nghiệp tham dự hội nghị hôm nay, xin chúc các hiệp hội, các doanh nghiệp tiếp tục phát triển mạnh mẽ, bền vững, chúc các doanh nhân nhiều sức khỏe, sáng tạo, thành công, xứng đáng là một lực lượng nòng cốt trong thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc!

Xin chúc các vị khách quý, các doanh nhân và toàn thể đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công! Xin cảm ơn!

VHDN