Bạc Liêu

Ngành Nông nghiệp Bạc Liêu: Phát triển nông nghiệp gắn liền với ứng dụng công nghệ cao

2:56 sáng | 22/12/2017

Thực hiện đề án của Chính phủ về cải cách nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, Bạc Liêu đã triển khai cải cách trên toàn lĩnh vực nông nghiệp theo cơ chế thị trường phát triển theo chiều rộng lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, gắn phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp với bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển bền vững.

             Ông Lương Ngọc Lân – Giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Bạc liêu

Nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa, Tỉnh chủ trương đẩy mạnh tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp Bạc Liêu dến năm 2020 theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tại Quyết định số 156/QĐ-UBND ngày 06/4/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh, gia tăng tốc độ tăng trưởng bình quân đầu người GRDP ngành trong giai đoạn 2016 – 2020 đạt trên 3%/năm. Mục tiêu đến năm 2020 sản lượng thủy sản đạt 370 ngàn tấn (tôm 147 ngàn tấn, cá và thủy sản khác 223 ngàn tấn), sản lượng lúa đạt 1,1 triệu tấn, sản lượng muối đạt 180 ngàn tấn (muối trắng 120 ngàn tấn), tỉ lệ che phủ rừng, cây phân tán đạt 12,78% diện tích tự nhiên; giá trị sản lượng bình quân trên 01ha đất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 208 triệu đồng; về công tác xây dựng nông thôn mới đã có những thành công bước đầu: 25/49 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới (huyện Phước Long công nhận là huyện nông thôn mới, huyện Vĩnh Lợi hoàn thành tiêu chí huyện nông thôn mới).

Tập trung tái cơ cấu ngành

Ông Lương Ngọc Lân – Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Năm 2016 vừa qua, tổng giá trị GRDP toàn tỉnh đạt hơn 30.397 tỷ đồng, trong đó ngành nông, lâm và thủy sản chiếm 44,25%, công nghiệp chiếm 13,96% và dịch vụ chiếm 40% GRDP”. Nhận thấy vai trò và tầm quan trọng của việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đối với việc phát triển kinh tế – xã hội, tập trung tái cơ cấu đối với ngành, lĩnh vực hàng chủ lực, Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các bước để hoàn chỉnh Đề án “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” và “Xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”. Theo đó, tập trung phát triển các đối tượng nuôi chủ lực và ứng dụng rộng rãi theo Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt, nuôi trồng thủy sản có chứng nhận (VietGAP, GlobalGAP, ASC hoặc Organic) vào các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, nhằm tăng năng suất, sản lượng và đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm…

Bên cạnh đó, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình khai thác hải sản trong Chiến lược phát triển kinh tế biển; huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng đội tàu đánh bắt xa bờ; mở rộng địa bàn sản xuất lúa trên đất nuôi tôm gắn với đầu tư kết cấu hạ tầng, tăng diện tích lúa – tôm lên 35 – 40 ngàn ha; tăng cường ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất; tập trung triển khai xây dựng cánh đồng mẫu lớn và nâng cao chuỗi giá trị gia tăng, xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nông dân, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên; hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai lộ trình vùng nguyên liệu thực hiện liên kết trong tiêu thụ lúa, gạo; xây dựng chỉ dẫn địa lý thương hiệu sản phẩm lúa, gạo chất lượng cao mang thương hiệu Bạc Liêu…

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu với tổng diện tích 418,91 ha phát triển tôm Bạc Liêu nhằm hỗ trợ, tác động, lan tỏa ngành công nghiệp tôm ở khu vực ĐBSCL, cũng như cả nước nói chung và Bạc Liêu nói riêng. Bạc Liêu là tỉnh có diện tích nuôi tôm lớn thứ hai của cả nước nhưng sản lượng tôm lại lớn nhất nước: Năm 2016, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 134.858ha. Trong đó diện tích nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh là 12.425ha; tôm thẻ chân trắng 7.424ha; diện tích nuôi quảng canh cải tiến chuyên tôm 502ha; kết hợp nuôi thủy sản trên đất tôm lúa 31.328ha; diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến kết hợp 79.775ha; diện tích nuôi cua, cá và thủy sản khác là 3.404ha. Tổng sản lượng đạt 197.168 tấn, trong đó tôm 110.343 tấn, cá và thủy sản khác 86.825 tấn.

“Phát triển nông nghiệp ƯDCNC là chìa khóa giúp Bạc Liêu và các tỉnh ĐBSCL tiếp tục thực hiện thành công chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo nền tảng quan trọng đưa nền nông nghiệp vùng ĐBSCL lên một tầm cao mới, tạo động lực ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ trong các lĩnh vực chọn tạo giống mới, kỹ thuật canh tác hiện đại, sản xuất khối lượng sản phẩm hàng hóa đáng kể, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra môi trường thích hợp cho những sáng tạo khoa học – công nghệ, cơ hội việc làm và đem lại nhiều lợi ích cho vùng ĐBSCL” – Ông Lương Ngọc Lân khẳng định. Sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống, thúc đẩy phát triển nông nghiệp – nông thôn hướng nhanh tới hiện đại hóa. Đồng thời đáp ứng mục tiêu dài hạn trong việc phát triển nông nghiệp của nước ta là xây dựng một nền nông nghiệp hàng hóa mạnh, có sức cạnh tranh cao trên thị trường nội địa và xuất khẩu.

Trung tâm UDCNC chuyên về ngành tôm của Bạc Liêu sẽ là hạt nhân công nghệ để lan tỏa, nhân rộng các vùng sản xuất ƯDCNC: trình diễn, chuyển giao các tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong nuôi, chế biến tôm và xử lý môi trường cho các hộ gia đình, doanh nghiệp nuôi tôm đến tham quan, học tập. Bên cạnh đó, là nơi phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo ra lượng sản phẩm lớn, năng suất cao, chất lượng tốt và đặc biệt là thân thiện với môi trường. Khu nông nghiệp ƯDCNC sẽ giúp nông dân chủ động trong sản xuất, giảm lệ thuộc vào thời tiết và khí hậu, do đó quy mô sản xuất được mở rộng, giúp giảm giá thành sản phẩm, đa dạng hóa thương hiệu và cạnh tranh tốt hơn trên thị trường thế giới, hướng tới mục tiêu đưa Bạc Liêu trở thành “thủ phủ ngành tôm” trong thời gian sắp tới./.

Dương Yến