Tiền Giang

Ngành ngân hàng tỉnh Tiền Giang: Mở rộng tín dụng hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng

2:32 sáng | 05/12/2019

Với tình hình ổn định chung của phát triển KT-XH cả nước, của tỉnh và của ngành ngân hàng, dự đoán tín dụng trong các tháng cuối năm sẽ tiếp tục ổn định và tăng cao hơn đà tăng của các tháng trước do nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh của nền kinh tế trong những tháng cuối năm cao hơn các thời điểm khác trong năm. Cơ cấu tín dụng tiếp tục được điều chỉnh tích cực, trong đó tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Giám đốc NHNN Chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm triển khai Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 11 của UBND tỉn 

Theo báo cáo của ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh Tiền Giang, đến hết tháng 7/2019, dư nợ tín dụng đạt 52,321 tỷ đồng, tăng 8,2% so với năm 2018 (cao hơn tốc độ tăng khu vực là 7,6% và tốc độ tăng của toàn quốc là 7,46%), chiếm tỷ trọng 8,4% so với tổng dư nợ tín dụng khu vực ĐBSCL, đứng thứ 6/13 tỉnh khu vực ĐBSCL xét về quy mô tín dụng. Đối với nợ xấu trên địa bàn toàn tỉnh chiếm tỷ lệ 0,59% tổng dư nợ thấp hơn tỷ lệ nợ xấu của toàn khu vực ĐBSCL (1,5%).

Trên địa bàn tỉnh hiện có 30 Chi nhánh ngân hàng cấp 1, 11 Chi nhánh loại 2, 86 phòng giao dịch trực thuộc, 16 quỹ tín dụng nhân dân và 2 chi nhánh quỹ CEP.

Giám đốc NHNN Chi nhánh Tiền Giang, Nguyễn Thị Đậm cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam mở rộng tín dụng hiệu quả đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Ngày 27/02/2019, NHNN tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn”.

Đến nay, cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn theo Nghị định 55 và Nghị định 116 của Chính phủ đạt 26.476 tỷ đồng, tăng 21,08% so năm 2018, chiếm tỷ trọng 50,5% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của tỉnh và chiếm 7,7% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn toàn vùng ĐBSCL. Trong đó, kết quả cho vay một số mặt hàng thế mạnh nông nghiệp của tỉnh đều tăng so với năm 2018, cụ thể: dư nợ cho vay lúa gạo đạt 5.441 tỷ đồng tăng 9,71%; dư nợ cho vay nuôi trồng, thu mua, chế biến, tiêu thụ thủy sản đạt trên 4.326, tăng 6,4%, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt 2.680 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 5,1% tổng dư nợ trên địa bàn; tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 10.749 tỷ đồng và tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt 1,1 tỷ đồng.

Cùng với các chỉ số phát triển KT-XH, ngành ngân hàng Tiền Giang còn có một số đóng góp như: hoạt động của các TCTD trên địa bàn ổn định, thực hiện tốt việc đầu tư tín dụng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (dư nợ nông nghiệp, nông thôn chiếm 50,5% tổng dư nợ cho vay toàn tỉnh); tiếp tục thực hiện phong trào thi đua chung tay XDNTM ngành ngân hàng phụ trách các xã xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, các ngành Ngân hàng đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ cụ thể đối với từng xã được phụ trách góp phần trong năm 2018 có 20/23 xã được công nhận; thực hiện tốt chủ trương của tỉnh về cho vay bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi các Ngân hàng đã tham gia với dư nợ 23 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi; hoạt động của hệ thống QTDND ổn định đáp ứng nhu cầu vay vốn cho các thành viên, đồng thời phần nào hạn chế nạn tín dụng đen tại địa bàn nông thôn; công tác an sinh xã hội được ngành ngân hàng chú trọng và được xem là hoạt động thường xuyên của ngành Ngân hàng trên địa bàn trong năm, ngành Ngân hàng Tiền Giang đã hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội tổng số tiền là 17,03 tỷ…

Theo Bà Nguyễn Thị Đậm, để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn vay, NHNN tỉnh sẽ tiếp tục bám sát các chủ trương, chính sách tín dụng của Chính phủ, NHNN Việt Nam, chính quyền địa phương, đồng thời phối, kết hợp với các sở ngành có liên quan nhằm triển khai, cụ thể hóa các chương trình, gói tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng; tập trung huy động, cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các công trình, dự án kinh tế có hiệu quả, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất kinh doanh, phục vụ phát triển KT-XH bền vững của tỉnh, tiếp tục có kế hoạch triển khai các chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp với nhiều hình thức phù hợp, phong phú hơn để từ đó chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của các DN trong hoạt động ngân hàng nói chung, cũng như trong việc tiếp cận vốn ngân hàng nói riêng, tiếp tục mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen, và cuối cùng là tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng về các chủ trương, chính sách trong hoạt động ngân hàng trong thời gian tới.

Đồng thời tạo thuận lợi về cơ chế, quy chế, thủ tục và điều kiện vay vốn cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay thuận lợi; Tiếp tục mở rộng và thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước để tạo sinh kế, từng bước nâng cao đời sống của người dân, nhất là các đối tượng chính sách theo các mục tiêu đề ra của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững./.