Quỹ Lê Lựu

Nhà văn Đặng Chương Ngạn: “Tôi sẽ viết tiếp về nông thôn”

12:11 sáng | 02/06/2021

Sau hai năm phát động, cuộc thi truyện và ký 2018 – 2020 về đề tài “Nông nghiệp, nông thôn và đời sống, sự nghiệp của các doanh nhân” do Quỹ Nhà văn Lê Lựu tổ chức đã trao 10 giải thưởng cho 10 tác giả. Cùng trò chuyện với nhà văn Đặng Chương Ngạn, người vừa giành được giải Nhì (không có giải Nhất) với truyện ngắn “Mái tranh nghèo của mẹ” để hiểu thêm về những trăn trở, dự định của anh dành cho văn chương.

Giải thưởng Quỹ Nhà văn Lê Lựu qua ba mùa đều thu hút rất nhiều những cây bút thành danh trên văn đàn tham dự. Đó cũng chính là bảo chứng cho sự danh giá và tính chuyên nghiệp của cuộc thi. Vậy, cơ duyên nào đưa anh đến với cuộc thi và cảm xúc của anh như thế nào khi vượt qua hàng ngàn tác phẩm dự thi để đoạt giải Nhì tại một sân chơi văn chương lớn như vậy?

Nhà văn Đặng Chương Ngạn: Viết xong truyện ngắn “Mái tranh nghèo của mẹ”, tôi chưa biết gửi đi đâu thì nhà thơ La Mai Thi Gia mang tặng một cuốn tạp chí Văn hoá Doanh nhân. Ở trang cuối có thông báo về cuộc thi mang tên Quỹ một nhà văn tôi yêu thích – Lê Lựu. Cuốn tiểu thuyết “Thời xa vắng” của ông tôi đã đọc nhiều lần, nhân vật Giang Minh Sài đã ăn sâu trong tiềm thức và theo tôi suốt thời trai trẻ… Vậy là tôi gửi dự thi theo địa chỉ email trên bản thông báo.

Mãi sau này, tìm hiểu tôi mới biết, cuộc thi này đã tổ chức được ba mùa và thu hút hàng nghìn tác giả tham gia. Nhiều nhà văn đã thành danh như: Vương Trọng, Bích Ngân, Nguyễn Trí, Vân Thảo, Lê Ngọc Minh, Du An… đã giành được giải trên sân chơi văn chương này. Đặc biệt, cuộc thi những năm qua đều được soi bởi mắt xanh của Ban Giám khảo là các nhà văn tên tuổi: Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Trường, Khuất Quang Thuỵ, Lê Minh Khuê, Văn Chinh…

Riêng cuộc thi 2018 – 2020, theo thông lệ, giải thưởng sẽ được trao vào cuối năm 2020, nên khi qua năm 2021, không thấy thông tin nào về cuộc thi, tôi đã nghĩ có thể do dịch covid nên cuộc thi tạm dừng…Thật bất ngờ, đầu tháng này, BTC cuộc thi đã gọi điện thông báo tôi được trao giải. Có lẽ, không chỉ tôi, mà bất cứ tác giả nào được gọi tên giữa mùa Covid này đều có tâm trạng như vậy: niềm hạnh phúc ấy như một thứ ánh sáng trong không gian nặng trĩu nỗi lo âu về dịch bệnh… Tôi vui hơn vì “Mái tranh nghèo của mẹ” là một truyện ngắn tâm huyết, khi viết tôi đã nhiều lần rơi nước mắt với đứa con tinh thần này.

“Mái tranh nghèo của mẹ” là một truyện ngắn chỉn chu về văn phong, sắc sảo về chi tiết và rõ ràng về thông điệp. Đâu là nguồn cảm hứng để anh viết nên truyện ngắn này?

Nhà văn Đặng Chương Ngạn: “Ở mỗi chúng ta đều có một người nhà quê” – tôi rất thích câu nói này của nhà phê bình Hoài Thanh – Hoài Chân trong “Thi nhân Việt Nam”. Tôi luôn đau đáu về làng quê về những người mẹ, cũng như thân phận của những người nông dân… Tâm trí tôi luôn đậm đặc mùi thơm hoa bưởi, hoa chanh, hoa nhãn, luôn sáng lên bởi màu tím hoa xoan, màu đỏ hoa gạo và những dải ráng chiều vàng, luôn xao động bởi tiếng cá quẫy dưới đầm nước, tiếng lách chách chuyền cành của chim sâu, tiếng kêu ghê rợn của chim lợn trong đêm tối…

Tôi luôn nặng trĩu những nỗi buồn khi nhớ đến chiến tranh, đến những mất mát tang thương của những người mẹ, người chị… Khi đứng nhìn lại quá khứ từ một điểm xa hơn, tôi chợt nhận ra những người lính dù ở phía nào cũng có một người mẹ, có một mái tranh, có một cô em gái đang chờ đợi… Tôi hay suy ngẫm câu nói của Abraham Lincoln: “Khi viên đạn xuyên vào một người lính dù thuộc bên nào đi nữa, thực sự ra nó đã xuyên vào trái tim một người mẹ”.

Những người lính rời quê ra đi, trong đó có những người anh của tôi… trong trái tim, trong nỗi nhớ… luôn hướng về mái tranh quê, về mẹ… Họ luôn mong ước được ghé nhà dù chỉ ít ngày để lợp lại mái tranh cho mẹ trước mùa mưa bão. Nhưng những ước mơ đó hầu như không trở thành hiện thực, vì nhiều người trong số họ đã không có cơ hội để trở về…

Trước cuộc thi này, anh đã từng giành được nhiều giải thưởng văn chương uy tín của Hội Nhà văn, Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam, báo Người Lao động… Nhưng tên tuổi của anh vẫn chưa thực sự được “phủ sóng” trong làng văn. Có bao giờ anh chạnh lòng về điều đó?

Nhà văn Đặng Chương Ngạn: Tôi đã từng được chọn tham dự Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc năm 1994, sau khi đoạt giải ở một cuộc thi do Hội Nhà văn và NXB Kim Đồng phối hợp tổ chức. Nhưng gần ba mươi năm trôi qua, hiện nay, không nhiều bạn đọc còn nhớ cái tên Đặng Chương Ngạn. Tôi hoàn toàn không ngạc nhiên và chạnh lòng. Mỗi người viết có con đường đi riêng. Có những tác giả thành danh từ tuổi nhi đồng. Có những nhà văn ngoài ngũ tuần mới bắt đầu cầm bút. Có những tác giả chỉ xuất hiện như một ngôi sao băng lóe lên bất chợt… Và, sẽ có những người như tôi, đang viết rồi biến mất khỏi văn đàn và chợt một ngày tái xuất. Tôi đã có khoảng hơn 15 năm không viết một dòng nào… Duyên may, tại thời điểm này, tôi đã trở lại với rất nhiều câu chuyện muốn kể cho độc giả…

“Nông nghiệp, nông thôn và đời sống, sự nghiệp của các doanh nhân” là đề tài dễ viết, nhưng khó hay. Anh đã làm gì để tránh những lối mòn nhằm tạo nên sự đặc biệt và một con đường riêng cho truyện ngắn của mình?

Nhà văn Đặng Chương Ngạn: Đọc nhiều truyện ngắn của các tác giả bây giờ, tôi vẫn thấy họ viết rất nhiều (rất hay) về một nông thôn cũ với những đề tài muôn thuở sau luỹ tre xanh, sau cây đa cổ thụ, cổng làng, giếng làng: sự trọng nam khinh nữ, các hủ tục, chuyện dòng họ, việc thờ cúng… Nhưng ít thấy ở đấy hơi thở một nông thôn Việt Nam của thời hiện tại: cơ giới hoá, máy cày đã thay dần cho sức kéo của trâu, bò; máy gặt đập liên hoàn đã thay dần cho việc gặt hái thủ công, cho việc trục lúa và xay lúa bằng những cối xay bằng đá… Đồng thời, cùng với những thay đổi đó, các tệ nạn: ma tuý, cờ bạc, số đề, bán hàng đa cấp… đang càn quét qua các vùng quê. Tôi ít thấy các tác giả khai thác những vấn đề nóng bỏng hằng ngày: tranh chấp đất đai, mâu thuẫn giữa người nông dân với các nhóm địa ốc, cuộc chiến sinh tử để giữ đất; những băng nhóm đưa người đi lao động chui ở nước ngoài, những thân phận bị cuốn theo dòng thác di cư, di dân rời khỏi nông thôn…

Có quá nhiều, rất nhiều đề tài, nhiều vấn đề về nông thôn để viết… Nhà văn nào cũng muốn tác phẩm mình viết ra khác biệt. Nhưng làm thế nào để viết hay và đặc sắc về nông thôn là một câu hỏi khó với tôi, cũng như với nhiều tác giả… Tôi sẽ viết tiếp về nông thôn với những gì tôi biết, tôi trải nghiệm: một nông thôn Việt Nam đang đổi thay, dịch chuyển từng ngày trong cơn lốc của cái gọi là toàn cầu hoá và kinh tế thị trường…

Kể từ sau khi giành giải thưởng này, chắc hẳn, tên tuổi của anh ít nhiều sẽ tạo nên sự chú ý của bạn đọc mỗi lần xuất hiện. Anh có áp lực với điều này? Và dự định của anh trong thời gian tới để cái tên Đặng Chương Ngạn thực sự bật lên là một trong những cây bút ấn tượng của làng văn?

Nhà văn Đặng Chương Ngạn: Với bất cứ người cầm bút nào, chắc họ đều mong tên mình sẽ được bạn đọc nhớ tới, nhưng được nhớ tới hay không hoàn toàn phụ thuộc vào cái duyên ngoài tầm tay người viết. Có nhà thơ sẽ được hậu thế nhắc lại mãi dù chỉ viết mấy câu thơ… Nhưng biết bao nhiêu nhà văn tác phẩm họ in tốn hàng tấn giấy cũng chìm trong im lặng. Nếu coi văn chương như cái nghiệp, chúng ta lại cứ phải cầm bút và viết. Còn được đánh giá như thế nào đành để cho độc giả vậy!

Tôi hi vọng giải thưởng cuộc thi sẽ mang lại cho tôi thêm độc giả, thêm sự quan tâm của họ với truyện ngắn. Nhiều khi đưa một câu vớ vẩn làm status trên Facebook có hàng trăm nghìn lượt thích, nhưng đưa một truyện ngắn vừa được in trên báo mời bạn bè vào xem chỉ thưa thớt vài người thăm viếng. Những lúc đó thực sự chán nản. Cứ tự hỏi mình: viết để làm gì? Còn dự định trong thời gian tới? Tôi sẽ dành thời gian để hoàn thành những cuốn sách mình từng ấp ủ, sẽ viết “những câu chuyện còn nằm trên bàn phím” như tôi vẫn hay nói đùa với bạn bè!

                                                                                       Phan Đức Lộc (thực hiện)