VHDN – Thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia” của Thủ tướng Chính phủ, năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành quyết định phê duyệt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đối số giai đoạn 2021 – 2025. Chương trình đã đi được nửa chặng đường, “kinh tế số” thực sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy kinh tế của thành phố “đầu tàu”- TP.Hồ Chí Minh đột phá vươn lên.
Tiến sĩ Trần Quý (Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam)
Kinh tế số là…tất yếu
Hiện thực hóa Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Quyết định số 12/QĐ-BKHĐT ngày 7/1/2021 thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Đây là chương trình lớn của đất nước nhằm hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số, doanh nghiệp sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho công ty.
TP.Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế – xã hội của cả nước, với trên 250.000 doang nghiệp, chiếm khoảng 30% tổng số doanh nghiệp cả nước đang đứng trước cơ hội lớn. Những con số mà chương trình đặt ra đã cho thấy sự quan tâm, kỳ vọng của Chính phủ vào kinh tế số để đưa nền kinh tế đất nước bứt phá đi lên. Mục tiêu đến năm 2025, 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ chương trình như sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối các giải pháp…
Đối tượng của chuyển đổi số là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức… hỗ trợ phát triển công nghệ số, nền tảng số, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Thực tiễn triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam cho thấy, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, với nhiều hoạt động, cụ thể thiết thực. Viện đã chủ động xây dựng các công cụ số, nền tảng số, cơ sở dữ liệu chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Đồng thời thu thập, kết nối thông tin với các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số và cung cấp giải pháp chuyển đổi số. Viện xây dựng công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cho doanh nghiệp và các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo nâng cao năng lực cho các chuyên gia tư vấn chuyển đổi số theo tiêu chuẩn, xu hướng thế giới. Những nỗ lực của đơn vị đã góp phần tích cực vào chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số quốc gia.
“Kinh tế số” đẩy “đầu tàu” tiến lên phía trước
TP.Hồ Chí Minh không những là đầu tàu kinh tế của cả nước, mà còn gánh trách nhiệm “hạt nhân” thúc đẩy kinh tế toàn vùng phát triển. Thông tin từ Sở Thông tin và Truyền thông TP.Hồ Chí Minh cho thấy, thời gian qua, TP.Hồ Chí Minh đã đạt được một số thành tựu về phát triển hạ tầng số. Cụ thể, triển khai thành công tập trung hạ tầng công nghệ thông tin các cơ quan Nhà nước trên nền tảng điện toán đám mây tại Trung tâm Dữ liệu TP.Hồ Chí Minh. Mạng viễn thông, internet và cáp quang băng thông rộng được nâng cao và phủ khắp đến 100% phường, xã, thị trấn. Hơn 1.000 đơn vị các sở ban ngành, quận huyện, phường, xã, thị trấn, TP.Thủ Đức và các tổng công ty, bệnh viện, trung tâm y tế, trường học triển khai thực hiện kết nối với nền tảng liên thông, chia sẻ dữ liệu.
Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn khai giảng năm học mới
Bên cạnh đó, TP.Hồ Chí Minh đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các dự án số hóa. Cổng dữ liệu của thành phố đã thực hiện chia sẻ dữ liệu cho các sở, ban, ngành, quận, huyện khai thác và sử dụng vào thông tin doanh nghiệp, thông tin đăng ký quyền sử dụng nhà ở, đất ở, cơ sở khám chữa bệnh, chứng chỉ hành nghề y… Điểm nổi bật là TP.Hồ Chí Minh triển khai thiết lập quy trình xử lý các thủ tục hành chính, văn bản của tất cả cơ quan Nhà nước bao gồm các sở ban ngành, TP.Thủ Đức, quận huyện, phường, xã, thị trấn trên môi trường số. Thành phố đã đưa vào vận hành 1.542 dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ 97,7% trên tổng số thủ tục hành chính, trong đó có 400 dịch vụ công đã được rà soát, tái cấu trúc quy trình. Nhờ việc đơn giản hóa quy trình đã đem lại hiệu quả tích cực trong quá trình thụ lý hồ sơ, rút ngắn thời gian xử lý và đơn giản hóa giấy tờ, thủ tục cho người dân, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi và thúc đẩy kinh tế TP.Hồ Chí Minh phát triển.
Theo số liệu từ UBND TP.Hồ Chí Minh, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số cho GRDP của TP.Hồ Chí Minh năm 2022 ước đạt 18,66% (năm 2021 là 15,38%). TP.Hồ Chí Minh đã nỗ lực thực hiện rất nhiều giải pháp để thúc đẩy kinh tế số, với mục tiêu là đến năm 2025, kinh tế số đóng góp 20% vào GRDP, đến năm 2030 là 40% vào GRDP. Hiện tại, các chỉ tiêu của TP.Hồ Chí Minh cao hơn bình quân cả nước từ 5-10%. Kinh tế số ở TP.Hồ Chí Minh đang trở thành lực đẩy đưa đầu tàu kinh tế của cả nước tiến lên phía trước.
Những thành tựu về kinh tế số ở thành phố đầu tàu – TP.Hồ Chí Minh – rất đáng ghi nhận. Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị cũng giao cho TP.Hồ Chí Minh nhiệm vụ đến năm 2030 trở thành lá cờ đầu cả nước về kinh tế số. Tuy nhiên, TP.Hồ Chí Minh cũng đang gặp không ít thách thức làm cản trở quá trình phát triển kinh tế số. Điều dễ nhận thấy là ở một số cán bộ, người đứng đầu, giám đốc công ty vẫn chưa nhận thức đầy đủ về kinh tế số. Chính vì lẽ đó mà các đơn vị, doanh nghiệp chưa có chính sách thích hợp và đầu tư nguồn lực thỏa đáng để hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thực tế hoạt động của Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam cho thấy, kinh tế số là vấn đề toàn cầu và đã được triển khai, mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt là các nước phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Ở nước ta, kinh tế số và quá trình chuyển đổi số cũng đã chuyển động mạnh mẽ, kỳ vọng tạo sự đột phá về tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn còn không ít cán bộ ở cấp quận, huyện, phường, xã, thị trấn và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn còn thờ ơ, thiếu quan tâm. Ở nhiều nơi cán bộ ở cơ sở, giám đốc doanh nghiệp, đoàn thể đang còn suy nghĩ giản đơn về kinh tế số, dừng lại ở những việc như định danh điện tử, hóa đơn điện tử, họp, học trực tuyến, thiết bị tự động hóa… Chính vì thế, để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế số phát triển, việc làm cần thiết hiện nay là nâng cao nhận thức, ý thức của doanh nghiệp, người dân. TP.Hồ Chí Minh cần chú trọng về công tác tuyên truyền, gia tăng thời gian giao lưu, trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp với kinh tế số, chính quyền số. Đồng thời, lựa chọn các lĩnh vực kinh tế ưu tiên để tập trung chuyển đổi số và cần xây dựng lộ trình chuyển đổi số kinh tế để đạt kết quả cao.
Tiến sĩ Trần Quý