Tin nổi bật

Người tạo dấu ấn cho thương hiệu thời trang Việt – Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang              

10:08 sáng | 21/06/2024

VHDN – Hơn 40 năm gắn bó với ngành may mặc, gần 10 năm đảm nhận vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Ông Vũ Đức Giang luôn trăn trở về câu chuyện thương hiệu thời trang Việt. Theo ông Giang, Việt Nam chưa thành công vì thiếu hệ thống đào tạo mang tầm chiến lược cho toàn ngành công nghiệp thời trang Việt Nam.

Việt Nam hiện là nước có nền công nghiệp thời trang phát triển nhưng chưa đạt quy mô và tổ chức chuyên nghiệp, sân chơi trình diễn cho các nhà thiết kế rất hạn chế. Để định hình thương hiệu thời trang Việt, theo ông Giang, Việt Nam cần chọn ra sản phẩm xây dựng thương hiệu quốc gia và xây dựng chiến lược dài hơi.

Thúc đẩy phát triển thương hiệu thời trang Việt

Trong suốt hành trình hơn 40 năm gắn bó với ngành dệt may, tên tuổi của Ông Vũ Đức Giang gắn liền với các thương hiệu thời trang nổi tiếng trong nước như Việt Tiến, May 10… Ông cũng từng đảm nhận vai trò Tổng Giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Giai đoạn 2010-2015, ông từng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP May Việt Tiến. Dưới sự dẫn dắt của ông, May Việt Tiến ngày càng khẳng định được vị thế thương hiệu thời trang công sở hàng đầu tại thị trường Việt Nam. Không những thế, dước sự dẫn dắt của ông, quy mô của Việt Tiến cũng đã từng bước được mở rộng tại các tỉnh thành trên cả nước. Ở thị trường quốc tế, Việt Tiến đã xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Đức…Hiện nay, Việt Tiến đã trở thành doanh nghiệp tiêu biếu trong ngành dệt may trong nước với doanh số ngày một tăng cao, thị phần ngày càng được mở rộng, thương hiệu Việt Tiến đã khẳng định được uy tín với khách hàng trong và ngoài nước.

Ngoài ra, với vai trò là Chủ tịch HĐQT May 10, ông Vũ Đức Giang đã góp phần đưa May 10 từ một doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hoá vươn lên khẳng định thương hiệu và vị thế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Ông cũng là người thúc đẩy tư duy đổi mới, sáng tạo và mở lối đi riêng cho May 10. Cụ thể năm 2023, khi toàn ngành dệt may gặp nhiều khó khăn, doanh thu giảm, nhưng May 10 đã duy trì được doanh thu thông qua các giải pháp chủ động, đảm bảo an sinh xã hội cho hơn 12 nghìn lao động.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas

Để thành công trong việc hoạch định thương hiệu thời trang quốc gia, Chính phủ cần ban hành các định hướng tạo sân chơi cho các nhà thiết kế thời trang, giúp họ phát huy khả năng sáng tạo mẫu mã thời trang. Việt Nam cũng cần xây dựng các trung tâm phát triển ngành công nghiệp thời trang để thúc đẩy ý tưởng sáng tạo trong ngành thiết kế. Hiện các nước phát triển ngành công nghiệp thời trang trên thế giới đều có những trung tâm như vậy, trong khi Việt Nam chưa tập trung vào khía cạnh này. Một khía cạnh khác mà ông Giang nhấn mạnh là hiện Việt Nam đang làm thời trang trên nguyên liệu của người khác, chúng ta phải nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất. Để phát triển ngành công nghiệp thời trang trong nước, Việt Nam phải chủ động được nguồn nguyên phụ liệu trong nước.

 

Vai trò kết nối

Sau gần 10 năm giữ vị trí Chủ tịch VITAS, Ông Vũ Đức Giang đã đưa VITAS trở thành cầu nối hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước với khối doanh nghiệp Việt Nam, kết nối các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tạo nên chuỗi cung ứng trong ngành. Chính sự kết nối này đã giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu rộng vào các tổ chức chuyên ngành dệt may trên thế giới. Ông cũng đã thúc đẩy công tác triển khai các chương trình về năng lượng tái tạo, tiết kiệm nguồn nước, quản lý lao động, xây dựng thương hiệu, nâng cao nhận thức phát triển theo hướng xanh-sạch-bền vững.

Kết quả là, các chương trình phát triển bền vững, quản trị số…của Việt Nam đã thu hút nhiều nhãn hàng trên thế giới lựa chọn Việt Nam để đầu tư. Hiện Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới.

Liên kết chuỗi, thích ứng, xây dựng nền tảng truyền thông vững mạnh

Với 2 thách thức mà ngành dệt may trong nước đang đối mặt bao gồm sử dụng các sản phẩm tái chế và các tiêu chí về phát triển bền vững, xanh hoá, Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang đã đề ra 5 giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững và xanh hoá ngành dệt may trong nước.

Giải pháp đầu tiên mà Ông Giang đề xuất là thúc đẩy, mở rộng toàn diện liên kết chuỗi nhằm chia sẽ, hỗ trợ lẫn nhau về đơn hàng, mô hình quản lý, chia sẽ giải pháp công nghệ và tự động hoá.

Kế đến, ông đề xuất cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục thích ứng với những yêu cầu của các nước nhập khẩu về tiêu chuẩn xanh, phát triển bền vững, minh bạch, tiêu chuẩn chính sách đối với người lao động trên nguyên tắc tuân thủ luật chơi toàn cầu.

Giải pháp thứ 3 là thích ứng nguồn lực quản trị, phát triển mẫu, chủ động bán hàng ODM và OBM, đảm bảo thời gian giao hàng nhanh nhất.

Giải pháp thứ 4 là ông kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp triển khai xây dựng hình ảnh thương hiệu, rà soát và có pháp lý chặt chẽ, đầy đủ khi xuất khẩu, có đội ngũ luật sư hỗ trợ…nhằm hạn chế tối đa thiệt hại khi xuất khẩu.

Cuối cùng, ông đề nghị cộng đồng doanh nghiệp cần xây dựng nền tảng truyền thông vững mạnh nhằm giới thiệu và quảng bá thương hiệu, ông kêu gọi công tác này cần phải thực hiện thường xuyên và liên tục, doanh nghiệp cầnt ạo môi trường mở để các cơ quan thông tấn tiếp cận một cách nhanh nhất, tạo lợi thế và định vị thương hiệu một cách hiệu quả nhất.

Thúc đẩy xu hướng công nghệ xanh

“Xanh hóa” Dệt May cần những chính sách đặc thù để gỡ các điểm nghẽn

VITAS đặt mục tiêu đến 2030 sẽ “xanh hoá” ngành dệt may, xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế.

Với vai trò Chủ tịch VITAS và trong bối cảnh xu hướng cạnh tranh mới trong ngành dệt may, Ông Vũ Đức Giang đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học nhằm cung cấp thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp hội viên, đưa ra các giải pháp để doanh nghiệp trong ngành cập nhật xu hướng công nghệ xanh để thâm nhập sâu rộng hơn và thị trường quốc tế. Thông qua các hội thảo, Ông cũng nhiều lần kêu gọi các chủ doanh nghiệp cần ý thức sự sống còn của doanh nghiệp thông qua ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong thực tiễn sản xuất, ứng dụng các giải pháp sản xuất an toàn cao nhất cho môi trường.

VITAS đặt mục tiêu đến 2030 là sẽ “xanh hoá” ngành dệt may, xây dựng được 30 thương hiệu mang tầm quốc tế. Để đạt mục tiêu này, theo ông Giang, các doanh nghiệp trong nước cần chủ động thay đổi và hướng đến sản xuất xanh.

Với việc chính phủ đã ban hành chiến lược phát triển ngành thời trang đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035. Theo chiến lược này, ngành dệt may trong nước định sẽ chuyển từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tham gia vào vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu và xây dựng thương hiệu riêng để xuất khẩu.

Dựa trên chiến lược này, VITAS đã chủ động phối hợp với tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) thực hiện chương trình xanh hoá dệt may Việt Nam, tiến hành tiết kiệm, tái chế lượng nước sử dụng, chủ động thích ứng và phát triển bền vững. Theo ông Giang, đây cũng là con đường mà các doanh nghiệp buộc phải đi nếu muốn tồn tại và phát triển.

Đa dạng hoá thị trường, phát triển nhãn hàng quốc tế

Với mục tiêu xuất khẩu đạt 44 tỷ USD trong năm 2024, tăng 4 tỷ USD so với năm 2023, ông Giang cho rằng Việt Nam cần tiếp tục đa dạng hoá thị trường, khách hàng và mặt hàng. Ngoài ra, ông cũng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư công nghệ, tự động hoá, dây chuyền thích ứng giao hàng nhanh với chất lượng cao, tập trung giải pháp công nghệ thời trang, quy hoạch các khu công nghiệp đạt chuẩn mực về môi trường để thu hút đầu tư tại một số địa phương.

Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất Chính phủ và Bộ Công thương cần làm việc với các địa phương để hoạch định phát triển các khu công nghiệp đáp ứng quy định của Luật bảo vệ môi trường, cho phép kêu gọi đầu tư vào ngành công nghiệp dệt và nhuộm cũng như đưa Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm công nghiệp thời trang, thúc đẩy phát triển thương hiệu Việt tại thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Ông cũng nhấn mạnh rằng ngành dệt may Việt Nam phải thích ứng nhanh với các yêu cầu trong các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), xây dựng một số nhãn hàng ra thế giới, xây dựng nền tảng liên kết chuỗi để tạo ra chuỗi trong chiến lược phát triển.

Liên quan đến các chính sách về thuế, ông Giang khẳng định cơ chế về thuế hiện đang là rào cản đối với doanh nghiệp dệt may. Theo ông, cần xem xét lại chính sách thuế xuất nhập khẩu tại chỗ cũng như thuế giá trị gia tăng đầu vào…Bên cạnh đó, Việt Nam cần có chính sách tài chính khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư giải pháp chuyển đổi năng lượng nhằm đáp ứng quy định, tiêu chuẩn về khí thải…của thị trường nhập khẩu.

Một nhiệm vụ cấp bách khác, theo ông Giang, đó là công tác phát triển nhãn hiệu, thương hiệu thời trang Việt trên thị trường thế giới. Theo ông, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước cần hoạch định công tác đăng ký thương hiệu độc quyền trên thị trường thế giới.

Phạm Tiến Dũng