Bình Định

Ngành Công thương Bình Định: Từ khát vọng, sáng tạo đến hành động mạnh mẽ

7:31 sáng | 29/08/2018

Sau hơn 10 năm thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Bình Định đến năm 2020, Bình Định chưa đáp ứng được kỳ vọng và mục tiêu của quy hoạch, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Định Trần Ánh Tuyết chia sẻ với Tạp chí Văn hoá Doanh nhân về giải pháp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế Bình Định trong thời gian tới.

 

Đâu là những minh chứng cho sự thành công của ngành công thương Bình Định trong công cuộc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế?

Hoạt động sản xuất công nghiệp trong những năm gần đây có mức tăng trưởng khá và là điểm sáng trong bức tranh chung về phát triển kinh tế của tỉnh.

Nhiều dự án quy mô lớn đi vào hoạt động như: nhà máy thép, ống thép và ống nhựa của Tập đoàn Hoa Sen (KCN Nhơn Hòa và KKT Nhơn Hội) với vốn đầu tư trên 2.000 tỷ đồng; nhà máy dệt – may của Tổng Công ty May Nhà Bè (Quy Nhơn…) và Công ty Delta Galil Việt Nam; nhà máy chế biến tinh bột sắn và tinh bột sắn biến tính ở Vân Canh, Vĩnh Thạnh và KKT Nhơn Hội; nhà máy chế biến TACN (KCN Nhơn Hòa); nhà máy chế biến gỗ xuất khẩu của Công ty Tiến Đạt, Phú Tài; nhà máy thủy điện (Vĩnh Sơn 5: 66 MW, Trà Xôm 28 MW, Nước Xáng 10 MW), nhà máy đá granite CCN Cát Nhơn… Công tác hoàn chỉnh hạ tầng KCN Nhơn Hoà đã góp phần đáng kể vào tăng trưởng công nghiệp chung của toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp như chế biến lâm sản, điện, giày dép…đã tăng trưởng trở lại. Một số ngành tiềm năng như thức ăn chăn nuôi, thuỷ hải sản, vật liệu xây dựng, dược phẩm…cũng có bước tăng trưởng khá. Các sản phẩm làng nghề như rượu Bàu Đá, nước mắm Đề Gi, nón ngựa Phú Gia được chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu. Các ngành công nghiệp đã tạo ra gần 114 ngàn việc làm với năng suất lao động tăng 10,4%/năm. Cơ cấu ngành được dịch chuyển đúng hướng với giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 10,7%/năm (2012-2017).

Kết quả này góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 38.022,4 tỷ đồng (2017), tăng 9,5% so với năm 2016.

Bình Định dành sự quan tâm như thế nào đến công tác xúc tiến và kêu gọi đầu tư nhằm tạo diện mạo mới?

Một trong những ưu tiên của tỉnh là cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư có chọn lọc.

Về việc cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh đã đẩy mạnh công cuộc cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư vào các khu và cụm công nghiệp. Tỉnh đã niêm yết công khai 100% TTHC liên quan đến đầu tư và kinh doanh, thực hiện đúng các quy định về đất đai, xây dựng, môi trường đăng ký kinh doanh…nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, nêu cao tinh thần chính quyền phục vụ và hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.

Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, nâng cao hiệu quả chính quyền điện tử, thực hiện TTHC qua mạng nhằm cắt giảm tối đa thời gian giải quyết TTHC.

Bên cạnh đó, tỉnh thường xuyên tổ chức tiếp xúc với doanh nghiệp, kịp thời giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức đối thoại định kỳ với doanh nghiệp (6 tháng/lần), triển khai các chính sách và đề án mới thúc đẩy phát triển công nghiệp, đặc biệt là các quy hoạch điện lực, cụm công nghiệp, hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ, chính sách khuyến công, xúc tiến thương mại và đầu tư…tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia góp ý đối với các văn bản, cơ chế phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Về công tác thu hút đầu tư, tỉnh ưu tiên thú hút các dự án công nghệ hiện đại, có hàm lượng tri thức cao, thân thiện với môi trường, tạo sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng vào các dự án hạ tầng KCN và các ngành công nghiệp mới; mời gọi các nhà đầu tư vừa và nhỏ có sử dụng công nghệ sạch từ Nhật, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu..vào Nhơn Hội và các KCN khác; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại tại các nước như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore, Ý, Tây Ban Nha, Nga, Mỹ… nhằm thu hút đầu tư.

Tỉnh cũng chỉ đạo xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư, phát hành các ấn phẩm, dữ liệu xúc tiến đầu tư bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau phục vụ công tác xúc tiến đầu tư.

Ngành nghề truyền thống là một trong những điểm nhấn của ngành công nghiệp Bình Định, tỉnh có chính sách gì để hỗ trợ phát triển các ngành nghề này?

Từ lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, giao thông, nhân lực, cùng sự phát triển của ngành nghề truyền thống như: chế biến gỗ, thuỷ sản, khoáng sản, may mặc, thức ăn chăn nuôi…tỉnh đã đề ra các chính sách và chủ trương riêng nhằm hỗ trợ phát triển các ngành nghề này bao gồm quy chế quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công; quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Bình Định; chính sách khuyết khích đầu tư sản xuất sản phẩm gỗ nội; chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ; chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.

Tỉnh cũng chủ động làm việc với nhiều Tập đoàn, Tổng công ty nhằm thúc đẩy các ngành nghề truyền thống, chẳng hạn hợp tác với Tổng công ty Nhà Bè, Tập đoàn Dệt may Việt Nam tiến hành tái cơ cấu ngành may mặc tại tỉnh, thành lập KCN Phú Tài và Long Mỹ tạo mặt bằng sản xuất cho các ngành nghề truyền thống.

Để tiếp tục hỗ trợ phát triển ngành nghề truyền thống, ngoài việc tiếp tục triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước nói chung, Sở Công thương nói riêng phải đồng hành cùng các DN trên địa bàn và tập trung vào một số nội dung chủ yếu như: nghiên cứu, ban hành bộ tiêu chí chất lượng sản phẩm, tạo sự bình đẳng trong tiêu dùng; nghiên cứu các thủ tục liên quan đến cơ chế, chính sách cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, ứng dụng CNTT, triển khai thương mại điện tử; phát triển hạ tầng giao thông, logistics, vận tải biển, công nghiệp hỗ trợ dịch vụ du lịch…chú trọng thu hút các nhà đầu tư vừa và nhỏ nhưng có công nghệ sạch và cao từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ… kết nối với tham tán thương mại Việt Nam tại các nước thành viên và các tổ chức nghiên cứu độc lập thu thập thông tin, cung cấp cho DN có nhu cầu…

Ngành công thương Bình Định có tự tin hoàn thành mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2020 hay không và giải pháp thực hiện như thế nào?

Sau hơn 10 năm thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH Bình Định đến năm 2020, các chỉ tiêu KT-XH chưa đáp ứng được kỳ vọng và mục tiêu của quy hoạch đề ra như tăng trưởng GDP hàng năm giai đoạn 2006-2010 đạt 10,8% (quy hoạch là 13%), 9,2% giai đoạn 2011-2015 (quy hoạch là 15%), 8% giai đoạn 2016-2020 (quy hoạch là 16,5%) và từ 2006-2020 chỉ ước đạt 8% (quy hoạch là 14,8%). Công tác chuyển dịch cơ cấu kinh tế chưa đạt kỳ vọng của quy hoạch.

Xét các yếu tố trên, ngành công thương Bình Đình đã đề ra một số giải pháp cụ thể như: triển khai hiệu quả chương trình hành động của Tỉnh ủy về phát triển CN-TTCN và làng nghề giai đoạn 2016 – 2020, trong đó tập trung vào 7 chương trình lớn: tăng cường công tác quy hoạch, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư; tăng cường giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm công nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường công tác tổ chức, quản lý phát triển công nghiệp; kiểm soát, bảo vệ môi trường và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Bên cạnh đó, Bình Định cũng tiếp tục công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp theo mô hình kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị hướng đến thị trường quốc tế, xây dựng danh mục sản phẩm công nghiệp, liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp thương mại và nhà sản xuất, kêu gọi đầu tư hạ tầng khu kinh tế, khu và cụm công nghiệp chuyên ngành, hoàn thiện kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào khu – cụm công nghiệp (đường giao thông, nước, điện…), phát triển các khu công nghiệp đa ngành, tăng cường hoạt động khuyến công, nâng cao năng lực của Trung tâm khuyến công…

                                                                               Minh Kiệt