Tin nổi bật

Người Việt ở nước ngoài – “Cánh tay nối dài” góp phần xây dựng quê hương  

5:59 sáng | 16/01/2022

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 với chủ đề “Ngoại giao Việt Nam tiên phong, toàn diện, hiện đại, chủ động thích ứng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” được tổ chức thành công. Đây là Hội nghị khẳng định vai trò của Kiều bào đối với sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Nhân dịp này DĐDN/VHDN đã có cuộc trò chuyện với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; TS. Trần Hải Linh – Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Việt kiều Hàn Quốc; Doanh nhân Hồ Văn Lâm – Chủ tịch Hội doanh nhân Thái Lan – Việt Nam, chủ thương hiệu VT Namnueng về những đóng góp của Người Việt ở nước ngoài trong công cuộc xây dựng đất nước.

1. Trần Hải Linh cho rằng kiều bào hoàn toàn có thể là “cánh tay nối dài” cùng ngành ngoại giao để thực hiện tốt hơn nữa những nhiệm vụ trọng tâm mà Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 đặt ra. Với góc nhìn của một kiều bào và là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, theo tôi, đây là quan điểm mới về việc phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong “tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”.

TS. Trần Hải Linh

Đồng thời, đây cũng là quan điểm mới về “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại” với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, trong đó tiếp tục khẳng định đối ngoại nhân dân là một trong các trụ cột chính trong công tác đối ngoại.

Đại hội Đảng XIII đã đề ra nhiệm vụ “triển khai toàn diện và mạnh mẽ hơn công tác người Việt Nam ở nước ngoài”, hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài củng cố địa vị pháp lý vững chắc, phát triển và hòa nhập xã hội sở tại, đồng thời đóng góp tích cực vào thực hiện tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước”.

Tôi tin rằng, đây là những điều mà các kiều bào hết sức quan tâm. “Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Với việc thực hiện chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đến nay với khoảng 5,3 triệu người ở trên 130 nước và vùng lãnh thổ có cuộc sống ngày càng ổn định, hòa nhập và phát triển, gắn bó với quê hương và đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết: Dù đứng trước rất nhiều khó khăn thách thức, nhất là trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát, nhưng kiều bào ta ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp, chuyên gia trí thức và cộng đồng kiều bào ta đã và đang là sợi dây kết nối giao thương, thắt chặt các hoạt động kinh tế, văn hóa, du lịch… tạo nguồn kiều hối phong phú cho Tổ quốc, góp thêm nguồn lực cùng Đảng, Nhà nước trong việc phòng chống dịch hiệu quả, đồng thời phát triển kinh tế, xúc tiến giao thương và đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc hội nghị.

Trong các công tác kết nối giữa kiều bào với quê hương Tổ quốc, luôn có sự hỗ trợ, phối hợp từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong đó có cơ quan đầu mối là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.

Ngoài việc đồng hành kết nối hướng về Việt Nam, Bộ Ngoại giao cũng luôn luôn sát sao với các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để bảo hộ công dân, đảm bảo quyền và lợi ích của người Việt Nam tại nước sở tại.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức hoặc trực tiếp kết nối và hỗ trợ như: “Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh gặp gỡ kiều bào tiêu biểu” vào 28/10/2020, Hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến về chuyển đổi số và khắc phục tác động của dịch Covid-19, phát triển kinh tế Việt Nam” tại TP. Hồ Chí Minh, tham dự Hội nghị “Góp ý vào văn kiện Đại hội XIII của Đảng”; Hội nghị “Kiều bào đóng góp ý kiến về kết quả 5 năm thực hiện chỉ thị 45-CT/TW về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 36-ND/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và phát triển đất nước trong tình hình mới”…

Đáng chú ý, ngay khi Thủ tướng công bố quyết định thành lập Quỹ vaccine Covid-19 với sứ mệnh huy động, tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho người dân, thì Bộ Ngoại giao cũng nhanh chóng thực hiện chương trình ngoại giao vaccine và đến nay đã phát huy hiệu quả rất tích cực.

Trong năm 2021, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai thành công Chương trình Cố vấn Khởi nghiệp toàn cầu 2021, thu hút được hơn 50 chuyên gia kiều bào đăng ký tham gia với tư cách là cố vấn và 62 đơn vị khởi nghiệp tại Việt Nam đăng ký tham gia với tư cách là người tiếp nhận cố vấn.

Chương trình này chính là tiền đề thành lập Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào ở các nước hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển giao và thương mại hóa công nghệ vào đầu tháng 12 vừa qua với 21 hội trí thức kiều bào đến từ 15 quốc gia.

Đây là mạng lưới mở với mong muốn tiếp tục kết nối nguồn lực của cộng đồng chuyên gia trí thức kiều bào phục vụ phát triển đất nước do Bộ Ngoại giao và Bộ Khoa học Công nghệ chủ trì mang ý nghĩa hết sức lan tỏa!

Doanh nhân Hồ Văn Lâm – Chủ tịch Hội doanh nhân Thái Lan – Việt Nam, chủ thương hiệu VT Namnueng có mặt ở 50 tỉnh thành Thái Lan

Ông Hồ Văn Lâm chia sẻ: Tôi là thế hệ thứ ba trong một gia đình thuần Việt yêu quê hương đất nước. Chính vì thế, quê hương là hai chữ rất thiêng liêng đối với cuộc đời tôi. Khi chưa có dịch Covid-19, tôi cùng gia đình thường xuyên về Việt Nam một năm khoảng ba lần. Mỗi lần về tôi thấy quê hương Việt Nam mình thay đổi, phát triển theo thời gian trên tất cả mọi lĩnh vực. Điều khiến tôi ấn tượng nhất đó chính là tình đoàn kết của quê hương và của bà con lối xóm.

Ông Hồ Văn Lâm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Thái – Việt Nam chủ thương hiệu VT Namnueng tại Thái Lan.

Ông Lâm đồng thời là chủ thương hiệu VT Namnueng có mặt ở 50 tỉnh thành Thái Lan, ông cũng có kế hoạch quảng bá ẩm thực Việt Nam, trong đó có món nem nướng ở Thái Lan và khắp thế giới.

Ông Lâm cho biết: Hiệp hội Doanh nhân Thái Lan – Việt Nam được thành lập năm 2009. Trải qua 12 năm thành lập và phát triển tới nay, Hiệp hội đã có hơn 500 hội viên với 15 chi hội thành viên ở 15 tỉnh, thành phố có bà con kiều bào sinh sống tại Thái Lan.

Kể từ khi thành lập, Hiệp hội với vai trò chủ yếu là liên doanh, liên kết, tìm kiếm cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp kiều bào tại Thái Lan với các doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước, là cầu nối thương mại giữa Thái Lan và Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản phẩm vào thị trường Thái Lan.

Trong những năm vừa qua, chúng tôi đã có nhiều chương trình hợp tác trao đổi thương mại và du lịch giữa các doanh nghiệp kiều bào, doanh nghiệp của Thái Lan với các doanh nghiệp Việt Nam trên nhiều lĩnh vực khác nhau; Tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến thương mại Thái Lan – Việt Nam quốc tế mở rộng. Hội nghị đã thu hút sự tham gia của khoảng 500 doanh nhân là lãnh đạo các doanh nghiệp đến từ Việt Nam, Thái Lan và 28 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Sau hội nghị này đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam toàn cầu liên kết, hợp tác với Thái Lan.

Từ tháng 8/2020, thực hiện Đề án 1797 của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về việc “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài” giai đoạn 2020 – 2024, dưới sự bảo trợ của Lãnh sự quán Việt Nam tại Thái Lan, Hiệp hội Doanh nhân Thái Lan – Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, Trung tâm dịch vụ đối ngoại TP. Hồ Chí Minh tổ chức Khai trương Trung tâm triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao tại Thái Lan. Qua đó giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt ở Thái Lan, góp phần giúp cho doanh nhân biết đến Việt Nam nhiều hơn và người tiêu dùng Thái Lan biết đến và sử dụng hàng Việt nhiều hơn.

Hiện có 60 sản phẩm hàng Việt Nam được triển lãm tại đây. Dự kiến, chúng tôi sẽ mở các trung tâm triển lãm hàng Việt Nam tại các tỉnh thành người Việt sinh sống.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi, hưởng ứng và hỗ trợ tiêu dùng sản phẩm của các doanh nghiệp kiều bào sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp Việt tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, sẽ tìm kiếm các cơ hội đầu tư, trao đổi thương mại giữa hai nước Thái Lan – Việt Nam và các nước khác.

Tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam có những chính sách tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục đóng góp hiệu quả cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

                                                                                                    TRẦN THỊ HOÀI