Quỹ Lê Lựu

Nhà văn Lê Lựu – Nguyên GĐ – TBT Trung tâm VHDN qua đời ở tuổi 85

10:34 sáng | 09/11/2022

Nhà văn Lê Lựu – Nguyên Giám đốc Trung Tâm Văn hóa Doanh nhân – Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Doanh nhân – “cha đẻ” của nhiều tiểu thuyết đình đám như: “Thời xa vắng”, “Sóng ở đáy sông”… qua đời sau nhiều năm chống chọi bệnh tật.

Nhà văn Lê Lựu đã trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. Ông qua đời sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, hưởng thọ 85 tuổi.

Nhà văn Lê Lựu sinh năm 1938. Ông từng tham gia cuộc kháng chiến giành lại độc lập tự do cho Tổ quốc. Thử thách để anh lính Lê Lựu trở thành “người cầm súng”, cũng mở ra cơ hội người cầm bút cho nhà văn Lê Lựu.

Thời kỳ đầu sự nghiệp, ông có nhiều sáng tác như truyện ngắn “Người cầm súng” (1970), tiểu thuyết “Mở rừng” (1976) – được xem là tác phẩm kinh điển của dòng văn học thời kỳ chiến tranh.

Sau này, tên tuổi của ông được khẳng định trên văn đàn với ba tiểu thuyết kinh điển: “Thời xa vắng” (1986), “Chuyện làng Cuội” (1991), “Sóng ở đáy sông” (1994)…

Trong đó, tiểu thuyết “Thời xa vắng” in lần đầu năm 1989, và đoạt giải thưởng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990 cùng với “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh và “Bến không chồng” của Dương Hướng.

Tác phẩm đã được chuyển thể thành phim truyện nhựa vào năm 2003 do đạo diễn Việt kiều Hồ Quang Minh thực hiện, phim đoạt giải Cánh diều Bạc năm 2004.

Theo nhà văn Nguyễn Quang Thiều, tiểu thuyết “Thời xa vắng ” là một tác phẩm lớn với thông điệp: “Con người chỉ là người đúng nghĩa khi họ được sống là chính họ chứ không phải sống bằng những cái (hay) những giá trị của người khác”.

Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, với “Thời xa vắng”, Lê Lựu đã thay đổi đời sống văn học Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước. Tư tưởng của “Thời xa vắng” đã bẻ một bước ngoặt của văn học Việt Nam kể từ 1954.

Còn tiểu thuyết “Sóng ở đáy sông” sớm thu hút sự quan tâm của khán giả khi được in lần đầu năm 1994. Tiểu thuyết này nhanh chóng được chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình, và năm 2000, bộ phim cùng tên do Lê Đức Tiến làm đạo diễn được phát sóng trên kênh VTV1 gây xôn xao dư luận.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: “Lê Lựu là nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Mỹ sau chiến tranh. Ông chính là sứ giả hoà bình Việt Nam đầu tiên, người phá băng đầu tiên trong quan hệ Việt – Mỹ để cùng các nhà văn cựu binh Việt Nam và Mỹ kêu gọi Chính phủ Mỹ phá bỏ cấm vận và bình thường hoá quan hệ với Việt Nam.

Lê Lựu đã sáng tạo ra những nhân vật còn sống mãi với người đọc Việt Nam như Giang Minh Sài. Và Lê Lựu cũng là một nhân vật đặc biệt của nền văn học Việt Nam. Xin cúi đầu tiễn biệt ông”.

Nhà văn Lê Lựu từng đoạt giải nhì báo Văn nghệ năm 1968 cho truyện ngắn “Người cầm súng”, giải A Hội nhà văn Việt Nam 1990 cho tiểu thuyết “Thời xa vắng”. Ông là thành viên của Hội nhà văn Việt Nam từ năm 1974.

                                                                                                                BBT