Tin nổi bật

Nhà văn Bùi Tuấn Minh: “Cố gắng làm mới tác phẩm của mình”

6:15 sáng | 12/07/2022

VHDN – Ngày 08/7/2022, tại Bảo tàng Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Bộ Công an đã tiến hành tổng kết và trao giải Cuộc thi viết và Trại sáng tác văn học về đề tài hình tượng người chiến sĩ Cảnh sát nhân dân (CSND); Cuộc thi Ảnh nghệ thuật và Video clip với chủ đề “Những chiến sĩ mang sứ mệnh bảo vệ cuộc sống bình yên”. Tại hạng mục Trại sáng tác, Ban Tổ chức đã trao 02 giải A cho Nguyễn Hiệp với chùm truyện ngắn “Mây Sà Rình”, “Mắt hồ đêm”, Nguyễn Xuân Thủy với truyện ngắn “Giao thừa” và bút ký “Xin đừng gọi tôi là người hùng”, 03 giải B thuộc về Thụy Anh với truyện ngắn “Âm thanh cuộc sống”, Phan Đức Lộc với truyện ngắn “Mùa hoa pa bát” và Bùi Tuấn Minh với truyện ngắn “Bình minh Đắk D’rao”; cùng với đó là 05 giải C và 10 giải Khuyến khích. Cùng trò chuyện với nhà văn Bùi Tuấn Minh, để hiểu thêm về những trăn trở, dự định của anh dành cho văn chương.

Nhà văn Bùi Tuấn Minh

 – Trại sáng tác về đề tài hình tượng người chiến sĩ CSND nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống lực lượng CSND (20/7/1962 – 20/7/2022) là một sân chơi văn chương chuyên nghiệp thu hút sự tham gia của đông đảo những cây bút thành danh trên văn đàn tham dự. Cảm xúc của anh như thế nào khi được ghi danh tại một cuộc thi uy tín như vậy?

+ Khi biết tác phẩm của mình đoạt giải Trại sáng tác viết về “Hình tượng người chiến sĩ CSND” do Bộ Công an tổ chức, tôi rất bất ngờ và xúc động. Bất ngờ vì trại viết do tôi tham gia thu hút nhiều tác giả, nhà văn tên tuổi. Khi gặp và giao lưu, trao đổi các kỹ năng viết, tôi đã nghĩ rất khó để mình có được giải trong cuộc thi này, dù chỉ là giải Khuyến khích. Xúc động vì đây là cuộc thi lớn và tác phẩm của mình đã được Hội đồng giám khảo gồm những nhà văn gạo cội như Nguyễn Quang Thiều, Lê Minh Khuê, Y Ban, Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Hồng Thái… đánh giá cao. Đây là sự động viên, khích lệ, động lực lớn để người mới viết như tôi tiếp tục bước tiếp trên hành trình văn chương.

–  Hình tượng người chiến sĩ CSND là đề tài khó khai thác và làm mới bởi có nhiều yếu tố thuộc về bí mật nghiệp vụ. Là một cán bộ công tác trong ngành Công an, khi viết truyện ngắn “Bình minh Đắk Đ’rao”, anh có những thuận lợi và gặp phải những khó khăn gì?

+ Đúng vậy, hình tượng người chiến sĩ CSND là đề tài khó viết, khó làm mới, có nhiều lý do khiến không nhiều tác giả viết thành công ở mảng đề tài này, đặc biệt là đối với các tác giả ngoài lực lượng Công an. Nhưng đối với cá nhân tôi, tôi có nhiều thuận lợi hơn vì mình đã công tác trong ngành Công an đến này được tròn 20 năm, nên tôi có cho mình nguồn chất liệu văn chương phong phú. Vì vậy, dù có giải cao nhưng tôi nghĩ mình may mắn, nếu ở một sân chơi khác, một đề tài khác thì chưa chắc tôi đã tạo nên được sự khác biệt, ấn tượng. Bên cạnh đó, tôi cũng làm mới tác phẩm của mình, không theo lối mòn cũ, cốt truyện thường thấy ở những tác phẩm viết về hình ảnh người chiến sĩ Công an.

Sau cuộc thi, tôi rất mong muốn các nhà văn, tác giả cần khai thác nhiều hơn về đề tài này, nó không phải là đề tài nhạy cảm nhưng tôi nghĩ do người viết chưa dũng cảm, chưa thực sự dấn thân vào những vụ án, cuộc sống, công việc thường ngày của cán bộ chiến sĩ.

– “Bình minh ở Đắk D’rao” là một truyện ngắn khá tròn trịa về cốt truyện, đầy đặn về chi tiết, mượt mà về văn phong và giàu cung bậc cảm xúc đã vượt qua lối viết minh họa thường thấy ở mảng đề tài này. Vậy đâu là nguồn cảm hứng để anh viết nên tác phẩm và anh đã thực sự hài lòng về đứa con tinh thần của mình?

+ Truyện ngắn “Bình minh Đăk D’Rao” của tôi kể về một nữ Trưởng Công an xã mồ côi, mang trong mình 2 dòng máu Khmer và M’Nông, tình nguyện về công tác tại cao nguyên Đăk D’Rao. Trong một chuyến công tác, cô đã đối diện với kẻ hãm hại cha mẹ mình. Câu chuyện giàu tính nhân văn và mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, đánh thức lương tri và lòng vị tha của con người.

Về cơ bản thì tôi không lăn tăn điều gì cả vì đó là thực lực của chính bản thân mình, văn phong của mình, bút lực của mình. Có chăng chỉ hơi chút tiếc nuối vì tôi là người mới viết, nội lực còn hạn chế, chưa có kinh nghiệm trong xử lý tình huống văn chương, chưa phát huy hết cái hay của tác phẩm. Tôi nghĩ tác phẩm sẽ tối ưu nếu vào tay một người viết tốt.

– Thông thường, để thực sự am hiểu và thấm nhuần văn hóa, phong tục của một vùng đất, chúng ta cần rất nhiều thời gian quan sát, suy tư, trải nghiệm. Nhưng chỉ một chuyến đi vỏn vẹn 10 ngày nằm trong khuôn khổ Trại sáng tác do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Đắk Nông, anh đã viết nên một truyện ngắn thấm đẫm không khí Tây Nguyên và được đánh giá cao. Tây Nguyên đã thẩm thấu vào tâm hồn và ngòi bút của anh như thế nào?

+ Văn hóa Tây Nguyên luôn là một điều gì đó mới mẻ không chỉ đối với những người viết. Việc chọn Đắk Nông làm địa điểm sáng tác cho các nhà văn, tác giả cho thấy Ban Tổ chức cuộc thi của Bộ Công an rất muốn những điều mới, nội dung mới trong cách tiếp cận vấn đề của các tác phẩm dự thi.

Đối với tôi cũng vậy, dù mới chỉ đến đây lần thứ hai nhưng nơi này luôn có một sức cuốn hút lạ kỳ, từ con người tới thiên nhiên, từ màu trời cho tới vị đất. Cảm giác ngồi bên hồ, nhâm nhi một ly cà phê đặc trưng và tắm mình trong gió dường như đã cho tôi được thẩm thấu nhanh hơn nét văn hóa Tây Nguyên sau những chuyến đi thực tế.

– Có một số ý kiến cho rằng, những năm gần đây, các cuộc thi văn chương đang có xu hướng bị bão hòa. Trại sáng tác văn học Bộ Công an diễn ra trong giai đoạn các cuộc thi văn chương khác cũng sôi nổi phát động. Anh nhận định như thế nào về chất lượng tác phẩm cũng như tính lan tỏa của cuộc thi này?

+ Cuộc thi này là một trong những chuỗi hoạt động sự kiện chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống lực lượng CSND, Bộ Công an đã chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ tôn vinh, ca ngợi hình ảnh người chiến sĩ CSND trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Đây là cuộc thi chất lượng. Là cán bộ trong lực lượng, tôi thấy Bộ Công an rất coi trọng cuộc thi này, Ban Tổ chức rất muốn sau cuộc thi sẽ đóng góp nhiều tác phẩm hay cho sự nghiệp văn học ngành Công an. Bên cạnh đó là đội ngũ Ban Giám khảo gồm những cây bút gạo cội của văn học Việt Nam đương đại. Và các tác giả tham gia Trại sáng tác đã thực sự “cháy” hết mình cho từng trang viết.

Tôi đánh giá cuộc thi có sức lan tỏa rộng, nhiều tác phẩm thực sự có chất lượng sẽ góp phần đưa hình ảnh người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói chung, CSND nói riêng đẹp hơn, bình dị, nhân văn, gần gũi rất đời thường, được nhân dân tin yêu, quý trọng. 

Thứ trưởng Bộ Công an Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc trao giải A, B cho các tác giả Trại sáng tác (Nguồn ảnh_Báo CAND)

– Một trong những mục đích quan trọng của cuộc thi là lan tỏa vẻ đẹp hình ảnh người chiến sĩ CSND, vậy anh làm cách nào để cân bằng tính tuyên truyền và tính văn chương trong tác phẩm dự thi?

+ Đối với tôi, văn chương làm cuộc sống tốt đẹp hơn và trong mỗi tác phẩm văn học đã có sẵn tính tuyên truyền, định hướng con người đến vẻ đẹp của tâm hồn. Văn chương khác với báo chí, nếu báo chí là cơ quan ngôn luận, định hướng rõ ràng thì văn chương lại thẩm thấu một cách dễ chịu vào tâm hồn người đọc, những tác phẩm hay sẽ được bạn đọc nhớ mãi. Thế nên để nói cân bằng giữa tính tuyên truyền và tính văn chương trong tác phẩm đó là phạm trù không có hình hài và không dễ để thực hiện. Tôi chỉ cố gắng viết hết khả năng để người đọc chỉ thấy đây là tác phẩm đầy chất văn chương và khắc họa chân thực, khách quan hình ảnh người chiến sĩ CSND. Trong cuộc thi này có thể kể đến các tác phẩm tiêu biểu như: Giao thừa, Mắt hồ đêm, Âm thanh cuộc sống, Mùa hoa pa bát, Chiều khiết bông…

– Bùi Tuấn Minh là một nhà thơ mới chuyển qua địa hạt văn xuôi khoảng nửa năm nhưng đã liên tiếp gặt hái được nhiều thành công bước đầu. Đối với cá nhân anh, văn xuôi và thơ hỗ trợ cho nhau như thế nào?

+ Lần vào Tây Nguyên trước tôi cũng đã sáng tác bài thơ “Nữ thần mặt trời” lấy cảm hứng từ sử thi Đăm Săn, tác phẩm đã đoạt giải thưởng của Tạp chí Nâm Nung, Đắk Nông. Tôi nghĩ mình rất may mắn khi đã và đang là người chịu khó viết thơ; dù thơ không phải là thế mạnh của tôi nhưng thơ đem lại cho tôi sự nhạy bén về cảm xúc, sự tinh tế trong quan sát. Tôi luôn cố gắng đưa chất thơ vào mỗi tác phẩm văn xuôi của mình. Tác phẩm Bình minh ở Đắk D’rao này cũng vậy.

– Giải thưởng này chắc chắn sẽ là nguồn động lực lớn cho anh trên con đường văn nghiệp. Dự định của anh trong thời gian tới để cái tên Bùi Tuấn Minh thực sự ghi được những dấu ấn rõ nét trong lòng độc giả?

Tôi biết, giải thưởng là một dấu mốc đẹp trong hành trình sáng tác của mình. Nhưng điều quan trọng hơn hết mà tôi luôn trăn trở là bản thân sẽ đi được bao xa, đi như thế nào trên con đường viết lách còn rất nhiều những gian nan và cũng đầy hấp dẫn phía trước. Tôi có nhiều dự định, trong đó cuối năm xuất bản tập thơ thứ tư và tiếp tục thử sức mình ở các cuộc thi văn chương khác. Không có đề tài bao trùm trong các tác phẩm của tôi từ trước đến nay nhưng sẽ có nhiều tác phẩm hơn về đề tài Công an.

Nhà văn Bùi Tuấn Minh là tác giả của một số tập sách như: “Tuổi đôi mươi” (NXB Văn hóa dân tộc), “Chạm” (NXB Công an nhân dân), “Tâm giao người lính” (NXB Công an nhân dân). Có nhiều thơ, truyện ngắn, tản văn đăng trên Văn nghệ Công an, Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, Văn nghệ Bình Định, Văn nghệ Thái Nguyên, Sông Lam… Anh đã đoạt được một số giải thưởng văn học như: Giải Nhì truyện ngắn đề tài Covid-19, Quán Chiêu Văn; giải Ba truyện ngắn, Công đoàn Công an nhân dân; giải thưởng truyện ngắn “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường”, Bộ Giáo dục và Đào tạo; giải Nhì tạp bút về Tết, tập san Áo Trắng; giải thưởng thơ tạp chí Nâm Nung…

Trần Trương Hương Nhu