Hậu Giang

Nỗ lực trong kết nối người lao động với doanh nghiệp

1:46 sáng | 14/11/2018

Trong bối cảnh thiếu lao động cục bộ ở một số ngành tại địa phương, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hậu Giang (Trung tâm) chính là kênh trung gian kết nối hữu ích giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đây cũng là địa chỉ tin cậy cung cấp các dịch vụ tư vấn chính sách, nghề nghiệp, việc làm, xuất khẩu lao động, cung cấp các dịch vụ dạy nghề ngắn hạn với giải quyết việc làm cho người lao động.

Phát huy vai trò “cầu nối” trung gian

Với vai trò là cầu nối giữa người lao động (NLĐ) và doanh nghiệp (DN), thời gian qua, Trung tâm đã triển khai hiệu quả các hoạt động thu thập và cung ứng thông tin thị trường lao động; tư vấn, giới thiệu việc làm, góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc phát hành thư ngỏ gửi đến 1.700 DN trên địa bàn tỉnh Hậu Giang nhằm mời DN cùng tham gia phối hợp tuyển dụng và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp từ TTDVVL. Thông qua các phiên giao dịch việc làm tổ chức tại Trung tâm, phiên giao dịch việc làm lưu động tại các địa phương trong tỉnh, các hội nghị tư vấn thường xuyên tại cộng đồng đã giúp NLĐ và người sử dụng lao động có cơ hội gặp gỡ, trực tiếp trao đổi các vấn đề liên quan đến điều kiện làm việc, chính sách, chế độ tiền lương…

Bằng nhiều giải pháp thiết thực và nỗ lực của cả tập thể, Trung tâm đã thực hiện hiệu quả các chính sách do Sở LĐTB&XH và UBND Tỉnh giao phó. Năm 2017, Trung tâm ký kết hợp đồng cung ứng lao động với 93 lượt DN, số lượng lao động được đề nghị cung ứng là 6.644 lao động, tư vấn việc làm cho 11.672 lao động, đăng ký việc làm 4.587 lao động, giới thiệu việc làm cho 2.983 lao động, tìm được việc làm cho 1.184 lao động.

Để thực hiện tốt kế hoạch tuyển sinh đào tạo cung ứng lao động cho các DN, tư vấn dạy nghề cho lao động hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp và dạy nghề theo Quyết định 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Trung tâm phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương, trường Đại học Cần Thơ, trường TC Luật Vị Thanh, các trường nghề thực hiện 07 cuộc tư vấn tập thể về chính sách lao động việc làm và học nghề cho 2.219 lao động là học sinh, sinh viên, phụ nữ, thanh niên, lao động địa phương trong tỉnh có nhu cầu việc làm và học nghề. Đã có 12 phiên Giao dịch việc làm diễn ra tại Văn phòng BHTN-DVVL Cái Tắc và Văn phòng BHTN-DVVL Ngã Bảy thu hút trên 450 lao động tham dự. Thông qua các buổi phỏng vấn việc làm trực tiếp với các DN tuyển dụng, không chỉ giúp cho các doanh nghiệp tuyển chọn được nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh mà người lao động còn hiểu đúng chức năng và nhiệm vụ của Trung tâm DVVL.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn tham mưu cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh tổ chức thành công Hội thảo Đào tạo nghề – Giải quyết việc làm – Xuất khẩu lao động, đảm bảo dự nguồn lao động cho hoạt động XKLĐ; chiêu sinh và khai giảng được 05 lớp bồi dưỡng ngoại ngữ tiếng Hàn dành cho lao động có nguyện vọng tham gia XKLĐ thị trường Hàn Quốc theo chương trình EPS với 135 học viên.

Công tác giải quyết việc làm cho lao động thất nghiệp cũng được coi là nhiệm vụ quan trọng. Khi lao động đến nộp hồ sơ tại Trung tâm DVVL Hậu Giang, sau một thời gian theo quy định sẽ được nhận quyết định trợ cấp thất nghiệp. Công tác tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hưởng BHTN trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực hiện đúng quy trình và quy định hiện hành.

Nâng cao chất lượng hoạt động

Tuy nhiên, hoạt động của các Trung tâm Giao dịch việc làm vẫn còn một số hạn chế nhất định. Từ thực tiễn địa phương, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập về mất cân bằng cung – cầu lao động, dẫn đến khó khăn, hạn chế trong việc tuyển dụng lao động của các DN. Nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực của Trung tâm, phát triển hoạt động của sàn giao dịch việc làm, mở rộng công tác điều tra thu thập, xử lý thông tin thị trường lao động hàng năm.

Theo ông Trần Minh Thiện – Giám đốc Trung tâm DVVL tỉnh, qua công tác vận động tuyên truyền thông tin chính sách việc làm đến từng hộ gia đình trên địa bàn được khảo sát. Nhận thấy, còn rất nhiều người lao động chưa quan tâm đúng mức đến việc tìm kiếm việc làm, phần lớn còn bám vào việc làm nông nghiệp tại địa phương. Đặc biệt người lao động còn thờ ơ với việc tham gia xuất khẩu lao động. Kinh phí cấp tổ chức Giao dịch việc làm vào thời điểm gần cuối năm. Vì vậy, hoạt động tổ chức các Ngày giao dịch việc làm đạt hiệu quả không cao, rất khó khăn trong việc tổ chức huy động lực lượng lao động địa phương đến các điểm giao dịch việc làm do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do lao động tại địa phương chưa quan tâm đến việc làm của bản thân.

Do vậy, thời gian tới, Trung tâm DVVL Hậu Giang tập trung một số giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động như đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị và đoàn thể địa phương, tổ chức tư vấn về chính sách việc làm, chính sách dạy nghề cho nhiều đối tượng trên địa bàn tỉnh; Tiếp tục tổ chức các Ngày Giao dịch việc làm lưu động tại các xã, phường tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ dễ dàng tiếp cận với các thông tin việc làm, có thêm nhiều cơ hội lựa chọn những công việc phù hợp với trình độ tay nghề của bản thân.

Đẩy mạnh cập nhật cơ sở dữ liệu tuyển dụng, tin giới thiệu, quáng bá về doanh nghiệp trên website: vieclamhaugiang.vn, facebook, video bản tin thị trường lao động Hậu Giang do Trung tâm quản lý; cũng như khai thác thông tin thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thông qua phần mềm cơ sở dữ liệu do Cục Việc làm cung cấp.

Thường xuyên thực hiện chiêu sinh, khai giảng các lớp bồi dưỡng ngoại ngữ cho những lao động có nguyện vọng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng địa phương thực hiện nhiều cuộc thông tin tuyên truyền các chính sách việc làm về xuất khẩu lao động, vận động tuyên truyền những lao động XKLĐ cư trú bất hợp pháp về nước theo quy định.

Duy trì và nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề; Tổ chức các phiên Giao dịch việc làm nhằm kết nối cung – cầu phục vụ cho đối tượng liên quan đến BHTN tìm kiếm việc làm và hỗ trợ học nghề; Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, chế độ, quy định của pháp luật về BHTN,…/.