Ninh Thuận

Ninh Thuận: Vững vàng phát triển và hội nhập

3:34 sáng | 01/09/2019

Ninh Thuận triển khai kế hoạch kinh tế – xã hội (KT – XH) và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 trong điều kiện kinh tế trong nước vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh nên tình hình KT – XH của Ninh Thuận 6 tháng đầu năm 2019 có nhiều chuyển biến tích cực và đạt được kết quả rất đáng khích lệ. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Thanh cho biết những tháng còn lại của năm, Ninh Thuận quyết tâm phát huy nội lực và khai thác hiệu quả ngoại lực, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tạo cho bức tranh KT – XH năm 2019 thêm những “gam màu tươi mới”; tiến gần hơn đến mục tiêu đưa kinh tế Ninh Thuận phát triển nhanh và bền vững theo hướng CNH – HĐH.

 

      Chu tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lưu Xuân Vĩnh 

Những bước đột phá

Mặc dù còn nhiều khó khăn, tuy nhiên với tinh thần phát huy nội lực, cùng với sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ quan trọng, hiệu quả của Trung ương, tình hình kinh tế – xã hội Ninh Thuận 3 năm qua (2016-2018) được duy trì ổn định và có chuyển biến tích cực, nhất là các khâu đột phá, trụ cột về kinh tế biển, năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, tạo được diện mạo mới, sức bật mới, nhiều chỉ tiêu chủ yếu có khả năng hoàn thành mục tiêu; kinh tế tăng trưởng khá và chuyển dịch đúng hướng; các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Đặc biệt, năm 2018 là năm đầu tiên tỉnh đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 15/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 10,25%, thuộc nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước; thu ngân sách đạt 2.960 tỷ đồng, về đích trước 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII đề ra. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao, tăng 46% cùng kỳ (đạt 12.920 tỷ đồng); thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng thứ hạng cao; lĩnh vực năng lượng tái tạo có chuyển biến rõ nét, đến nay đã có 114,4 MW điện gió, điện mặt trời hoàn thành hòa điện lưới quốc gia, trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. Tình hình chính trị, xã hội ổn định; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực; vị thế của tỉnh được nâng lên, là thành tích nổi bật đối với một tỉnh còn khó khăn như Ninh Thuận.

Trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2018, dự báo tình hình kinh tế thế giới, trong nước và trong tỉnh, năm 2019 UBND tỉnh tập trung chỉ đạo “Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 416/TB-VPCP về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh để thực hiện mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững gắn với đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện các khâu đột phá, trụ cột về phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và các dự án động lực thay thế. Tập trung tháo gỡ khó khăn, khuyến khích đổi mới, sáng tạo, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ đẩy mạnh khởi nghiệp doanh nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng hiệu quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chú trọng phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”.

Tiến gần mục tiêu trở thành trung tâm năng lượng tái tạo

Thực hiện Nghị quyết số 31, năm 2016 của Quốc hội, triển khai chủ trương xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cho tỉnh Ninh Thuận phát triển 2.000 MW điện năng lượng mặt trời bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2020.

Với tiềm năng và lợi thế về nắng, gió lớn nhất cả nước và nhiều dự án đã, đang được triển khai, Ninh Thuận sẽ sớm trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có 43 dự án được đầu tư xây dựng, trong đó điện gió có 14 dự án với tổng công suất 843,5MW, 29 dự án điện năng lượng mặt trời tổng công suất 1.939 MW. Đã có 114,4 MW điện gió, điện mặt trời hoàn thành hòa điện lưới quốc gia, trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế.

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, tỉnh Ninh Thuận có điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển điện gió, điện năng lượng mặt trời. Ninh Thuận ít có bão, nắng và gió gần như quanh năm, lượng gió thổi đều suốt 10 tháng trong năm với tốc độ qua khảo sát đo được từ 6,4 – 9,6m/s đảm bảo cho turbin gió phát điện.

Tuy nhiên, hệ thống lưới truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận hiện nay chủ yếu phục vụ việc phụ tải phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, chưa đáp ứng được yêu cầu giải phóng hết công suất các dự án năng lượng tái tạo. Hệ thống truyền tải trên địa bàn hiện ước tính chỉ giải phóng được 777,35 MW trong khi tổng công suất đầu tư đến nay đã lên đến 1.939 MW.

Ông Phạm Đăng Thành, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận cho biết, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, giải phóng công suất cho các dự án, tỉnh Ninh Thuận đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương có ý kiến chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam sớm có kế hoạch và phương án đầu tư phát triển hệ thống truyền tải điện để đáp ứng nhu cầu giải phóng công suất các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.

Được biết, để có thể giải phóng công suất các dự án năng lượng tái tạo tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng đề xuất danh mục các dự án lưới điện vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Kiến nghị bổ sung quy hoạch và điều chỉnh tiến độ một số dự án trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận như: Đầu tư trạm 500 kV Thuận Nam và đường dây 500 kV Thuận Nam – Chơn Thành (năm 2025); trạm 220 kV Ninh Phước và đấu nối (năm 2021); đường dây 220 kV mạch kép Ninh Phước – Vĩnh Tân (năm 2023).

Với sự nỗ lực của tỉnh, quyết tâm của các nhà đầu tư, khi những khó khăn về giải tỏa công suất được tháo gỡ, Ninh Thuận sẽ sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước, đóng góp quan trọng vào nguồn năng lượng quốc gia, tạo động lực cho kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển./.

Trung Kiên